'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Ông Kim mê đi chợ Bình Điền

20/05/2023 09:20 GMT+7

Tình yêu Việt Nam sâu đậm và nghị lực kiên cường đã giúp một doanh nhân Hàn Quốc tiếp tục bám trụ công việc kinh doanh sau thời gian khó khăn vì đại dịch Covid-19.

Ở chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM), không ai không biết đến ông Kim, người Hàn Quốc. Mỗi đêm, từ 12 giờ rưỡi khuya đến 6 giờ sáng hôm sau, bà con tiểu thương lại thấy ông Kim đội nón xô đi khắp các gian hàng thực phẩm, tay kiểm tra hàng hóa, miệng hỏi giá cả và trò chuyện rôm rả với mọi người.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Ông Kim mê đi chợ Bình Điền - Ảnh 2.

Trailer về clip đầu tiên trên kênh YouTube của ông Kim

Ông Kim không quá rành tiếng Việt, chỉ nói được lõm bõm những từ đơn giản, nhưng điều này không ngăn cản ông trả giá một cách khí thế. Đặc biệt, ông nhớ được tên của tất cả những món cần mua trong ngày và nắm chắc giá cả, từ gia vị, thịt thà đến rau quả. Thỉnh thoảng, ông lại trêu ghẹo các tiểu thương là "đẹp trai", "đẹp gái", trong khi than thở mình "già rồi". Bà con tiểu thương ở chợ ai cũng yêu quý ông. Ông Kim cứ tấm tắc: "Đi chợ thiệt đã! Chợ Bình Điền còn lớn hơn chợ đầu mối Garak ở Seoul" (Garak là chợ đầu mối lớn nhất Hàn Quốc - PV).

Ông Kim, tên đầy đủ là Kim Joo-myoung, 59 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Seo Wang (trụ sở tại Q.7, TP.HCM) kinh doanh trong 2 lĩnh vực xây dựng (SW Construction) và nhà hàng (SW F&B). Ông là chủ chuỗi nhà hàng Bornga nổi tiếng, địa chỉ thân thiết của những người mê ẩm thực Hàn ở Việt Nam. Đối với ông Kim, Việt Nam chính là quê hương thứ hai. "Tôi yêu Việt Nam tha thiết", đó là câu nói được ông lặp lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với Báo Thanh Niên. "Không những tôi mà mọi người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam đều yêu thương đất nước này", ông khẳng định.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Ông Kim mê đi chợ Bình Điền - Ảnh 5.

Hình ảnh ông Kim đi chợ Bình Điền được đăng trên kênh YouTube của ông

Chụp màn hình

26 năm ở Việt Nam

Đến Việt Nam từ năm 33 tuổi, ông Kim đã trải qua 26 năm tại đây. Ban đầu, ông mở Công ty SW Construction chuyên về xây dựng vì bản thân ông tốt nghiệp thạc sĩ ngành kiến trúc tại Đại học Hanyang (Hàn Quốc). Đến năm 2016, ông quyết định dấn thân vào kinh doanh nhà hàng dù khi đó chưa có kinh nghiệm gì trong lĩnh vực này. Ông nhớ lại 10 năm trước, có rất nhiều nhà hàng Hàn Quốc ở TP.HCM, nhưng đại đa số không đẹp đẽ, khung cảnh bên trong không hề giống các nhà hàng ở quê hương ông. Điều này khiến ông cảm thấy không thoải mái, nhất là khi ông vốn là kiến trúc sư. Đó là lý do thôi thúc ông mở nhà hàng đầu tiên ở Hà Nội rồi đến cơ sở thứ hai ở TP.HCM.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Ông Kim mê đi chợ Bình Điền - Ảnh 3.

Ông Kim khoe khay rau hấp dẫn thực khách ở nhà hàng của mình

Thanh Thủy

Đến hiện tại, chuỗi Bornga có tổng cộng 6 nhà hàng; nhưng theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra ông Kim đã mở được 11 nhà hàng ở Việt Nam. Nguyên nhân chính là đại dịch Covid-19.

"Suốt nhiều tháng liền, tôi phải đóng cửa các nhà hàng, chỉ tính riêng tổn thất về tiền thuê mặt bằng đã lên đến 40 tỉ đồng trong đợt dịch, chưa tính tiền lương vẫn trả cho nhân viên", ông cho biết. Số nhân viên trước dịch là 16 người Hàn, 400 người Việt, và sau dịch chỉ còn lại 3 người Hàn, 250 người Việt.

Ông Kim đi chợ Bình Điền

Biến thách thức thành cơ hội

Tình hình khó khăn đến mức có lúc những người xung quanh tưởng rằng ông ắt hẳn phải bỏ cuộc. Tuy nhiên, ông chỉ nói một câu: "Bây giờ chỉ có hai lựa chọn, một là chết, hai là đi tiếp". Với ý chí mạnh mẽ, ông Kim kiên định với con đường đã chọn: làm sao duy trì nhà hàng đúng chất Hàn Quốc ở Việt Nam. Lúc đó là tháng 10.2021, thời điểm ông bắt đầu thật sự học cách kinh doanh nhà hàng chứ không còn giao cho các quản lý đồng hương như trước. Nếu trước đây ông trao quyền cho quản lý người Hàn trong việc đặt mua nguyên liệu, khi TP.HCM mở cửa lại sau dịch, ông tìm cách cắt giảm chi phí đầu vào và nhận ra mình phải tự đi chợ.

Tôi yêu VN tha thiết. Không những tôi mà mọi người Hàn Quốc đang sinh sống ở VN đều yêu thương đất nước này.

Ông Kim Joo-myoung

Thế là từ đó, mỗi đêm bà con tiểu thương chợ Bình Điền lại thấy bóng dáng quen thuộc của ông Kim - một người Hàn Quốc đi chợ đầu mối. Ông tự tay kiểm tra từng mặt hàng, so sánh giá cả, kiểm tra chất lượng từng nguyên liệu.

'Đại sứ nhân dân' Hàn - Việt: Ông Kim mê đi chợ Bình Điền - Ảnh 1.

Ông Kim và nhân viên tham gia cuộc thi nấu ăn chuẩn bị mở nhà hàng Việt ở Hàn

NVCC

"Hiện là mùa mưa, giá xà lách xanh là 25.000 đồng/kg nhưng nếu chỉ gọi điện thoại đặt hàng thì giá đội lên 60.000 đồng/kg", ông kể. Các nhà hàng của ông sử dụng 3 nguồn nguyên liệu chính, từ Việt Nam, Hàn Quốc và những nơi khác. Trong đó, Việt Nam là nơi ông mua đại đa số nguyên liệu nền và ông đặc biệt thích rau quả của xứ Việt.

"Nhờ đi chợ, tôi mua được đồ tươi cho nhà hàng mỗi ngày, được thực khách hết sức hoan nghênh", ông kể. Ông Kim cũng tự hào vì nhà hàng phục vụ món rau vô cùng đa dạng, buộc các nhà hàng Hàn Quốc khác rút kinh nghiệm và cải tiến khay rau của mình. Tuy nhiên, một số loại rau phổ biến và cần để ăn với món Hàn chỉ có số lượng ít và được trồng tập trung ở các nông trại Đà Lạt. Ông đã liên lạc với những nhà nông này và kỳ vọng sẽ sớm có được nguồn cung ổn định những món rau đặc trưng cho món Hàn.

Ước mơ nhà hàng Việt trên đất Hàn

Trong tương lai, ông Kim Joo-myoung đặt mục tiêu mở nhà hàng Việt ở Hàn Quốc. Một lần nữa, lẽ ra mục tiêu này đã có thể xúc tiến nếu đại dịch không ập đến. Tháng 3.2020, ông tổ chức cuộc thi nấu món ăn Việt cho các nhân viên và ai cũng có thể tham gia thi tài. Thông qua cuộc thi này, ông muốn chuẩn bị nhân lực để mở nhà hàng Việt ở quê nhà. Cuộc thi thành công nhưng thời gian mở nhà hàng phải lùi lại chờ đến lúc ông phục hồi năng lực tài chính như trước dịch. "Gần như tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Đủ tiền thì về Hàn mở quán Việt thôi", ông cười.

10 năm trước, cha tôi muốn tôi về Hàn Quốc ở với ông. Nay, ông cho rằng tôi đang ở nơi tuyệt vời nhất và không còn giục tôi về nước. Cha tôi 84 tuổi, nhưng ông vẫn cùng tôi đi chợ đêm Bình Điền và vô cùng cảm động khi thấy mọi người ở chợ đều yêu quý tôi.

Ông Kim Joo-myoung

Ông mở nhà hàng Hàn ở Việt Nam là vì muốn đưa ẩm thực đúng chất Hàn đến thực khách Việt và mở nhà hàng Việt ở Hàn Quốc cũng xuất phát từ lý do tương tự: giới thiệu món Việt cho người Hàn. Ông kể cả nhà đều mê món Việt. Hiện chỉ có vợ chồng ông ở đây còn cha mẹ già và hai con gái đều ở Hàn Quốc. Mỗi năm, người thân của ông quay lại Việt Nam và tận hưởng thời gian đoàn tụ gia đình.

"10 năm trước, cha tôi muốn tôi về Hàn Quốc ở với ông. Nay, ông cho rằng tôi đang ở nơi tuyệt vời nhất và không còn giục tôi về nước. Cha tôi sinh năm 1939 (84 tuổi), nhưng ông vẫn cùng tôi đi chợ đêm Bình Điền và vô cùng cảm động khi thấy mọi người ở chợ đều yêu quý tôi", ông Kim kể.

Lúc gặp phóng viên Thanh Niên, ông Kim khoe mình mới mở kênh YouTube được vài ngày. Trailer đầu tiên trên kênh có tựa đề Cuộc sống ở Việt Nam của ông Kim, ghi lại những hình ảnh ông đi chợ Bình Điền. "Hiện có một số ít người Hàn ở nước tôi không thích Việt Nam dù họ chưa bao giờ đến đây. Thông qua kênh YouTube, tôi mong muốn truyền tải cái nhìn của người trong cuộc về đời sống thường nhật ở TP.HCM, từ đó hy vọng lan truyền thiện cảm về đất nước Việt Nam cho người dân nước tôi", ông Kim bày tỏ. 

(còn tiếp) 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.