Đãi ngộ

13/01/2015 03:58 GMT+7

Xét trên bình diện kinh tế khách quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chuyện hàng loạt phi công Vietnam Airlines (VNA) xin nghỉ việc, tìm nhà khai thác khác là một việc rất bình thường.

Xét trên bình diện kinh tế khách quan, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chuyện hàng loạt phi công Vietnam Airlines (VNA) xin nghỉ việc, tìm nhà khai thác khác là một việc rất bình thường.
Bởi trong nền kinh tế theo quy luật thị trường, đầu vào luôn có khuynh hướng “chảy” từ nơi có trình độ phát triển thấp sang nơi có trình độ phát triển cao, từ địa bàn có thu nhập thấp sang địa bàn có thu nhập cao hơn.
Thậm chí, theo kinh tế học thuần túy, những dòng chảy này càng thông thoáng thì tài nguyên nhân loại càng được phân bố hợp lý, đưa vào sử dụng có hiệu suất cao nhất. Sự dịch chuyển này còn là một phần của tự do, quyền căn bản của con người.
Yêu cầu hành chính Cục Hàng không “chưa xem xét chấp thuận việc chuyển đổi nhà khai thác” đối với những phi công này có vẻ chỉ là giải pháp tình thế, chưa có sự can thiệp căn cơ.
Tuy nhiên, cùng với hiện tượng ngày càng có nhiều người tài bỏ các cơ quan nhà nước sang làm cho các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp, trong đó có cả một số cán bộ đầu ngành cấp vụ, sở, chuyện này cũng cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, nhưng ở một góc độ khác - khi mà sự chuyển dịch có dấu hiệu thành hệ thống, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả vận hành của khu vực công.
Vấn đề đó là, nhà nước, doanh nghiệp nhà nước cần có những giải pháp để thứ nhất: người tài không “rũ áo ra đi”; Thứ hai: thu hút được thêm người tài, bằng chính sách lương bổng linh hoạt, bằng môi trường làm việc sáng tạo, dân chủ. Các khảo sát của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, không phải thu nhập thấp mà chính chế độ lương cào bằng, thưởng phạt không rõ ràng, môi trường làm việc không minh bạch ở khu vực công khiến những người có năng lực cảm thấy rằng hệ thống nhân sự của VN không trọng dụng người tài và họ “rũ áo” tìm chân trời mới.
Chuyện khủng hoảng nhân lực trình độ cao ở VNA có giá trị cảnh báo rất tốt đối với khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, khi mà nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng, trước mắt là lộ trình xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 đang rất gần. Trong đó, các quốc gia thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động.
Với những rào cản thủ tục hành chính gần như bằng không như vậy, sẽ có nhiều nhân sự cấp cao có kinh nghiệm và chuyên môn tốt tìm đến các doanh nghiệp lớn, bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu tại VN và ngược lại các nhân sự tốt ở VN cũng có thể rời doanh nghiệp để sang một quốc gia khác tìm việc làm có thu nhập cao hơn, môi trường làm việc tốt hơn.
Chiến lược hoạt động hay chính sách đãi ngộ mới chính là yếu tố then chốt giúp giữ chân nhân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.