Đại ngàn ly kỳ truyện: Kinh hoàng ký ức 'trả đầu người'

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
22/04/2022 06:26 GMT+7

Trong lịch sử tộc người Cơ Tu từng diễn ra những cuộc chiến kinh hoàng. Không ít người cho rằng đó là tập tục “săn máu” man rợ, nhưng nhiều già làng uy tín bác bỏ: Đó chỉ là sự trả thù giữa các làng có mâu thuẫn.

Hiềm khích vì một cô gái đẹp

Những “cây đại thụ” về văn hóa, lịch sử người Cơ Tu ở H.Tây Giang (Quảng Nam) đã lần lượt về với Yàng (trời) nên ngày nay không nhiều người nắm biết những câu chuyện về cuộc chiến sơ khai nhưng đẫm máu giữa các làng. Phải hỏi nhiều người, rong ruổi nhiều bản làng, tôi mới gặp được già A Lăng Lơ (83 tuổi, trú thôn Tà Làng, xã Bha Lêê). Đó là một ngày trung tuần tháng 3.2022. Nhờ sự phiên dịch của anh Pơloong Plênh (chuyên viên Phòng VH-TT H.Tây Giang), dưới góc nhìn của già Lơ, lịch sử cuộc chiến giữa các làng dần hé mở.

“Cách đây khoảng 100 năm, các bản làng Cơ Tu của bố sống biệt lập trên những ngọn núi cao. Các làng có quan hệ buôn bán, sui gia…; nhưng rồi một ngày vì mâu thuẫn với nhau mà trở mặt rồi thành kẻ thù”, già Lơ mở đầu câu chuyện. Cuộc chiến âm ỉ và kéo dài đến hàng chục năm, nhưng câu chuyện khiến già A Lăng Lơ nhớ nhất xảy ra giữa làng A Moong (H.Nam Đông, Thừa Thiên - Huế) và Chơr Lang (H.Tây Giang). “Hai làng này có thông gia với nhau rất lâu đời. Thế mà vì một người đàn bà đẹp lại xảy ra cuộc chiến làm 16 người chết. Đau lòng lắm!”, già Lơ nhớ lại.

Chuyện kể, ở làng A Moong có một cô gái rất xinh đẹp đến tuổi lấy chồng. Được nhiều chàng trai trong làng theo đuổi, nhưng nàng lại yêu một chàng trai làng Chơr Lang. Ngày nàng về làm dâu ở làng bên, trai làng A Moong bực tức vô cùng. Một hôm, sau khi đi lấy mây trong khu rừng chung, có chàng trai làng A Moong dùng thanh kiếm rạch đôi tàu lá chuối đựng cơm, ý bảo phần cơm bên kia của Chơr Lang, phần bên này của A Moong. Trên đường về, nhóm thanh niên phía A Moong còn khiêu khích “bọn mày có ngon thì sang đây đánh nhau”…

Cho đến một hôm, thanh niên làng A Moong sang buôn mây và tuốt dao chém chết 6 đứa trẻ Chơr Lang khi đang tắm. Người làng Chơr Lang căm phẫn. Tiếng trống k’thu nổi lên. Đêm hôm đó, đoàn người từ làng Chơr Lang kéo sang A Moong để trả thù…

Để có được những bản làng yên ấm như ngày nay, người Cơ Tu từng trải qua những cuộc chiến đẫm máu giữa làng với làng

“Đó là sự trả thù, không phải săn máu”

Già A Lăng Lơ kể, vì không có sự chuẩn bị nên nhiều thanh niên ở làng A Moong đã bị giết hại. Đoàn người làng Chơr Lang trở về, nhiệm vụ “săn đầu” để tế linh hồn 6 đứa trẻ được già làng giao phó đã hoàn thành. Nhưng trong thâm tâm ai nấy ngầm hiểu, làng A Moong sẽ không bỏ qua chuyện này. Vậy là trai tráng Chơr Lang được huy động để chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài. Làng được khoanh lại với 3 lớp hàng rào sắc nhọn để chống sự xâm nhập. Vì “ngoại bất nhập” nên sau nhiều năm tìm cách trả đũa, làng A Moong thậm chí còn bị giết hại thêm khi giao chiến, với tổng cộng 10 người.

“Cuộc chiến giữa 2 làng dai dẳng lắm. Mãi đến một hôm, trong lúc giao tranh, trước sự chứng kiến của những người “săn đầu”, một người đàn bà trong làng Chơr Lang mình trần như nhộng lao ra múa điệu da dá. Vừa nhảy, bà hát những câu như chửi vào mặt những chiến binh rằng, anh em 2 làng không thương nhau thì thôi lại vì một người đàn bà mà đâm chém nhau. Cảnh tượng khiến nhiều người vừa buồn cười vừa xấu hổ… Mọi người buông ngọn mác, già làng 2 bên ngồi lại để uống máu ăn thề, chấm dứt cuộc chiến…”, già Lơ kể.

Tiếc rằng đấy là lần gặp cuối cùng của chúng tôi với già A Lăng Lơ. Chúng tôi vừa nhận được tin già qua đời, an táng hôm 8.4. Dân thôn Tà Làng mất đi một nhân chứng đáng kính…

Tôi tìm gặp già Bhríu Pố (73 tuổi) ở thôn A Rấh (xã Lăng, H.Tây Giang) để nghe ông giải thích thêm về câu chuyện này. Già Pố bảo rất buồn vì có những người không hiểu được chuyện “chiến tranh” giữa các làng mà quy kết người Cơ Tu có tập tục man rợ là “săn máu” tế thần linh. 2 năm qua, già Pố tập trung viết cuốn sách về người Cơ Tu, trong đó có lý giải câu chuyện này. “Dù máu là sợi dây linh thiêng giữa người Cơ Tu và thần linh, nhưng đó chỉ là máu con trâu, con dê… Người Cơ Tu chúng tôi sợ nhất là máu người. Những cái chết ra máu đều là những cái chết liêm (chết xấu). Nói chúng tôi “săn máu” người để tế Yàng cầu cho được mùa, giàu có… là hoàn toàn không có”, già Pố khẳng định.

Trở lại chuyện 2 làng A Moong và Chơr Lang sát hại lẫn nhau, già Pố nói như đinh đóng cột: Đó chỉ là sự trả thù. Người Cơ Tu ngày xưa mỗi khi tranh chấp đất đai, đố kỵ vì giàu có, bực tức vì buôn bán, thậm chí vì cô gái đẹp… là thường xảy ra chiến tranh. “Như người làng A Moong sang chém chết 6 đứa trẻ. Vậy thì có phải t’rót (trả thù) không? Có chứ! Dù không muốn nhưng người ta phải trả mối thù đó để linh hồn những đứa trẻ được an ủi”, già Pố nói như lý giải.

Theo lời già Pố, trước khi mang dao mác đi, đoàn người phải đem gà vào một cánh rừng, lấy tiết cúng Yàng với đại ý là “báo cáo” đi trả thù. Khi “trả được đầu”, chiến binh Cơ Tu trở về khu rừng đó, lại tế tiết gà để cầu mong Yàng che chở, mong làng kia đừng trả thù nữa…

Già Bhríu Pố khẳng định người Cơ Tu không có tục “săn máu”, mà đó chỉ là cuộc chiến đơn thuần giữa các làng

HOÀNG SƠN

Bước qua hận thù

Nhà nghiên cứu văn hóa Cơ Tu Bhríu Liếc (nguyên Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang) cho biết, cụm từ “săn máu” được đề cập lần đầu tiên vào năm 1938, trong bài viết Les chasseurs de sang (Những kẻ săn máu) của Le Pichon (một lính viễn chinh Pháp) công bố trên tập san B.A.V.H (Những người bạn cố đô Huế). Ông Liếc đọc rất kỹ tác phẩm này, từ đó đúc kết: Nếu ai đọc chưa kỹ rất dễ hiểu nhầm về sự trả thù giữa các làng là tục “săn máu” man rợ của người Cơ Tu. “Trong nội dung sách của Le Pichon đề cập đến việc “săn máu”, tức là săn bắn thú rừng rất giỏi chứ không phải săn máu người, không phải người với người “săn” nhau. Không nên đánh đồng cuộc chiến giữa các làng là tục săn máu”, ông Liếc nói.

Ông Liếc liệt kê nguyên do mâu thuẫn giữa các làng thường do đất đai, phụ nữ chứ không phải người Cơ Tu hiếu chiến tìm giết nhau. Ông đề cập vấn đề này trong cuốn P’rá Cơ Tu (Tiếng Cơ Tu). Để giải quyết mâu thuẫn giữa 2 làng, người Cơ Tu có tục “đãi nhau để xây đoàn kết” kéo dài trong 2 ngày. Muốn xóa bỏ hiềm khích, bỏ qua hận thù, giữa 2 làng thường tổ chức lễ Pr’ngoóch. Sau khi gặp mặt, bàn bạc xong, trưởng làng hai bên sẽ có một gương yên (ký kết điều ước hòa bình) không thành văn. Minh chứng cho gương yên là lễ trồng cây đa để khẳng định tình đoàn kết.

Già làng Bhríu Pố kể thêm, khoảng đầu những năm 1960, các cuộc chiến giữa làng với làng mới chấm dứt hoàn toàn khi chính quyền cách mạng tổ chức thành công các đại hội đoàn kết dân tộc. Khoảng năm 1956, tại Cà Dăng (nay là H.Nam Giang), tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hòa giải, hòa hợp giữa các làng. Các già làng người Cơ Tu ở Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang đã họp bàn để giải quyết nạn “trả đầu”, cuối cùng đi đến ăn thề với trời đất không để xảy ra những xung đột dẫn đến chết người. “Nhưng sau đó vẫn còn diễn ra nạn “trả đầu” giữa dân tộc Cơ Tu và dân tộc Ve (ở Nam Giang) nên chính quyền cách mạng tiếp tục tổ chức một hội nghị để hòa giải ở xã Zuôih. Từ đó, cuộc chiến giữa 2 dân tộc mới chấm dứt, đoàn kết chống đế quốc Mỹ”, già Pố nhớ lại.

Đừng vì “cái rãnh suối nhỏ” mà mâu thuẫn

Người Cơ Tu ngày nay vẫn truyền tụng bài hát lý để nhắc nhau đừng vì những mâu thuẫn nhỏ mà dẫn đến hệ quả xấu giữa các làng. Trong đêm mưa giữa đại ngàn Trường Sơn, bên bếp lửa hồng, anh Pơloong Plênh cất cao giọng: “Ta huung li hoóp toóp lư lêếp/Tục đha nuc đha nu, tu ni naua pêê trơr tắc/ Ta huung li hoóp trêêh lư lêếp/Tục đha nuc đha nu, tu ni nâu a pêê tơr lểểng... (Cái rãnh suối nhỏ mà tạo mâu thuẫn/ Tạo nên lưỡi giáo, mác, nhiều người đâm chết nhau/Cái hang nhỏ như lỗ kiến/Mà lắm phiền, tan tác giết chết nhau...).

“Cái “rãnh suối nhỏ” hay “cái hang nhỏ” đều có ý chỉ bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ. Bài hát lý như một lời răn thâm thúy, sâu cay: Đừng vì tranh giành một người phụ nữ để rồi mâu thuẫn giữa các làng, dẫn đến mất mạng người”, anh Plênh cắt nghĩa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.