Mua SIM rác vẫn dễ như mua rau
Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ TT-TT đã làm việc với các nhà mạng và yêu cầu chấn chỉnh việc phân phối SIM điện thoại qua các kênh đại lý bán lẻ trên thị trường để quản lý SIM rác không chính chủ. Theo đó, tất cả các nhà mạng cam kết với bộ sẽ dừng các đại lý phát triển SIM như vậy kể từ ngày 10.9 tới, chỉ tập trung vào các kênh chuỗi. Tuy nhiên, đến thời hạn yêu cầu, ngày 10.9, PV Thanh Niên đã ghi nhận tại nhiều cửa hàng bán SIM trên địa bàn TP.HCM, tình hình mua bán SIM trên thị trường vẫn chưa có gì chuyển biến.
Tại cửa hàng phân phối SIM trên đường Lê Quang Định, P.11, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), PV đã hỏi mua SIM rác và được nhân viên bán hàng nhau nhảu đưa ra nhiều loại SIM của các nhà mạng. Trong đó, SIM của nhà mạng Vietnamobile được giới thiệu là đã kích hoạt sẵn, chỉ cần lắp vào máy là sử dụng được. Đây cũng là nhà mạng đang triển khai gói cước khuyến mãi "khủng" và theo khảo sát, đang có khá nhiều cuộc gọi "rác" từ các SIM số của nhà mạng này.
Nhân viên bán hàng tại đây cho biết: "Em có bán nhiều loại SIM để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Nếu khách muốn mua SIM chính chủ thì cần phải có CCCD để đăng ký, nhưng nếu muốn mua SIM rác không cần kích hoạt để nghe gọi thì cũng có. Đa số các SIM này có tài khoản 0 đồng, muốn nghe gọi thì phải nạp thêm tiền vào".
Về quy định dừng bán SIM tại các đại lý, nhân viên tại một số cửa hàng ngạc nhiên nói, chưa có thông báo gì nên việc mua bán vẫn bình thường. Tại cửa hàng SIM và phụ kiện điện thoại IMedia trên đường Nguyễn Văn Đậu, P.5, Q.Bình Thạnh (TP.HCM), khi chúng tôi hỏi mua SIM rác không đăng ký, nhân viên lập tức đưa ra SIM số của nhà mạng MobiFone, thậm chí giới thiệu muốn SIM của nhà mạng nào cũng có.
Trên thị trường từ nhiều năm qua, không ít đại lý đã sử dụng thông tin không chính chủ (mượn, thuê lại hoặc có được từ các nguồn khác nhau) nhằm đăng ký, kích hoạt trước thuê bao để tận dụng các gói ưu đãi trước khi bán đến tay người tiêu dùng cuối. Điều này giúp đẩy doanh số nhưng người dùng thuê bao thực chất lại không phải chủ sở hữu đăng ký tên.
SIM "rác" tràn ngập sàn điện tử
Không chỉ vô tư phân phối ở các cửa hàng, SIM "rác" còn được bán công khai trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... Một shop (cửa hàng) trên sàn Shopee giới thiệu: "Cửa hàng có SIM nguyên kít chưa đăng ký thông tin, khách hàng chủ động tự đăng ký thông tin chính chủ của mình tại các điểm giao dịch trên toàn quốc. Quyền lợi của SIM chính chủ là không lo bị khóa, ưu đãi nhiều hơn, sử dụng trọn vẹn mọi dịch vụ của nhà mạng, ưu đãi nhiều hơn các sim rác đăng ký kích hoạt ảo. Để phục vụ nhu cầu sử dụng cá nhân, shop cũng có bán SIM đầu 07x và 09x đã kích xài luôn, phục vụ nhu cầu cá nhân. SIM đủ chức năng như nghe, gọi, nhận tin nhắn, đăng ký ứng dụng, nhận mã OTP...".
Trên sàn Lazada, tình hình mua bán SIM kích hoạt sẵn cũng diễn ra phổ biến, nhiều người mua còn để lại bình luận đánh giá về sản phẩm và cho biết "shop gửi hàng rất nhanh và SIM dùng rất... tốt".
PV Thanh Niên đã liên hệ với một số nhà mạng về quy định dừng phân phối SIM qua các đại lý nhưng hầu hết đều cho rằng chưa thấy văn bản hay thông báo triển khai. Một đại diện truyền thông của nhà mạng Vinaphone cho biết: "Tôi cũng chỉ mới nghe thông tin trên báo đài, và chỉ nghe nói sẽ tập trung phân phối SIM tại các chuỗi hoặc hệ thống cửa hàng quản lý tốt như Thế giới di động, FPT Shop... chứ chưa nhận được văn bản triển khai chính thức từ cấp trên".
Trên một số nhà mạng, khi dừng bán SIM qua đại lý, hệ thống phân phối sẽ tập trung vào các website chính thức của nhà mạng và các chuỗi cửa hàng được ủy quyền. Nếu sau ngày 10.9 mà vẫn mua được SIM rác ở các đại lý bên ngoài thì các SIM đó có thể bị dừng nếu phát hiện không chính chủ.
Xem nhanh 12h ngày 10.9: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)