Đại học kỹ thuật top 10 Mỹ 'quay lưng' với Huawei

Thu Thảo
Thu Thảo
24/04/2019 18:58 GMT+7

Đại học Illinois vừa chấm dứt hợp tác nghiên cứu với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc Huawei Technologies. Tổng cộng đến nay, 4 trong số các trường kỹ thuật top 10 Mỹ đã cho hãng Trung Quốc “ra rìa”.

Theo South China Morning Post, quyết định này được Đại học Illinois công bố thông qua email hồi tuần trước, đến toàn bộ giảng viên, nhân viên tại Trường Kỹ thuật. Trường này xếp hạng 10 trong danh sách các trường kỹ thuật hàng đầu ở Mỹ do US News and World Report bình chọn.
“Trường đại học sẽ không chấp nhận bất kỳ khoản tài trợ, hợp đồng hoặc quà tặng mới nào từ Huawei hay bất cứ công ty con, chi nhánh nào của hãng, quyết định có hiệu quả ngay lập tức. Các thành viên của khoa với thỏa thuận hiện thời cùng Huawei sẽ được thông báo về quyết định này. Họ được phép sử dụng số dư tài trợ còn lại để hoàn thành phạm vi công việc được ký theo hợp đồng ban đầu. Các thỏa thuận hoặc đề xuất mới sẽ không được trường đại học chấp thuận hay chấp nhận”, trưởng khoa kỹ thuật Rashid Bashir và phó hiệu trưởng Susan A. Martinis viết trong email.
Đại học Illinois là cái tên mới nhất tham gia danh sách ngày càng dài của các đại học Mỹ chấm dứt hợp tác với Huawei kể từ khi chính phủ Mỹ cáo buộc hình sự hãng này. Washington cáo buộc hãng Trung Quốc có hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran. Đại học Stanford, Đại học California ở San Diego và Berkeley, Đại học Minnesota, Viện Công nghệ Massachusetts là những trường đã từ chối tài trợ từ Huawei. Tổng cộng đến nay, 4 trong số 10 trường kỹ thuật top 10 Mỹ đã cho hãng Trung Quốc “ra rìa”.
Phát ngôn viên bộ phận kỹ thuật Đại học Illinois Bill Bell cho hay quyết định quay lưng với Huawei sẽ không ảnh hưởng nhiều đến trường. “Có 11 nhà nghiên cứu trong số khoảng 3.000 nhà nghiên cứu tại trường kỹ thuật nhận tài trợ nghiên cứu từ Huawei”, ông Bell cho hay.
Hiện chưa rõ liệu Huawei có phải quay về Trung Quốc để tìm kiếm hợp tác nghiên cứu với các tổ chức trong nước hay không. Đây là một trong các hãng chi đậm cho nghiên cứu và phát triển, rót khoảng 13,1 tỉ USD vào hoạt động này trong năm qua. Alphabet và Microsoft, hai hãng chi tiêu vốn nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển tại Mỹ, chi lần lượt 15,4 tỉ USD và 14,1 tỉ USD cho mặt này cũng trong năm 2018.
Huawei chi tầm 300 triệu USD hằng năm để tài trợ, hợp tác với các trường đại học. Dù vậy, hãng không có quyền sở hữu độc quyền kết quả nghiên cứu mà họ hỗ trợ tài chính vì “khoa học là không biên giới”, Eric Xu, chủ tịch luân phiên Huawei, cho hay. Từ cuối năm 2018, Huawei chịu sự giám sát chặt chẽ từ chính phủ nhiều nước. Đại học nước ngoài vì thế cũng khá ái ngại khi xem xét hợp tác với hãng có trụ sở ở Thâm Quyến. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.