Sau khi bán tài sản ở Đài Loan vào năm ngoái, kỹ sư Richard Chang đã mua cổ phần của công ty thiết bị bán dẫn mà ông đang làm việc ở Trung Quốc. Điều này có thể khiến một số người lo lắng, nhưng ông Chang lại rất tự tin vào khoản đầu tư của mình. Giá trị cổ phần của ông có thể tăng vọt trong đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) mà công ty dự kiến sẽ theo đuổi trong vòng 5 năm tới. Chưa kể, lương của ông Chang ở vị trí quản lý cấp cao đã tăng gấp ba lần trong hai năm qua, và dự kiến sẽ tiếp tục tăng khi các công ty bán dẫn ở đại lục kêu gọi thêm những người như ông, với kỹ năng đã được mài giũa trong ngành ở Đài Loan.
Ông Chang, người đã chuyển đến đại lục “để được trả lương cao hơn và trải nghiệm điều gì đó lớn lao”, là một trong số hàng chục nghìn kỹ sư Đài Loan đang làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Dòng chảy nhân tài từ Đài Loan là yếu tố chính trong phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn ở Trung Quốc trong những thập niên gần đây.
Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác với các nước “cùng chí hướng” trong lĩnh vực bán dẫn, với ý định rõ ràng là loại trừ Trung Quốc |
bloomberg |
Tuy nhiên, cơ hội cho những kỹ sư như ông Chang có thể đang đóng lại khi sóng gió địa chính trị được thúc đẩy bởi trạng thái đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu sắc. Các chính sách của Đài Loan đang ngày càng phù hợp với chính sách của Mỹ trong việc định hình lại các chuỗi giá trị hiện có. Chính quyền Đài Loan quyết định áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với “gián điệp kinh tế” ăn cắp hoặc làm rò rỉ bí mật cho Trung Quốc, Hồng Kông và Ma Cao. Bản án họ phải đối mặt lên đến 12 năm tù. Đây là nỗ lực cứng rắn mới của Đài Loan nhằm chống lại tình trạng săn trộm tài năng công nghệ cao từ phía các công ty đại lục, đồng thời ngăn chặn công nghệ quan trọng bị truyền ra bên ngoài.
Theo bà Arisa Liu, nghiên cứu viên cao cấp về chất bán dẫn tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, bản sửa đổi đã giúp bịt lỗ hổng trong việc không có luật hình sự, bao gồm hoạt động gián điệp kinh tế. Tuy nhiên, nỗ lực của chính quyền có thể không đủ và các công ty cũng cần phải có “kế hoạch toàn diện” để cung cấp bằng chứng tốt hơn cho cơ quan thực thi pháp luật, giúp họ xác định các khu vực để điều tra.
Nỗ lực ngăn chặn rò rỉ công nghệ bán dẫn của Đài Loan
Đầu tư qua đại lục đã bị cấm trong nhiều thập niên sau khi kết thúc cuộc nội chiến Trung Quốc năm 1949. Dòng đầu tư và trao đổi nhân lực bắt đầu tăng vào những năm 1980, mặc dù chính quyền Đài Bắc không hợp pháp hóa hoàn toàn hoạt động này cho đến năm 1991. Dưới thời người đứng đầu Lee Teng-hui vào cuối những năm 1990, Đài Loan có chính sách hạn chế các khoản đầu tư vào công nghệ cao và cơ sở hạ tầng tại Trung Quốc, nhưng điều này đã được nới lỏng vào năm 2001 sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Việc kiểm soát được duy trì đối với lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm như chất bán dẫn. Nhà máy sản xuất chip ở đại lục do các công ty Đài Loan xây dựng bị hạn chế về công nghệ, chậm hơn ít nhất là hai thế hệ so với công nghệ hiện đại vốn có ở hòn đảo này. Nhưng những hạn chế đó không ngăn được Đài Loan trở thành đối tác quan trọng đối với sự phát triển chip của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Hãng sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) được thành lập vào năm 2000 bởi Richard Chang Ru-gin, người chuyên chế tạo tấm wafer cho công ty Texas Instruments của Mỹ trước khi trở về để thành lập xưởng gia công chip của riêng mình vào cuối những năm 1990. Ngoài ra, còn có một đội quân kỹ sư Đài Loan theo sau, những người bị thu hút bởi gói lương hậu hĩnh từ phía các công ty đại lục.
Nạn săn trộm nhân tài
Nạn săn trộm nhân tài diễn ra nhiều đến mức chính quyền Đài Loan trong năm ngoái đã phải đột kích vào văn phòng của các công ty săn đầu người đang tuyển dụng cho một loạt nhà máy chip Trung Quốc. Hiện tại, giới chức Đài Loan đã đưa ra kế hoạch hạn chế người sở hữu hoặc có quyền truy cập vào công nghệ cốt lõi theo đuổi sự nghiệp ở Trung Quốc.
Theo nhà phân tích công nghệ Đài Loan Patrick Liao, luật mới sẽ không có nhiều tác động đến ngành công nghiệp bán dẫn xuyên eo biển, vì đó chỉ là biện pháp răn đe đối với “một nhóm rất nhỏ những người muốn khai thác xung đột địa chính trị”. Ông Liao nói thêm rằng, không có đường tắt nào cho nỗ lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc. “Đây là một ngành cần nhiều năm tích lũy bằng sáng chế và kinh nghiệm, việc thiếu các chuyên gia đã là một rào cản lớn với Trung Quốc”.
Hợp tác giữa các nước “cùng chí hướng”
Nhìn rộng hơn, những hạn chế mới nhất từ phía Đài Loan là một phần của quá trình tái tổ chức toàn cầu chuỗi giá trị chất bán dẫn, nơi Mỹ muốn có nhiều chip hơn được sản xuất trong nước. Đài Loan hiện cố gắng bảo vệ lợi thế về chip tiên tiến, còn Trung Quốc đang loay hoay khi bị cắt giảm sự phụ thuộc vào công nghệ cốt lõi của Mỹ.
Theo Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương được đề xuất, Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác với các nước “cùng chí hướng” trong khu vực, với ý định rõ ràng là loại trừ Trung Quốc. Trong khi đó, Đài Loan đang tích cực tìm kiếm một vai trò trong khuôn khổ mới.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Đại học SOAS, cho biết quy định chặt chẽ hơn của Đài Bắc phản ánh một phần yêu cầu của chính quyền Washington về việc không được cung cấp công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất cho Trung Quốc, điều mà Mỹ từng thể hiện qua lệnh trừng phạt thương mại đối với các hãng công nghệ Trung Quốc như Huawei Technologies.
Bình luận (0)