Dai dẳng nỗi đau sau mưa lũ

01/11/2021 05:55 GMT+7

.Để chia sẻ tình cảm của bạn đọc với các gia đình có người thân tử nạn hoặc mất tích trong đợt mưa lũ lớn vừa qua tại miền Trung, PV Báo Thanh Niên đã tiếp tục đến thăm hỏi và trao gửi chút tiền hỗ trợ. Những nỗi đau mất mát vẫn dai dẳng, âm ỉ trong mỗi gia đình…

Anh Nguyễn Anh Cư, Bí thư Huyện đoàn Hướng Hóa (Quảng Trị), thăm hỏi thân nhân của anh Hồ Văn Diên

THANH LỘC

Nước mắt mẹ góa con côi

Tấm di ảnh ông Nguyễn Đình Điển (49 tuổi, tử nạn do mưa lũ) được đặt ngay ngắn ngay một góc tủ giữa phòng khách của căn nhà cấp 4 ở thôn Tú Ngọc B, xã Bình Tú (H.Thăng Bình, Quảng Nam). Túc trực bên tấm di ảnh là đứa con gái út của ông mới tròn 8 tuổi, khiến những ai chứng kiến không khỏi xót xa.

Bà Phan Thị Thu (46 tuổi, vợ ông Điển) buồn bã cho biết vì không có công việc ổn định nên những năm qua ông Điển liên tục ra vào Đà Nẵng - Quảng Nam để xin việc làm. Việc gì cũng làm, từ phụ hồ cho đến bốc vác tại các chợ đầu mối, miễn có tiền nuôi 2 con gái ăn học. Khoảng 1 năm nay, ông Điển xin được một chân làm bảo vệ cho quán cà phê tại TP.Tam Kỳ, thuê trọ ở khối phố Đoan Trai (P.Tân Thạnh), cuối tuần mới về nhà thăm vợ con. “Khoảng 14 giờ ngày 24.10, nhà trọ bị nước lũ ngập sâu nên chủ nhà gọi anh ấy về thu dọn đồ đạc đưa lên cao. Sau khi nhận điện thoại, chồng tôi nói với chủ nhà sẽ về ngay, thời điểm này nước lũ dâng cao gây ngập nhiều nơi trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Tầm 30 phút sau, chủ nhà tiếp tục gọi điện lại thì không liên lạc được… Thi thể anh ấy sau đó được người dân phát hiện trôi trên sông Bàn Thạch đoạn qua P.Tân Thạnh. Hai đứa con còn nhỏ nhưng giờ phải chịu cảnh mồ côi cha”, bà Thu nghẹn ngào kể. Sau khi thăm hỏi động viên, đại diện Báo Thanh Niên tại Quảng Nam đã trao số tiền 3 triệu đồng cho gia đình anh Điển.

Đại diện Báo Thanh Niên (trái) trao tiền hỗ trợ cho người thân nạn nhân Nguyễn Đình Điển

NAM THỊNH

Tại Thừa Thiên-Huế, PV Thanh Niên cũng đến thăm, chia buồn và trao số tiền 3 triệu đồng cho gia đình anh Trần Nhân Lợi Em (29, trú tổ dân phố Đức Nam Trung, TT.Phú Đa, H.Phú Vang). Căn nhà nhỏ dột nát giờ vắng người chồng càng trở nên hiu quạnh. Anh Lợi Em mất đi để lại mẹ già cùng người vợ trẻ đang mang thai và đứa con nhỏ 2 tuổi. Chị Lê Thị Thanh Phượng (31 tuổi) cứ thất thần kể từ ngày mất chồng. Ai hỏi gì cũng im lặng, không nói nên lời. Còn bà Phan Thị Gái (mẹ anh Lợi Em) hễ nhìn lên bàn thờ con là tức tưởi: “Tôi già rồi sao ông trời không cho tôi chết đi, đổi lại cho con tôi được sống. Trong nhà, nó là con út, hiền lành, chăm làm, thương vợ, thương con lắm... Nó mất đi để lại vợ mang bầu gần ngày sinh, con nhỏ mới 2 tuổi, còn thêm một khoản nợ hơn 500 triệu đồng giờ mẹ con tôi không biết làm chi mà trả nổi?”.

Lợi Em là con trai út trong gia đình có 4 anh chị em. Sau khi lập gia đình, có bằng lái máy xúc nên Lợi Em đi làm thuê cho các công trình. Muốn cải thiện thu nhập, làm thuê mãi không đủ tiền nuôi vợ con, anh quyết định thế chấp sổ đỏ của mẹ già để vay 500 triệu đồng, lấy tiền mua chiếc xe múc. Sáng 17.10, khi chiếc xe đặt mua từ Hà Nội được đưa về tới nhà người anh trai ở H.Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), anh Lợi Em dậy sớm để đi nhận xe. Khoảng 6 giờ sáng, anh chạy xe máy đến đoạn đường Lê Duẩn (TP.Huế) thì gặp mưa to, gió lớn. Một cây phượng vĩ bị gió quật ngã, đè trúng khiến anh ngã xuống đường, chấn thương nặng, bất tỉnh; dù được người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu nhưng anh đã tử vong vào sáng cùng ngày. Toàn bộ số tiền 30 triệu đồng mang theo với ý định để sửa sang, hoàn thiện chiếc xe để chuẩn bị làm ăn (để trong cốp xe máy) cũng đã bị văng ra đường và bị mất sạch… Một gia đình dù nghèo nhưng êm ấm, sau một ngày mưa lũ đã trở nên cảnh mẹ góa con côi trong đìu hiu và bế tắc.

PV Thanh Niên tại Thừa Thiên-Huế (phải) trao tiền cho vợ và mẹ nạn nhân Trần Nhân Lợi Em

ANH KHANG

Những ngày sau mưa lũ, PV Thanh Niên tại Quảng Bình cũng tìm đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ và trao tiền hỗ trợ 3 gia đình có người tử nạn, mất tích do nước lũ ở 2 huyện Quảng Ninh và Tuyên Hóa. Hầu hết nạn nhân đều có hoàn cảnh khó khăn, gặp nạn trong lúc đang bươn chải mưu sinh. Anh Hồ Văn Sửu (24 tuổi, ở xã Trường Xuân, H.Quảng Ninh) trở thành lao động chính trong gia đình để đỡ đần bố mẹ già yếu và em trai đang độ tuổi đi học. Anh phải lăn lộn nhiều nơi, theo bà con họ hàng đi đây đó để kiếm việc làm. Và trong chuyến đi rừng, anh đã không may gặp nạn. Ông Hồ Tướt (bố của anh Sửu) kể: “Nó lên tận xã biên giới Trường Sơn đi làm. Ngày 17.10, mưa rất lớn, nước lũ trên rừng đổ về nhanh nên Sửu và mấy người bạn rừng vội vã quay trở ra. Khi gặp một con suối dữ, nước cuồn cuộn, mọi người trong đoàn quấn bao ni lông để bơi qua suối. Có 3 người thoát qua an toàn, còn Sửu không may bị tuột bao nên bị nước cuốn trôi. Nó chỉ kịp giơ tay lên kêu cứu 2 tiếng rồi chìm”… Nhận tin báo, ông Tướt cùng người thân khăn gói lên đường đến xã Trường Sơn tìm kiếm, ngóng chờ. Thi thể anh Sửu được lực lượng chức năng tìm thấy sau đó.

Ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình), nạn nhân Hoàng Văn Nhường (57 tuổi, ở xã Thạch Hóa) cũng gặp nạn khi chạy xe máy qua khe gần nhà hôm 17.10. Khi gia đình chờ mãi không thấy ông về, tổ chức đi tìm thì phát hiện chiếc xe máy bị lũ cuốn trôi nằm gần đó, sau đó mới tìm ra thi thể ông. Ông ra đi để lại vợ và con, trong đó có người đang học lớp 12, cùng ngôi nhà tuềnh toàng cũ kỹ chưa kịp quét vôi. Nhận tiền hỗ trợ của Báo Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Nhường) cảm động, nghẹn ngào.

Nhói lòng người ở lại

Trong khi đó, hoàn cảnh của ông Nguyễn Văn Đường (51 tuổi, ở xã Hàm Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình) càng thương tâm. Bị nạn ngày 17.10, nhưng mãi đến ngày 29.10, khi PV Thanh Niên đến thăm gia đình thì vẫn chưa tìm ra thi thể. Ròng rã 14 ngày đêm, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng và nhất là gia đình cật lực, miệt mài tìm kiếm khắp nơi, nhưng vẫn chưa phát hiện tung tích.

Trong ngôi nhà mới xây của gia đình ông Đường, người thân và hàng xóm của ông đứng ngồi không yên, nét mặt ai nấy bần thần, lo âu. Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Cơ, con trai đầu của ông Đường, cho biết trưa 17.10, ông Đường cùng anh Trần Văn Đăng (ở cùng làng) lái đò qua hồ tôm ở bên kia sông Nhật Lệ để đưa máy móc lên cao tránh lũ và tìm cách bảo vệ đê hồ. Lúc đó, lũ lên nhanh, mưa gió lớn. “Khi đò ra giữa sông Nhật Lệ thì bị lật chìm, ba tôi và anh Đăng rơi xuống sông. Anh Đăng may mắn vớ được một tấm ván gỗ, chống chọi giữa dòng nước một lúc thì được người dân ra cứu sống. Còn ba tôi mất tích từ đó đến nay…”, anh Cơ kể. Chiếc đò bị lật đã được tìm thấy cách vị trí tai nạn chừng 500 m và đã được trục vớt lên. Vỏ đò còn nguyên, máy móc bị gãy trôi mất. Sự cố xảy ra khiến bà Trần Thị Phi (vợ ông Đường) và con cháu suy sụp. Vợ chồng ông Đường sinh được 4 người con, hiện 2 người vẫn đang trong độ tuổi đi học. Bà Phi cũng vừa phẫu thuật u não, sức khỏe vẫn chưa bình phục trở lại.

Tại Quảng Trị, hôm qua 31.10, Huyện đoàn Hướng Hóa cũng tổ chức đoàn thăm hỏi và mang theo món quà trị giá 3 triệu đồng của bạn đọc Báo Thanh Niên hỗ trợ gia đình anh Hồ Văn Diên (21 tuổi, trú khối 6, TT.Khe Sanh, H.Hướng Hóa). Anh Diên mất tích tại cầu tràn xã Tà Long (H.Đakrông, Quảng Trị) khi đi làm rừng vào ngày 16.10. Sau sự cố, lực lượng chức năng ở H.Đakrông đã khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhưng do nước lũ dâng cao, địa hình hiểm trở nên lúc đoàn đến thăm vẫn chưa tìm thấy thi thể…

Chị Hồ Thị Thoang (31 tuổi, mẹ kế của anh Diên) cho biết Diên là con đầu, người mẹ ruột không may mất sớm. Để phụ giúp bố mẹ nuôi 2 em trai, Diên thường đi làm rừng để kiếm thêm thu nhập. “Hôm đó, Diên cũng nói đi làm, nhưng mãi không thấy về…”, chị nói. Cũng theo chị Thoang, dù Diên mất tích đã nửa tháng nhưng người bố (anh Hồ Văn Hiền, 45 tuổi) vẫn cứ nuôi hy vọng tìm thấy con!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.