Trong đại dịch - thời trang xa xỉ vẫn tăng trưởng
Mặc kệ đại dịch, trong quý đầu tiên của năm 2021, doanh thu hợp nhất của tập đoàn Hermès lên tới 2.084 triệu euro, tăng 44% theo tỷ giá hối đoái cố định và tăng 38% theo tỷ giá hối đoái hiện hành nhờ kinh doanh phát triển mạnh ở thị trường châu Á và Nhật Bản cùng sự trỗi dậy ở Mỹ và trụ vững ở thị trường châu Âu. Mức tăng trưởng doanh thu tự nhiên là 33% so với mức ở quý đầu tiên năm 2019.
Công ty cho biết, doanh số bán hàng của các cửa hàng thuộc tập đoàn trong quý đầu tiên đã tăng 51% so với năm 2020 và 41% so với quý đầu tiên của năm 2019. Doanh số bán hàng ở châu Á, tăng mạnh, nhờ hoạt động kinh doanh sầm uất ở Trung Quốc và các phát triển bền vững ở Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore và Úc. Doanh số bán hàng ở Nhật Bản cũng tăng đến 20% khi một số cửa hàng mới đã mở cửa hoạt động ở Tokyo vào tháng 2 trên Đại lộ Omotesando.
Có được con số lý tưởng này là bởi cách điều hành thương hiệu đã tương thích với các diễn biến của đại dịch - sự đóng mở của các cộng đồng người tiêu dùng tại các nước. Ví dụ, Pháp bị giảm 9% doanh số do những khó khăn mới trong quý đầu tiên và do đóng cửa hoạt động ở một số quốc gia như Vương quốc Anh, Đức và Thụy Sĩ. Cùng với đó là sự suy giảm của các hoạt động bán buôn, bán lẻ dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, ngay sau đó, khi được nới lỏng giãn cách, các hoạt động cộng đồng trở lại, thậm chí một số sự kiện lớn tầm cỡ thế giới cũng khởi động thì nó đã không ảnh hưởng quá nhiều đến tăng trưởng chung, đại diện công ty chia sẻ thêm. Thế mạnh của một thương hiệu thời trang xa xỉ là luôn được người ta... khao khát. Sau những đợt giãn cách thất thường, nhiều khách hàng có điều kiện đã cho phép mình.... tận hưởng cuộc sống nhiều hơn trước, nhiều hơn trước hết mức có thể ( vì... cuộc sống càng ngày vốn có vẻ càng... rủi ro).
Kinh doanh trực tiếp... khoá cửa, kinh doanh trực tuyến lên ngôi?
Trò chuyện với phóng viên, Nhà thiết kế Nguyễn Khánh Chi (một thương hiệu thời trang thiết kế ở thủ đô, khá thành công với phương thức phân phối online) cho biết: "Bản thân tôi cũng đang kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nên quỹ thời gian là vô cùng hạn hẹp. Việc phát triển thêm một thương hiệu thời trang thiết kế vì đam mê và lý tưởng tạo ra một dòng hàng đặc biệt cho những người phụ nữ "đặc biệt" ( cá tính, năng động và... có các số đo ngoại cỡ) là phải "so đo" tính toán rất nhiều.
Do vậy, ngay từ đầu tôi đã chọn phương án bán hàng trực tuyến là chính. Mẫu xong tới đâu là hàng "lên" tới đó. Thậm chí mẫu chưa hoàn thiện đã... được lên sóng bởi sự "háo hức" của cả người làm là chúng tôi và người mua là những người đang... đợi bên kia... màn hình điện thoại, vi tính. Sản phẩm rời xưởng ra là... lên sóng livestream. Chị em mê thời trang chọn giờ vào xem live và đặt hàng, chọn cỡ, vui vẻ và tấp nập. Mua - bán hàng với những thương hiệu bán trực tuyến thường xuyên như chúng tôi cũng là một cơ hội, cách thức giao lưu, cuộc sống thêm thi vị...
Chọn cách phân phối chính là trực tuyến, mọi thứ dành cho thương hiệu tôi chuẩn bị rất gọn gàng tuy không mang lại cho khách hàng không gian lung linh, sang trọng của showroom trưng bày sản phẩm nhưng lại gây thích thú cho người mua ở những khía cạnh khác - giúp họ có thêm những cảm xúc thời trang chân thật..."
Thực tế thì bán hàng trực tuyến giúp tiết kiệm nhiều thời gian và công sức nhưng lại đòi hỏi sự quay vòng liên tục của người chủ và ekip. Hàng phải liên tục mới, nóng, thuyết phục khách vì cùng một không gian nhỏ bé của chiếc điện thoại hay laptop khách hàng chỉ ngồi một chỗ có thể so sánh khắp các shop, các hiệu từ Nam chí Bắc. Nếu không thật sự tinh, chất thì khó giữ chân khách hàng.
Đối mặt với đại dịch Covid-19, NTK Khánh Chi cũng nói thêm: "Chính vì cách lựa chọn bán hàng trực tuyến nên đại dịch không ảnh hưởng nhiều hoạt động của tôi. Thậm chí, giãn cách xã hội mọi người ở nhà nhiều hơn, rảnh rỗi, lựa chọn, order khiến cho tôi bận rộn hơn rất nhiều. Chỉ những lúc phong toả hoàn toàn, ngưng sản xuất lại thì có lẽ chúng tôi mới... được nghỉ ngơi đôi chút..."
Đại dịch Covid-19 không chỉ kéo dài xuyên từ năm nọ sang năm kia mà còn khiến thế giới hoang mang, đau đầu vì các đợt lây nhiễm tái đi tái lại gây bất cân bằng cho cộng đồng, xã hội. Đứng trước tình cảnh vừa mở cửa nay mai đã đóng thì xu hướng chuyển từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng trực tuyến là xu hướng phổ biến đối với các hãng thời trang Việt và các nhà thiết kế Việt.
HUYEN CHAU NGUYEN Fashion đang sở hữu showroom trưng bày sang trọng trên con phố trung tâm Thủ đô đã phải đặt lên bàn cân những câu hỏi đầy trăn trở: "Rút và gọn về ONLINE hay vẫn giữ thuê một mặt bằng truyền thống chạy OFFLINE?"
Chị cũng chia sẻ: "Sau vài ngày giãn cách, bốn mùa dịch và toàn bộ team HUYEN CHAU NGUYEN rút về online. Châu đã ngấm sâu sắc hơn tình cảnh kinh doanh thời đại dịch và thế nào là thời đại 4.0, là tương lai. Con người sẽ đi về đâu, chúng ta tiêu dùng như thế nào???
Liệu Châu có nên mạnh dạn hay nói đúng hơn là đi đầu trong việc chuyển đổi toàn bộ một boutique thời trang xịn xò, lung linh lên hệ thống online?" Chị cũng đưa ra các ý tưởng:
- Không có cửa hàng truyền thống kính sáng choang trên phố, thay vào đó là studio trên cao - shopping trên penthouse chẳng hạn. Khách hàng khi đó vừa shopping vừa ngắm thành phố thay vì ngắm vỉa hè thấp lè tè, kẹt xe, thùng rác, hàng cơm phở xung quanh...
Hoặc:
- Không cần phải chen chúc phố xá chật hẹp (thay vào đó là các mặt bằng có bãi đậu xe lớn), lên xuống có thang máy, đậu xe có hầm gửi, mua xong chui vào xe không ướt váy, không khói bụi...???
Tuy nhiên, cũng có những trở ngại như: Một sàn rộng với chan hoà ánh sáng sẵn sàng ship online hay một store có thể không tiện đường đi lại của khách hàng? Và khách hàng của HUYEN CHAU NGUYEN có sẵn sàng trải nghiệm hay vẫn mong các store về thời trang có một mặt bằng trên phố?
NTK Huyền Châu cũng cho rằng đây không chỉ là một câu hỏi của riêng lĩnh vực thời trang mà còn là câu hỏi chung của các bạn bè trong lĩnh vực làm đẹp, hoa, và các dịch vụ chăm sóc khác… trong thời buổi dịch bệnh hoành hành, khốn khó như này.
Cùng trong bối cảnh thì nhưng quy mô, cách thức ứng phó khác nhau. IVY Moda, một trong những thương hiệu thời trang lớn có chuỗi cửa hàng và đối tác nhiều nhất nhì Việt Nam cũng đã có những kế sách khác nhau. Các phương án của IVY MODA vừa có phương án ngắn hạn, phương án dài hạn, đều linh hoạt vừa để chống dịch vừa để đối phó với dịch và sâu xa hơn là thay đổi nhằm thích ứng với đại dịch, sẵn sàng cho nhịp sống bình thường mới.
Ví dụ như ngoài việc đóng cửa các cửa hàng ( bắt buộc đối với các địa phương có dịch) chuyển thành bán hàng online thì còn nhiều việc liên quan như một mặt hãng đã chuẩn bị sẵn, chăn, ga, gối, đệm cho kho online. Một mặt hãng cũng tạo ra các liên kết vận chuyển và thông báo rằng đội ngũ giao hàng của IVY moda là bưu tá Viettel và Vnpost đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Cùng với đó đội ngũ nhân viên kho online của IVY moda được cách ly luôn tại kho, thường xuyên được test Covid... Chuyển đổi hình thức bán hàng, trang bị đầy đủ cho đội ngũ nhân sự không chỉ là câu chuyện của "người có tiền" mà còn là câu chuyện cần thiết của những người... thực tế.
Chủ đầu tư – người sáng lập thương hiệu, doanh nhân Nguyễn Vũ Anh chia sẻ vui với các khách hàng và bạn bè trên trang cá nhân của mình: "Mua online IVY moda là An toàn - Có những thứ chuẩn bị trước, nhưng luôn mong không phải dùng đến. Và anh cũng khẳng định: Dịch dã nhưng không dám nghỉ vẫn phải nhặt từng đồng nuôi nhau…"
Đại dịch là điều không ai mong muốn và không thể đoán trước được. Các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thời trang nói riêng dù muốn dù không buộc phải “thuận thiên”, lựa vào lợi thế của mình để bắt nhịp với “tình trạng mới” hoặc lạc quan hơn là khái niệm “cuộc sống bình thường mới”. Chống dịch và muốn hướng đến tương lai bình an, lâu dài không có cách nào khác là phải lạc quan, tuân thủ, luôn sẵn sàng một cách nghiêm cẩn…
Ảnh: Hermès, Ivy, Huyen Chau Nguyen, Nguyen Khanh Chi
Nguồn: Fashionuinted.com, Hermès.com