Cụ thể, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế.
Việc Đài Loan bất chấp phản đối của Việt Nam, nhiều lần tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, được người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho là “hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo này”, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
“Một lần nữa, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tiến hành các hành động tương tự”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh.
|
Trước đó, tại cuộc họp lần thứ 11 Nhóm giữa kỳ Diễn đàn khu vực ASEAN về An ninh biển (ARF ISM-MS) do Việt Nam, Úc và Liên minh châu Âu (EU) đồng chủ trì, diễn ra tại Đà Nẵng vào ngày 15.3, nhiều đại biểu các nước cũng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến thời gian qua ở Biển Đông.
Các đại biểu cho rằng, các hành động đơn phương, quân sự hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực; không tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác giải quyết những thách thức chung.
Tại đây, các đại biểu cũng nhấn mạnh việc cần đề cao nguyên tắc thượng tôn pháp luật, tuân thủ và thực thi nghiêm chỉnh các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật Biển 1982; kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình; không quân sự hóa; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; bảo đảm thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử (COC) thực chất, hữu hiệu, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)