Là người mê cải lương nên khi kinh doanh phát đạt, ông Nguyễn Văn Hảo mua đất xây dựng nhà hát mang tên ông. Nhà hát này một thời được coi là “thánh đường” của giới cải lương có sức chứa hơn 1.200 khách.
Rạp Nguyễn Văn Hảo trước năm 1975 - Ảnh: tư liệu
|
Để phục vụ sở thích
Người con trai độc nhất của ông Hảo là Nguyễn Tâm Thạnh, năm nay cũng đã 86 tuổi. Chính ông Thạnh là người giúp chúng tôi “mở cửa” căn nhà đắc địa Nguyễn Văn Hảo ngay trung tâm Sài Gòn. Con trai ông Hảo cho biết dù là dân kinh doanh nhưng do lớn lên ở miền Tây nên ông Hảo rất mê cải lương. Trước nhà có một gánh hát bội nhỏ nên thường những tối cuối tuần sau những giờ kinh doanh căng thẳng, ông Hảo lại ghé xem hát.
“Cha tôi xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo với mục đích ban đầu là phục vụ sở thích cải lương của mình. Thêm nữa, ổng muốn nghệ thuật cải lương có một nhà hát đẳng cấp để phát triển”, ông Thạnh hồi tưởng.
Nói là làm, khoảng đầu những năm 1940, ông Hảo mua đất để xúc tiến xây dựng rạp Nguyễn Văn Hảo. Mặt tiền của rạp hướng về đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo), một con đường tráng nhựa rộng lớn và huyết mạch từ Sài Gòn đi Chợ Lớn. Cửa hậu của rạp Nguyễn Văn Hảo trổ ra đường Bùi Viện.
Theo soạn giả Nguyễn Phương, rạp Nguyễn Văn Hảo có ba tầng khán phòng. Tổng cộng số ghế cho khán giả trong rạp là 1.200 ghế, chưa kể ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Đây là rạp hát có nhiều số ghế nhất ở Sài Gòn nên được các nghệ sĩ gọi là “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo.
Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế. Ghế ở lầu ba được đóng bằng ván dài, trên một cái dàn gỗ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên cao như ghế băng trong các rạp xiếc. Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì và hạng nhất gồm 400 ghế bọc nệm da đỏ có lưng dựa. Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.
Phía tay phải của rạp hát là một hành lang rộng 5 m, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu (độ 50 m). Hành lang này dành cho đoàn hát để phông màn, chỗ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba, vũ nữ và quân sĩ. Đây cũng là nơi dự phòng của rạp để phòng lối ra khi có hỏa hoạn.
Ở khoảnh đất mặt tiền còn lại giao các đường Galliéni và Bùi Viện, mỗi bên ông Hảo xây hơn 10 căn phố lầu để cho thuê. Góc đường mũi tàu Bùi Viện, Kitchener (nay là đường Nguyễn Thái Học) và Galliéni, là cửa lên lầu hai của vũ trường Tour D’Ivoire (Tháp Ngà).
“Thánh đường” cải lương
Trong những năm từ 1943 đến năm 1954, Sài Gòn có bốn rạp dành cho hát cải lương: rạp Nguyễn Văn Hảo, rạp Aristo ở đường Lê Lai, rạp Thành Xương ở đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đa Kao. Trong số các rạp này thì rạp Nguyễn Văn Hảo là rạp hát lớn nhất, có sân khấu rộng và sâu nhất, khán giả đến xem đông nhất. Đây chính là những thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ kỹ thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu cải lương.
Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt. Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ.
Đoàn cải lương Hoa Sen (đoàn hát có doanh thu cao nhất trong các đoàn hát cải lương cuối thập niên 1950) của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở đây. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhất định đoàn phải có tuồng mới, có những tranh cảnh, y trang mới và nhất định là phải có những cải cách kỹ thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn hơn các đoàn hát khác.
Theo soạn giả Nguyễn Phương thì: “Năm 1953, đoàn Hoa Sen hát khai trương vở Đoàn chim sắt tại rạp này, khán giả đông không thể tưởng tượng. Chiếc “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo nếu là chiếc tàu thiệt chắc là phải chìm luôn. Bởi ngoài số khán giả đứng đầy nghẹt ở phía sau và hai bên vách tường rồi, họ còn đứng chật luôn lối đi ở giữa và phía trước sân khấu, che trước mặt bà con ngồi ghế thượng hạng, khiến họ la ó lên. Tưởng như vậy thôi sao, khán giả hạng đứng này còn leo lên sân khấu và vô luôn hậu trường. Nghe nói hôm bữa hát đó, ai đưa tiền thì người gác cửa cho vô, chẳng cần biết bên trong đã hết chỗ đứng”.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh, con trai ông Hảo, cho biết thời vàng son cải lương của rạp Nguyễn Văn Hảo kéo dài chừng 30 năm. Đến năm 1970, ông Hảo cho ông Nguyễn Văn Đối mướn lại rạp sửa sang một số công năng để làm rạp... chiếu bóng.
Cuốn phim đầu tiên chiếu tại rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo là Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, tiếp theo là Thích ca đắc đạo... Từ đó, rạp mang tên là “Ciné Nguyễn Văn Hảo” cho đến sau năm 1975 đổi tên là rạp Công Nhân như tên gọi bây giờ. (Còn tiếp)
Bình luận (0)