Cuộc thi ẩm thực Chiếc Thìa Vàng gây háo hức giới đầu bếp chuyên nghiệp cả nước đã kết thúc thành công. Bếp trưởng Nguyễn Đức Dương mới 28 tuổi, không ngờ trong cuộc đời gần 10 năm ở nghề bếp, lần đầu tiên thử đi thi thố năng lực, anh và hai người đồng đội ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort lại được chạm tay vào chiếc cúp Đầu Bếp và giải thưởng cao chưa từng thấy trong lịch sử ẩm thực Việt Nam.
>> Tinh túy 'Món ăn vàng' của ẩm thực Việt
>> Cuộc thi Chiếc thìa vàng đã tìm ra chủ nhân giải thưởng 1 tỉ đồng tiền mặt
Làm cho ẩm thực là một nửa hấp dẫn của Việt Nam
Giải thưởng “khủng” - một tỷ đồng - cho nhà vô địch mà ông Lý Ngọc Minh, tổng giám đốc công ty Minh Long I đưa ra khiến thành viên đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi Chiếc Thìa Vàng (Hiệp hội Du lịch TP.HCM; trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) cùng các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực được mời làm giám khảo vừa ngạc nhiên vừa vui mừng khi có một nhà sản xuất gốm sứ đầy tâm huyết đối với nền ẩm thực Việt Nam.
|
Ông Lý Ngọc Minh giải thích rằng ông đã đi nhiều nơi trên thế giới, so sánh thấy Việt Nam thu hút du khách quốc tế bởi nhiều khía cạnh: thắng cảnh, văn hóa truyền thống, lịch sử…, riêng ẩm thực đang có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi bạn bè nước ngoài hầu như nhận xét món ăn Việt Nam rất phù hợp với xu hướng ẩm thực cân bằng dinh dưỡng của thế giới hiện nay.
Trăn trở mãi làm thế nào tập hợp được những món ngon trên khắp các vùng miền cả nước, góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam mà ông tin đó là một nửa hấp dẫn của du lịch Việt Nam, ông đã “nhờ” giới đầu bếp chuyên nghiệp với quyết định tổ chức cuộc thi mang cái tên rất Việt Nam.
Ngẫu nhiên, cuộc thi đã chạm đúng sự mong đợi của các đầu bếp chuyên nghiệp. Những “hương vị quê nhà”, “món ăn vàng”, “món ngon Việt Nam thời hội nhập” đã bùng nổ xuất hiện, mới mẻ hoặc được tìm lại từ dân gian, đưa vào thực đơn phục vụ thực khách hiện đại với nhiều bất ngờ.
Đầu bếp Robert Danhi (tác giả quyển sách Southeast Asian Flavors – Adventures in cooking the Foods of Thailand, Vietnam, Malaysia & Singapore đạt giải thưởng sách về ẩm thực châu Á hay nhất năm 2009 ở Mỹ) nói khi nghiên cứu về ẩm thực Việt Nam, ông đặc biệt ấn tượng về rau củ quả quá phong phú ở từng vùng miền Việt Nam, có loại được trồng, có loại mọc hoang dại. Người Việt Nam đưa rau củ quả vào bữa ăn quá đa dạng: ăn tươi, nấu, luộc, xào, hoặc chỉ chần sơ. Kinh nghiệm dân gian Việt Nam kết hợp rau củ quả, trái cây tươi với những thực phẩm chính (thịt, cá, thủy hải sản) không công nghiệp làm nên những món ăn bổ dưỡng rất thông minh.
Nhận lời làm giám khảo cuộc thi Chiếc Thìa Vàng để là người nước ngoài cảm nhận khách quan về món ăn Việt Nam, đầu bếp Robert Danhi và đầu bếp Norbert Ehrbar ghi nhận những đầu bếp chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay không chỉ làm cho hương vị đặc sắc của ẩm thực Việt Nam ngày càng tinh túy hơn, mà họ còn biết cách nâng giá trị món ăn Việt Nam trong kỹ thuật chế biến, trình bày. Có những món thực khách nhìn vào luôn thấy dáng dấp Việt Nam nhưng bất ngờ vì vẻ sang trọng hay nghệ thuật bài trí độc đáo, như gà nấu đông – dưa cải chua, khổ qua hầm, cá hấp bầu, gà hon, bánh ướt cuốn chả tôm, chè khoai mì… Hoặc những nguyên liệu cao cấp mà người nước ngoài quen gặp trong món Âu như thịt bò, tôm hùm, tôm càng, cua, ghẹ, cá hồi…, giờ họ lại thấy những nguyên liệu này trong món ăn cao cấp thuần hương vị Việt Nam như nem (chả giò) cá hồi, gỏi cá hồi, càri thốt nốt tôm càng, ghẹ nấu chao, thịt bò nấu dừa sáp…
Những đại sứ du lịch bị bỏ quên
Có thể thấy, kể cả đang làm việc cho các resort, khách sạn tập đoàn nước ngoài, các đầu bếp chuyên nghiệp Việt Nam rất tha thiết làm cho ẩm thực là một nửa hấp dẫn của Việt Nam. Chính vì thế, đầu bếp Hồ Công Quyết rất vui khi chủ đầu tư Hyatt Regency Danang Resort & Spa tuy là tập đoàn nước ngoài, nhưng họ muốn phát huy món ăn Việt Nam để phục vụ khách đa số là người nước ngoài đến.
|
Hiện Hyatt Regency Danang Resort & Spa có gần 100 món giữ bản sắc thuần Việt theo đúng hương vị vùng miền Việt Nam và cả trong cách trình bày ra dáng vẻ Việt Nam. Hệ thống khách sạn Hyatt thường tổ chức cho đầu bếp Việt Nam đến khách sạn, resort trong hệ thống Hyatt ở các nước để giới thiệu món ăn Việt Nam, đó là một cách quảng bá thật hay cho ẩm thực Việt Nam và cũng giúp đầu bếp tiếp nhận ý kiến của khách nước ngoài khi phát triển thực đơn món Việt.
Ông Ian Johnston Lovie, bếp trưởng điều hành ở InterContinental Danang Sun Peninsula Resort nhận xét món ăn Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ khả năng hấp dẫn hơn. Ông luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các đầu bếp trẻ Việt Nam thực hiện các món theo đúng hương vị Việt Nam. Ngay cả khi phục vụ đoàn Thủ tướng Anh đến Đà Nẵng năm qua, ông cũng trao cho các đầu bếp trẻ Việt Nam quyền quyết định thực đơn món Việt và rất vui khi họ đã thể hiện rất tốt, khiến đoàn khách đặc biệt này rất hài lòng.
Tiếp xúc với các đầu bếp, họ đều chia sẻ: giải thưởng một tỷ đồng tuy có sức hút mạnh mẽ, nhưng trên hết lý do họ tham gia vào cuộc thi này vì thấy vai trò đầu bếp chuyên nghiệp trong quảng bá ẩm thực Việt Nam đã được nhìn nhận. Họ khao khát mang những tinh túy món ăn Việt Nam đến thực khách nước ngoài ngày càng nhiều hơn, khát khao đến một lúc cả thế giới nói đến ẩm thực là nghĩ đến Việt Nam.
Bởi thế, họ không chỉ biết nấu cho ngon, mà mỗi ngày đều bổ sung những kiến thức dinh dưỡng, xu hướng ẩm thực thế giới, để tiếp tục chinh phục thực khách nước ngoài không chỉ bằng ẩm thực vật chất, mà còn bằng giá trị văn hóa ẩm thực Việt Nam.
Ít nhất đã hai lần người ta cố đi tìm sắc đẹp mỹ miều làm đại sứ du lịch, bất chấp sắc đẹp đó không đủ truyền cảm hứng về Việt Nam cho du khách và các công ty du lịch hầu như không đồng tình. Sau kết quả không mấy tốt đẹp khi chọn đại sứ du lịch ấy, không chỉ các công ty du lịch mà chính các du khách trong nước và nước ngoài lại mong thấy một Việt Nam là “nhà bếp của thế giới” trong các chiến dịch quảng bá du lịch như gợi ý của chuyên gia marketing hàng đầu thế giới Philip Kohler.
Bà Đỗ Thị Hồng Xoan, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định từ trong bếp chuyên nghiệp, những đại sứ mới của ngành du lịch Việt Nam đã được tìm thấy. Ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng tổng cục Du lịch Việt Nam cũng khẳng định nói đến du lịch không thể không nói đến ẩm thực.
Ngành du lịch tự hào có sản phẩm du lịch ẩm thực đặc sắc trên khắp vùng miền. Các đầu bếp thật sự là những nghệ nhân, nghệ sĩ truyền cho người khác cảm hứng về ẩm thực Việt Nam. Thế nhưng, đến bao giờ những đầu bếp chuyên nghiệp mới chính thức nhận nhiệm vụ vinh dự: làm đại sứ cho du lịch Việt Nam?
Nguyễn Ngọc (thực hiện)
Bình luận (0)