Dù ông Nguyễn Văn Hảo đã xây dựng nên một gia sản lừng lẫy như vậy nhưng con cháu của ông lại sống cảnh nghèo khổ trong tòa nhà bốn mặt tiền đắc địa ngay giữa trung tâm Sài Gòn.
Con cháu ông Nguyễn Văn Hảo sống nghèo khổ ngay trong tòa nhà trị giá hàng nhiều tỉ đồng ở trung tâm TP.HCM - Ảnh: Độc Lập
|
Như chúng tôi đã từng nhắc qua ở bài trước, dù có hai vợ nhưng ông Nguyễn Văn Hảo chỉ có duy nhất người con trai tên là Nguyễn Tâm Thạnh, sinh ngày 1.1.1929. Sau này gia đình ông đã nhận một người cháu ruột làm con nuôi. Ông Thạnh sinh ra ở Càng Long (Trà Vinh). Chừng 2 - 3 tuổi, ông Thạnh được cha đón lên Sài Gòn, sau đó gửi học ở trường Tây cùng với con trai Chú Hỏa. Lớn lên một chút, chừng 6 - 7 tuổi, ông được cha gửi đi học ở Đà Lạt.
Nếu ông Hảo và vợ là những người cần mẫn, chịu khó, luôn làm vui lòng khách đến vừa lòng khách đi thì con trai họ là người khá nóng nảy, không phù hợp với bán buôn. Chỉ cần khách mua hàng có yêu cầu hơi quá đáng, ông Thạnh có thể quát mắng và đuổi khách bất cứ lúc nào.
Cứ rảnh khi nào là ông Thạnh tự lái xe Jeep đi rừng. Có khi mấy tháng trời ông Thạnh sinh sống ở rừng Đồng Nai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa... Bạn bè của ông Thạnh cũng toàn là dân có tiền. Ông Thạnh từng cùng với con trai Chú Hỏa đi xe hơi ra xa lộ chạy về hướng Đồng Nai với vận tốc 200 km/giờ và hai “cậu ấm” đều bị cảnh sát tịch thu bằng vì tội chạy quá tốc độ. Hay những hôm sau khi nhậu sương sương, ông cùng bạn bè chạy xe xuống Hóc Môn bắn chim “bách phát bách trúng”.
Ông Nguyễn Tâm Thạnh (86 tuổi), con trai duy nhất của ông Nguyễn Văn Hảo - Ảnh: Độc Lập
Năm 1960, ông Nguyễn Văn Hảo xây chùa ở quê Càng Long. Năm 1966, người vợ đầu mất, ông trả môn bài về hẳn ở quê, từ đó Công ty Nguyễn Văn Hảo và các con ngưng hoạt động. Lúc này chỉ còn garage xe phía sau nhà được ông Hảo giao lại cho người con nuôi quản lý cùng cây xăng Caltex trước nhà. Mọi tài sản ở Sài Gòn, ông Hảo giao cho ông Thạnh quản lý. Năm 1971, ông Hảo mất ở Sài Gòn, sau đó ông được đem về an táng ở Càng Long trong ngôi mộ của gia đình xây năm 1940.
Nhiều biến cố đã lấy đi của gia đình ông Thạnh mọi thứ. Những tài sản như nhà hát, ngôi nhà bốn mặt tiền, garage, cây xăng đều bị kê biên.
Sau năm 1975, con cháu của “đại tư sản” Nguyễn Văn Hảo luôn rơi vào tình cảnh nghèo đói. Khác với cha mình, ông Thạnh lại có một lèo với người vợ thứ ba tới chín người con nên lúc nào cũng thiếu ăn. Ông Thạnh phải bán lần lữa những tài sản trong nhà để đong gạo nuôi con. Con cái ông Thạnh phải ăn bo bo, khoai lang thay cơm bữa và chỉ học hết lớp 5 - 6 rồi nghỉ.
Năm 1976, ông Thạnh cùng với người em vợ đi Bà Rịa-Vũng Tàu làm rẫy trồng đậu phộng (lạc), bắp (ngô). Hiện con cái ông Thạnh mỗi người mỗi nghề, chủ yếu lao động chân tay. Người sửa xe, người bán gạo, làm gỗ, thợ làm kiếng, người làm ở bệnh viện... Sau năm 1975, gia đình ông Thạnh được sử dụng hai tầng lầu dãy phía trước của căn nhà. Bốn mặt tiền ở dưới trệt do nhà nước quản lý và hiện có rất nhiều hộ kinh doanh thuê mướn. Từ năm 1978 đến 1982, mỗi tháng ông Thạnh được chính quyền “trả” 62 đồng tiền thuê nhà. Nhưng đến năm 2007, gia đình ông Thạnh mới nhận được “một cục” với tổng số tiền 24 triệu đồng.
Do bốn mặt tiền tầng trệt đều được cho thuê nên muốn lên chỗ ông Thạnh ở phải lách qua chiếc cổng màu xanh phía đường Ký Con. Mỗi phòng trên lầu được ông Thạnh phân lại cho mỗi người con. Đồ đạc trong căn nhà hầu như không có gì giá trị. Ngay cả kính chống ồn cũng được ông Thạnh tháo ra bán kiếm gạo cho con ở giai đoạn khó khăn.
Ông Thạnh nói: “Bốn mươi năm qua, tôi quên hết mọi chuyện rồi vì càng nhớ càng nhức đầu. Mặt trời mọc rồi cũng có lúc phải lặn thôi”.
Một số hình ảnh về tòa nhà hơn 80 năm tuổi nằm ở trung tâm Sài Gòn:
Ảnh ngôi nhà chụp trước năm 1975 nhìn từ phía đường Trần Hưng Đạo. Phía trước là bảng hiệu hãng vỏ xe Michelin và cây xăng Caltex - Ảnh: Tư liệu gia đình ông Hảo
Từ cửa sổ tòa nhà nhìn ra là con đường trung tâm Sài Gòn. Từ đây đi bộ ra chợ Bến Thành mất chừng 2-3 phút
Nhìn trên cao, tòa nhà giống như con tàu mà mũi tàu chĩa ra hướng đường Trần Hưng Đạo, đuôi tàu ở phía đường Lê Thị Hồng Gấm. Ngôi nhà nhỏ trong ảnh là nơi gắn thang máy để ông Hảo lên sân thượng ngắm cây cảnh, chim muông
Đương thời, ông Hảo là người yêu chim muông, cây cảnh nên khi xây dựng tòa nhà đã được thiết kế
phần sân thượng rất rộng. Ông Hảo đã dùng một phần sân thượng đặt tên là 'Lầu huê viên N.V.HAO'
phần sân thượng rất rộng. Ông Hảo đã dùng một phần sân thượng đặt tên là 'Lầu huê viên N.V.HAO'
Bình luận (0)