Đại gia Việt chia lại thị trường - Kỳ 2: Làm chủ thị trường 4 tỉ USD

27/10/2015 06:00 GMT+7

Dù chiếm ưu thế nhưng cuộc chiến với sữa ngoại chưa bao giờ thôi khốc liệt. Điều khác biệt là "đại gia" lớn nhất trên thị trường này chính là người tiêu dùng. Họ đang "chống lưng" để các hãng sữa nội giữ và mở rộng thị phần trong cuộc chiến hiện nay.

Dù chiếm ưu thế nhưng cuộc chiến với sữa ngoại chưa bao giờ thôi khốc liệt. Điều khác biệt là "đại gia" lớn nhất trên thị trường này chính là người tiêu dùng. Họ đang "chống lưng" để các hãng sữa nội giữ và mở rộng thị phần trong cuộc chiến hiện nay.

Vinamilk đang dẫn đầu thị trường VN ở nhiều mặt hàng sữa - Ảnh: D.Đ.MinhVinamilk đang dẫn đầu thị trường VN ở nhiều mặt hàng sữa - Ảnh: D.Đ.Minh
Quay về sữa nội
Chị Nguyễn Thanh Phương, một doanh nhân ở Q.5 (TP.HCM) có thói quen mua sữa ngoại và một số nhãn hiệu sữa chua nước ngoài cho gia đình sử dụng nhiều năm qua tại các cửa hàng, siêu thị bán sữa tươi của Pháp, Thụy Sĩ, đặc biệt là của New Zealand. Tuy nhiên, khoảng 2 năm trở lại đây chị chuyển hoàn toàn sang sữa nội. “Sữa nội giờ đa dạng cả về thương hiệu và mẫu mã cho mình lựa chọn. Các sản phẩm sữa tươi hộp nhỏ thương hiệu trong nước dành cho trẻ em mẫu mã đẹp, phù hợp với độ tuổi và quảng cáo hấp dẫn. Vì thế, con gái 4 tuổi của tôi giờ chỉ uống sữa tươi trong nước”, chị Phương cho hay.
Chị Phương là một trong rất nhiều người tiêu dùng VN đang có xu hướng quay về với sữa nội. Cầu sao thì cung vậy, nên trên quầy kệ ở các hệ thống siêu thị giờ đây phần nhiều là sữa nội.
Theo TS Vũ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa VN, hiện tại các công ty sữa Việt đang nắm giữ thị phần lớn nhất tại nội địa. Đơn cử, DN Việt chiếm hơn 70% thị phần sữa nước, hơn 90% sữa chua, sữa đặc cũng khoảng gần 80%. Riêng sữa bột là ưu thế của các công ty nước ngoài nhưng sữa nội cũng chiếm được gần 40% thị phần, trong đó Vinamilk và Abbott (Mỹ) là hai thương hiệu dẫn đầu thị trường. Kế đến là Dutch Lady 15,8%, Mead Johnson 14,4%, Nestlé 9,1%. Tuy nhiên, nếu tính riêng thị phần sữa nước thì Vinamilk nắm giữ 53% thị phần, kế đến là Dutch Lady với 25,7% và TH True Milk 7,7% thị phần. "Hiện Vinamilk đã đầu tư xây dựng xong nhà máy sản xuất sữa bột công suất 54.000 tấn/năm, NutiFood cũng đầu tư nhà máy sản xuất sữa bột công suất hơn 30.000 tấn/năm. Như vậy sức cạnh tranh cũng như thị phần của các DN sữa VN chắc chắn sẽ tiếp tục tốt hơn”, ông Quỳnh nói.
Chiếm thị phần lớn nhưng cuộc cạnh tranh giữa sữa nội và sữa ngoại chưa bao giờ giảm độ khốc liệt bởi thị trường sữa VN được đánh giá là một thị trường cực kỳ béo bở. Số liệu nghiên cứu của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor cho biết, năm 2013, ngành sữa đạt doanh thu 62.200 tỉ đồng (khoảng 2,9 tỉ USD), tăng 16,5% so với năm 2012. Năm 2014 đạt 75.000 tỉ đồng; năm 2015 ước đạt 92.000 tỉ đồng, tăng 23% so năm 2014.
Đổ tiền đầu tư
Theo ông Quỳnh, nhu cầu của thị trường sữa nội địa còn rất cao, hiện tại sữa sản xuất trong nước chưa đạt 30% nhu cầu tiêu dùng. Mức tiêu thụ sữa ở VN rất thấp, trung bình chỉ khoảng 18 lít/người/năm so với Trung Quốc (25 lít/người/năm), Anh (112 lít), Nhật Bản (31 lít)... Vì vậy, các DN sữa cũ và những "tân binh" trong lĩnh vực này cũng đổ mạnh vốn vào chăn nuôi, sản xuất sữa nhằm mở rộng thị phần.
Trong đại hội cổ đông năm 2015 vừa qua, Vinamilk tuyên bố sẽ chi 4.000 tỉ đồng để đầu tư mở rộng thị trường, phát triển nguồn nguyên liệu và tăng năng lực sản xuất ở trong nước. TH True Milk đang xúc tiến xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa tập trung và chế biến các sản phẩm sữa tươi, sạch với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỉ USD ở Nga với tổng đàn bò 200.000 con. Còn IDP thì có sự tham gia của Quỹ VinaCapitalVietnam Opportunity Fund (thuộc Tập đoàn VinaCapital) và Công ty Daiwa PI Partners (Nhật Bản). Hồi tháng 9, NutiFood cho ra mắt sản phẩm mới Nuti sữa tươi 100% thông qua hợp tác với Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Dự án chăn nuôi bò sữa giữa HAGL và NutiFood được ký kết vào năm ngoái với tổng kinh phí hơn 11.000 tỉ đồng, trong đó HAGL đầu tư 6.300 tỉ đồng để phát triển đàn bò sữa với số lượng 120.000 con; NutiFood xây dựng nhà máy sữa tươi tại Gia Lai với kinh phí 5.000 tỉ đồng, công suất 500 triệu lít sữa/năm để bao tiêu toàn bộ lượng sữa từ trang trại HAGL.
Dù vậy, việc giữ và mở rộng thị phần tại sân nhà của các DN sữa nội không hề đơn giản. Bởi trong một vài năm tới khi các hiệp định FTA và TPP có hiệu lực, thuế xuống 0% thay vì 6 - 7% hiện nay, các DN sữa nội sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn so với sữa nhập khẩu về giá. Sản xuất và chế biến sữa trong nước không có cách nào khác phải tìm các phương pháp giảm giá thành sản phẩm thông qua việc tổ chức lại mô hình sản xuất, đầu tư con giống, công nghệ thu mua chế biến để tăng năng suất, tăng hiệu quả để giữ vững "ngôi vương" ở thị trường tỉ đô này.
Theo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa VN đến 2020, tầm nhìn 2025 của Bộ Công thương, đến 2020, VN sản xuất 2,6 tỉ lít, tiêu thụ 27 lít/người/năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỉ lít, đáp ứng 38% nhu cầu. Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2016 - 2020 là 5.230 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.