Khi bò gặm thanh long, sữa đổ ruộng…

21/01/2015 10:06 GMT+7

Mấy tháng trước, ở Bình Thuận rộ lên hiện tượng trái cây thanh long đến ngày thu hoạch mà ế chỏng chơ, không bán nổi cho thương lái, phải bán cho các chủ trang trại nuôi bò để họ mua về cho... bò gặm thay cỏ, thay nước với mức giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Mấy tháng trước, ở Bình Thuận rộ lên hiện tượng trái cây thanh long đến ngày thu hoạch mà ế chỏng chơ, không bán nổi cho thương lái, phải bán cho các chủ trang trại nuôi bò để họ mua về cho... bò gặm thay cỏ, thay nước với mức giá chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

do-suaMột nông dân đổ sữa trước trạm thu mua sữa của Công ty CP sữa Đà Lạt (Dalat Milk) để biểu thị phản đối doanh nghiệp vì cho rằng đơn vị này ép người chăn nuôi - Ảnh: Lâm Viên
Gần đây nhất, trong tuần qua, tại hàng loạt vùng nguyên liệu chế biến sữa trong cả nước, nông dân phải đổ sữa ra đường biểu thị bất bình vì giá cả thu mua bất hợp lý. Nói như một đồng nghiệp trên Thanh Niên đã viết thì sữa - mặt hàng còn rất xa lạ với cuộc sống của người dân, nhất là nông dân - vẫn nằm ngoài “vùng phủ sóng” đối với người nghèo. Thực tế không mấy nông dân được uống sữa.
Theo điều tra của Bộ Công thương, mỗi năm, nước ta phải bỏ ra cả tỉ USD để nhập sữa nguyên liệu mà chủ yếu là sữa bột (nghe nói, nó chiếm khoảng 70% trong thứ gọi là "sữa tươi nguyên chất" đóng gói hiện nay). Các doanh nghiệp mua về, chế lại thành sữa hoàn nguyên. Song, số lượng này cũng chỉ đáp ứng khoảng 2/3 nhu cầu cho sản xuất.
Báo chí cũng từng phanh phui ở nơi này nơi nọ, chất lượng sữa, gọi là "sữa tươi" mà đâu có tươi, bởi tỷ lệ sữa bột trong đó là khá cao! Thật là một nghịch lý khi biết rằng, chúng ta đã phải chi lượng lớn ngoại tệ để nhập sữa các nơi về Việt Nam để chế biến, trong khi sữa từ chăn nuôi tại chỗ thì bị ép giá, rẻ rúng khiến người dân uất ức, đổ sữa ra đường, ra ruộng.
"Nghị quyết tam nông" của Đảng (NQ 26) thực hiện đến nay cũng đã gần 7 năm, những tưởng đã đi vào cuộc sống khá lâu, nhưng nhìn vào những câu chuyện nghịch lý đã nêu ở trên về đầu ra cho sản phẩm của người nông dân, về nguồn thu nhập bấp bênh, rủi ro của họ, không khỏi lo lắng về tính hiệu quả, bền vững của nghị quyết này trong thực tế.
Điều đau xót còn ở chỗ, người nông dân đổ sữa ra đường, ra ruộng khi họ cũng chẳng uống và cũng chẳng muốn cho ai cho khỏi phí phạm. Sự phản ứng của người nông dân là cách phản ứng bất đắc dĩ chứ trong lòng họ đau xót vô cùng.
Tôi được biết qua báo chí, ngày 13.1, Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk), tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi thông báo “khống chế” hạn mức thu mua không vượt quá 16 kg sữa tươi/bò/ngày (thông báo khiến việc người chăn nuôi đổ sữa tại trạm thu mua). Đơn vị này cũng đã cam kết tiếp tục thu mua sữa nguyên liệu bình thường cho những hộ đã ký hợp đồng.
Có lẽ, việc phải làm và làm một cách căn cơ trong câu chuyện này chính là chính sách của chúng ta, cách chỉ đạo của chúng ta từ trên xuống dưới chưa đồng bộ, còn hơi chủ quan và thiếu đi sự giám sát từ cơ sở. Khi dân nuôi bò đổ sữa ế ra đường khiến dư luận lên tiếng thì mới xem xét, kiểm tra và nhắc nhở?
Hãy nhìn ra các nước quanh ta như Hàn Quốc, Nhật Bản , Ấn Độ..., họ thường có chính sách bảo hộ cho người nông dân, ngư dân khá tốt và rất quan tâm đến đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, thủy, hải sản… của dân họ.
Ấy vậy mà nghe nói, sản phẩm sữa, nhất là sữa ngoại nhập, giá bán lẻ ở Việt Nam quá cao so với nhiều nước: gấp rưỡi so với Thái Lan, gấp đôi so với Malaysia và gấp ba so với Ấn Độ. Báo chí cũng đã lên tiếng rất nhiều. Bộ Công thương cùng các cơ quan có trách nhiệm đã chỉ đạo đủ cả, không hiểu sao, sự chuyển động, tiếp thu và khắc phục tình trạng giá sữa bất hợp lý chẳng thay đổi là bao?
Lâu nay, đâu đó ở cả nước, việc để nông dân" tự bơi", tự lo đầu ra dẫn đến chuyện đau lòng như người dân như ở Thanh Hoá từng đốt mía vì nhà máy đường ngưng mua nguyên liệu; trái cây thanh long cho bò ăn thay cỏ như vừa nêu ở Bình Thuận; mới đây nhất là chuyện sữa bò tươi đổ ra đường, ra ruộng…
Đã tới lúc ngành khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách nông nghiệp phải vào cuộc một cách mạnh mẽ, đầy trách nhiệm. Cần có cả "bàn tay sắt" trong khâu quản lý thị trường và kiểm soát giá thì mới có thể khắc phục dứt điểm những câu chuyện đã nêu trên. Xin đừng để nông dân trồng thanh long không bán được phải cho bò ăn, người nuôi bò lấy sữa vì không tiêu thụ được mà phải đổ ra đường, ra ruộng, trong khi chính họ lại không bao giờ được uống sữa...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.