Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tối 11.3 chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của vi rút Corona (SARS-CoV-2) là “đại dịch toàn cầu”.
WHO cho biết việc tuyên bố đại dịch không liên quan đến sự thay đổi bản chất của căn bệnh nhưng lại liên quan đến những quan ngại về khả năng lây lan về mặt địa lý, theo The Guardian. Tình trạng đại dịch được xác nhận nếu một căn bệnh mới mà con người chưa có khả năng miễn nhiễm lan rộng ngoài dự kiến của thế giới.
Khi nào gọi là “đại dịch”?
Khi có các ca nhiễm liên quan đến người nhiễm từ nước ngoài trở về nước, hoặc khi người này trở về và lây nhiễm cho người khác thì chưa đủ tiêu chí tuyên bố đại dịch. Cần phải có làn sóng lây nhiễm thứ 2 từ người sang người trong cộng đồng.
Công bố đại dịch đồng nghĩa với việc thừa nhận nhiều khả năng sẽ xảy ra sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng trên toàn cầu, và chính phủ cùng hệ thống y tế cua các nước phải đảm bảo sẵn sàng đối phó. Trong khi đó, bệnh dịch chỉ là sự gia tăng các ca nhiễm bệnh trong một quốc gia hay cộng đồng.
WHO là tổ chức có tiếng nói sau cùng về thời điểm công bố đại dịch và không có tiêu chí cụ thể nào về số người tử vong, lây nhiễm hay số quốc gia bị ảnh hưởng.
Mục đích chủ yếu của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng nhiều người hốt hoảng trên toàn cầu.
Đã có nhiều tranh cãi về việc WHO tuyên bố dịch cúm A (H1N1) là đại dịch vào năm 2009. Những người chỉ trích cho rằng điều này gây nên hoảng loạn không cần thiết, khiến các cơ sở cấp cứu quá tải và khiến nhiều nước phải bội chi để mua thuốc kháng virus.
Đại dịch COVID-19
Giờ đây, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, dẫn đến nhiều thắc mắc về ý nghĩa của tuyên bố đối với công tác chuẩn bị và đối phó bệnh dịch.
WHO nhấn mạnh rằng việc dùng từ “đại dịch” không phải là dấu hiệu cho thấy tổ chức này thay đổi về các khuyến cáo. WHO vẫn kêu gọi các nước “phát hiện, xét nghiệm, chữa trị, cách ly, theo dõi và vận động người dân”.
Bác sĩ Nathalie MacDermott tại Đại học King London cho rằng việc thay đổi cách gọi căn bản không dẫn đến thay đổi nào vì trong vài tuần qua, thế giới đã được khuyến cáo chuẩn bị cho khả năng xảy ra đại dịch và hy vọng nhiều nước đã nghiêm túc tuân thủ.
“Tuy nhiên, việc dùng khái niệm mới nhấn mạnh tầm quan trọng của các nước trên thế giới trong việc phối hợp và cởi mở với nhau, cùng nhau đoàn kết nỗ lực đưa tình hình vào vòng kiểm soát”, theo bác sĩ MacDermott.
NHỮNG ĐẠI DỊCH TOÀN CẦU TRONG LỊCH SỬ
- Một trong những đại dịch nghiêm trọng nhất lịch sử là đại dịch cúm năm 1918, còn được gọi là "cúm Tây Ban Nha". Đại dịch cúm năm 1918 lây nhiễm khoảng 500 triệu người, tức 1/3 dân số thế giới lúc bấy giờ, và làm chết khoảng 50 triệu người trên toàn cầu.
- Năm 1957, virus cúm A/H1N1 (còn được gọi là “cúm châu Á”) đã bùng phát ở Đông Á, gây ra đại dịch làm chết 1,1 triệu người trên toàn thế giới và 116.000 ở Mỹ.
- Năm 1968, một đại dịch do virus cúm A/H3N2 bùng phát từ Trung Quốc và lan rộng khắp thế giới. Đại dịch năm 1968 làm chết khoảng 100.000 người khắp Trung Quốc và 1 triệu người tử vong trên toàn thế giới. Hầu hết trường hợp tử vong là ở người lớn từ 65 tuổi trở lên, theo CDC. H3N2 tiếp tục hoành hành trên toàn cầu dưới dạng virus cúm theo mùa.
- Vào mùa xuân năm 2009, virus cúm A/H1N1 bùng phát, được phát hiện đầu tiên ở Mỹ và sau đó lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới. CDC ước tính có khoảng 151.700-575.400 người tử vong khắp thế giới trong năm đầu tiên H1N1 xuất hiện. Trên toàn cầu, 80% số ca tử vong được ước tính xảy ra ở những người dưới 65 tuổi. Đến tháng 8.2010, WHO tuyên bố đại dịch cúm toàn cầu. Từ đó, H1N1 vẫn tiếp tục trở lại dưới dạng virus cúm theo mùa hàng năm.
|
Bình luận (0)