Dự kiến, ngay trong những ngày đầu tháng 7 này, Đài Loan chính thức đưa vào hoạt động 2 khinh hạm lớp Đà Giang, theo tờ South China Morning Post. Lớp chiến hạm này được mệnh danh là "sát thủ diệt tàu sân bay", với vận tốc tối đa có thể đạt 45 hải lý/giờ.
Tăng cường thực lực
Như vậy, nếu không tính chiếc Đà Giang đầu tiên mang tính thử nghiệm được biên chế vào năm 2014, thì khinh hạm Đà Giang giai đoạn mới nay đã có 6 chiếc. Trong đó, chỉ riêng năm 2024 đã biên chế 4 chiếc và 2 chiếc kia được biên chế vào năm 2021 và 2023.
Tuy có độ choán nước toàn tải chỉ khoảng 700 tấn cùng chiều dài chỉ hơn 60 m, nhưng khinh hạm Đà Giang lại sở hữu thực lực tác chiến đa nhiệm. Cụ thể, ngoài pháo chính OTO Melara cỡ nòng 76 mm và hệ thống pháo cận chiến Phalanx, dòng khinh hạm này còn có tên lửa đối không Thiên Kiếm II có tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh), tên lửa đối hạm Hùng Phong 2 có tầm bắn tối đa 250 km cùng tốc độ hơn 1.000 km/giờ. Đặc biệt, khinh hạm Đà Giang còn có thể mang theo tên lửa Hùng Phong 3 có tầm bắn tối đa hơn 400 km với tốc độ tối đa có thể đạt Mach 3,5 (gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh, khoảng 4.300 km/giờ).
Ưu điểm khác của tàu chiến lớp Đà Giang là có khả năng tàng hình mạnh mẽ khi có thể được nhìn thấy trên radar có kích thước chỉ như tàu cá nhỏ. Tàu còn có hệ thống tác chiến điện tử hiện đại. Vì thế, khinh hạm Đà Giang có thể hoạt động hiệu quả ở vùng nước nông hoặc ven biển - những khu vực mà các tàu lớn hơn như tàu khu trục khó hoạt động hơn. Cho nên, khi kết hợp cùng hỏa lực như trên và tốc độ di chuyển nhanh, tàu chiến lớp Đà Giang có thể trở thành "sát thủ tàu sân bay" với khả năng tác chiến nhanh, phù hợp chiến tranh bất đối xứng kiểu "dùng nhỏ đánh lớn". Theo kế hoạch, khinh hạm Đà Giang thế hệ tiếp theo cũng sẽ sớm được triển khai.
Bên cạnh đó, hồi giữa tháng 6, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng - Bộ Quốc phòng Mỹ đưa tin Washington đã thông qua đơn hàng vũ khí trị giá hơn 360 triệu USD để cung cấp hơn 1.000 máy bay không người lái (UAV) cảm tử cho Đài Bắc. Cụ thể, đơn hàng gồm 720 chiếc Switchblade 300 (SB300) và 291 chiếc Altius 600M-V (phiên bản của dòng Altius 600M). Đây là những dòng UAV mang theo đầu đạn, có thể bay để tìm mục tiêu rồi lao vào tấn công. Nếu như Switchblade 300 (SB300) có tầm hoạt động chỉ 10 km thì Altius 600M có tầm bay đến 400 km và đủ sức hoạt động tìm kiếm mục tiêu trong 4 giờ, đồng thời có thể dễ dàng được phóng đi từ xe cỡ nhỏ, máy bay trực thăng, tàu chiến…
Hai gói bán vũ khí mới Mỹ vừa phê duyệt cho Đài Loan có gì?
Chuyển hướng chiến lược
Cả 2 dòng UAV cảm tử trên đều đã thể hiện được hiệu quả tác chiến trong cuộc xung đột ở Ukraine, đáp ứng tốt năng lực chiến tranh bất đối xứng. Vì thế, việc đặt mua Switchblade 300 (SB300) và Altius 600M-V cũng như tăng cường khinh hạm "sát thủ diệt tàu sân bay" thể hiện một sự chuyển hướng lớn của Đài Loan.
Lâu nay, Đài Loan đã tập trung khá nhiều vào việc bổ sung các loại tên lửa truyền thống hay chiến đấu cơ như F-16. Chính vì thế, cách tăng cường thực lực quân sự của Đài Loan gần đây cho thấy chính quyền đảo này đã rút ra nhiều bài học thực tế từ cuộc xung đột ở Ukraine với định hướng chiến tranh bất cân xứng.
Gần đây, ông Lý Hỉ Minh, cựu Tổng tham mưu trưởng của Lực lượng Phòng vệ Đài Loan và từng giữ vị trí tư lệnh lực lượng phòng vệ trên biển của đảo này, đưa ra nhiều phân tích cho thấy Đài Bắc đang tập trung hơn nữa vào năng lực chiến tranh bất cân xứng với vũ khí có tính linh hoạt và chính xác cao. Trong đó, UAV cảm tử giá rẻ được xem là lựa chọn phù hợp.
Theo ông, từ bài học ở Ukraine cho thấy "vũ khí bất đối xứng, nhanh nhẹn hơn sẽ rất quan trọng để hòn đảo kháng cự trong thời gian dài" để chờ đợi sự hỗ trợ từ các đối tác như Mỹ. Ông cho rằng khả năng bất đối xứng tập trung vào "vũ khí có chi phí thấp". "Điều quan trọng là phải có số lượng lớn. Chỉ một số ít sẽ không hiệu quả. Ukraine đã chứng minh điều đó", ông Lý nhấn mạnh.
Bình luận (0)