Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dự kiến 2027 mới xong: Không hình dung khó đến mức đó!

16/03/2023 11:40 GMT+7

Ngày 1.7.2017, Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn bắt đầu cuộc đại trùng tu. Xi măng, vữa, cát, đá, từng viên gạch đều được nhập từ châu Âu, chi phí 'đội' lên so với ước tính ban đầu và dự kiến cuối năm 2027 hoàn thiện.

Không chỉ có ý nghĩa với bà con giáo dân, người dân TP.HCM, Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên gọi khác là Nhà thờ Đức Bà) còn ý nghĩa về mặt văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật,… là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước.

Trước thắc mắc của nhiều người dân vì sao quá trình trùng tu kéo dài hơn dự kiến và dường như "đứng yên" vì không thấy người tu sửa, PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn về vấn đề này.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sao kéo dài hơn 10 năm? - Ảnh 1.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là một tuyệt tác kiến trúc Roman - Gothic khánh thành ngày 11.4.1880

Độc Lập

Xem nhanh 20h ngày 17.3: Trùng tu Nhà thờ Đức Bà gặp khó | VNA nói về nghi án 'xách tay thuốc lắc'

"Không thể hình dung trùng tu nhà thờ khó đến mức đó"

PV: Thưa linh mục, đến bây giờ việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà đã hoàn thiện hạng mục nào và vì sao việc trùng tu cần nhiều thời gian như vậy?

Tới tháng 3.2023 thì chưa có hạng mục nào xong hết. Lúc đầu chúng tôi không thể hình dung được là nó khó đến mức đó. Chúng ta chưa có một công ty hay cá nhân nào có kinh nghiệm về trùng tu các nhà thờ cổ của châu Âu.

Đức cố Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc từng nói, đây là công trình người Pháp họ xây và tất cả vật liệu ngày xưa cũng được nhập từ châu Âu. Hai nữa, đây cũng là một dấu ấn của thành phố. Ở châu Âu họ có kinh nghiệm về trùng tu nhà thờ, bảo tàng, các công trình cổ. Do đó, phải nhập vật tư và cả kỹ thuật của họ để bảo đảm an toàn chất lượng. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để trùng tu Nhà thờ Đức Bà để lại cho thế hệ tương lai có thể sử dụng lâu dài, ít nhất là 100 năm nữa.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn 'không chỉ là chuyện lợp cái ngói'

Ngày 7.10.1877, Đức Cha Isidore Colombert (tên Việt là Mỹ), Giám mục đại diện Tông tòa giáo phận Tây Đàng Trong lúc bấy giờ đã cử hành nghi thức làm phép và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ mới - Ảnh: T.L

Nhiều người nghĩ lợp ngói lại thì dỡ ngói ra lợp lại có gì đâu, nhưng đây là một di tích. Ở trên cùng nhà thờ chúng tôi lợp ngói Tây phải nhập từ Pháp – bảo hành 30 năm, ở tầng giữa là ngói vảy cá và ngói âm dương ở phía sau cùng thì nhập từ Đức – bảo hành 40 năm.

Riêng giàn giáo thì chúng tôi mua của công ty Layher (Đức). Sau đó, nhờ chuyên gia ở châu Âu sang lắp đặt giàn giáo trong 3 tháng mới xong thì giãn cách vì dịch Covid-19. Nhờ giàn giáo chúng tôi mới tiếp cận được nóc nhà thờ và thấy hư hại của 2 tháp chuông và 2 tháp kẽm rất là nặng nề. Hư quá chừng, lúc đầu thấy nản.

PV: Vậy vật liệu được vận chuyển về Việt Nam thế nào, thưa linh mục?

Vận chuyển có 2 cách, cái thứ nhất là những cái gì cồng kềnh, cái gì lớn thì vận chuyển bằng đường biển, tất nhiên có tính ở trong dự trù kinh phí. Có những vật tư phải đi bằng đường máy bay, chi phí cao hơn nhưng mới kịp tiến độ.

Công nhân thi công nhà thờ cũng là những công nhân được chuyên gia nước ngoài đào tạo bài bản, đạt yêu cầu thì họ mới cho làm. Tối đa tại công trường có mặt hơn bốn mấy người, khối văn phòng khác nữa. Thỉnh thoảng chuyên gia bên châu Âu qua theo từng đợt, từng công việc.

Đại công trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà dự kiến hoàn thiện vào năm 2027

Độc Lập

Nhà thờ vẫn cử hành Thánh lễ nhưng không cho tham quan vì chỗ trùng tu đi vô lỡ có chuyện gì kẹt lắm. Chúng tôi phải giữ an toàn cho công trình và cho bà con giáo dân – vấn đề đó là ưu tiên số 1.

PV: Thấy giàn giáo dựng gần như kín xung quanh nhà thờ nhưng nhiều lúc không thấy người tu sửa đâu, có những người thắc mắc nhà thờ không làm gì hết trơn hay sao ạ?

Đi ngoài đường người ta có thể nghĩ sao nhà thờ im ắng quá, không thấy ai làm gì hết. Thưa không phải, anh em công nhân làm rất chăm chỉ, nhiệt tình, rất cực nhưng mà làm ở phía trong. Làm ở trong 2 tháp chuông, 2 tháp kẽm thì ở phía ngoài đâu có thấy được, làm có khi không phải 1 ngày 8 tiếng mà nhiều hơn nữa, tùy công việc đấy.

Cho nên ít nhất 3 năm rồi anh chị thấy nhà thờ không dám giật chuông vì ghế chuông rỗng ruột rồi, bây giờ giật chuông với trọng lượng 28.500 kg 6 quả chuông đó thì nó sập tháp chuông và sẽ kéo sập nhà thờ.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sao kéo dài hơn 10 năm? - Ảnh 4.

Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân, Trưởng ban trùng tu Nhà thờ Chính tòa Đức Bà Sài Gòn

Độc Lập

Một chuyên gia của Bỉ khi lên tầng 17 của Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn đã chia sẻ, theo quy định của châu Âu 50 năm trùng tu 1 nhà thờ, 100 năm thì đại trùng tu. Ở đây khi bắt đầu trùng tu là 135 năm rồi, do hoàn cảnh mình thôi, không đủ điều kiện, giờ ổng nói là đúng lúc, mình làm việc đúng lúc.

Ngoài ra, một yếu tố nữa là 2 năm Covid-19, tất cả mọi nước đều giãn cách, đứt gãy vật tư, rồi chiến sự Ukraine, tăng giá,… là những nguyên nhân làm cho việc trùng tu kéo dài.

Phía mái nhà thờ ở hướng đường Phạm Ngọc Thạch bị hư hỏng nặng, thấm dột cơ bản đã được sửa sang

Độc Lập

"Đội" chi phí, nhưng bà con giáo dân luôn đóng góp cho công trình

PV: Thưa linh mục, cuộc đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2023 với kinh phí 140 tỉ đồng. Vậy khi thời gian kéo dài hơn dự tính, chi phí này thế nào?

Chắc chắn sẽ đội chi phí thôi, bao nhiêu mình chưa tính được bởi vì một công trình xây dựng mới có thể tính trừ hao và biết tổng kinh phí còn ở đây tới đâu tính tới đó thôi.

Một số vật liệu tháo ra sẽ được lưu giữ để sau này làm một "bảo tàng" về Nhà thờ Đức Bà

Độc Lập

Tôi nói ngay trong thánh lễ ở nhà thờ, tôi sống chết với công trình này. Giả sử tôi làm mà giữa chừng tôi có ngã xuống vì công trình này thì cũng rất là vui vì tôi chết trong bổn phận của mình. Tôi rất là tha thiết làm. Bây giờ tôi chỉ mong một điều là tôi có sức khỏe thôi, vì tôi nay 76 tuổi rồi - đủ tuổi nghỉ hưu nhưng Đức Tổng nói tôi không nghỉ hưu, bổ nhiệm tôi làm việc đến năm 2027.

Tôi cố gắng hết sức để hoàn thành công trình này cho Giáo hội và cho thành phố nữa.

Công trình Nhà thờ Đức Bà được thi công trong khoảng 2,5 năm và khánh thành vào đúng dịp lễ Phục sinh, ngày 11.4.1880

Độc Lập

Chính bà con giáo dân thành phố mình rất quảng đại, mặc dù đời sống khó khăn, nhưng mỗi năm chiến dịch bác ái Mùa Chay - Phục sinh thì đóng góp cho công trình này. Bà con giáo dân ở hải ngoại, những ông cụ bà cụ những người ngày xưa đi nhà thờ này cũng gửi về như một số nơi khác. Nhưng đóng góp chủ yếu là bà con giáo dân ở thành phố này.

PV: Tính đến nay, khối lượng công việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà đã hoàn thành bao nhiêu % và công việc tiếp theo sẽ là gì, thưa linh mục?

Chúng tôi bắt đầu sửa 2 tháp chuông, tháp kẽm cũng khá lâu rồi, dự kiến là cuối năm 2024 có thể xong hạng mục này. Công việc năm nay, năm tới rất nặng, mỗi thời điểm có những cái khó về kỹ thuật khác nhau.

Như các anh các chị thấy, chúng tôi cho tháo dỡ thánh giá từ ở trên nóc xuống ngày 6.3, thì bây giờ còn mấy thánh giá nhỏ nữa sẽ đưa xuống để chuyển đi Bỉ để phục chế.

Hai thánh giá ở trên 2 tháp chuông được hạ xuống vào ngày 6.3.2023 sau đó sẽ gửi đi Bỉ trùng tu

T.G.P

Sau khi trùng tu 2 tháp chuông và 2 tháp kẽm dự kiến hoàn thiện mái ngói, mái ngói hư nặng nhất ở phía đường Phạm Ngọc Thạch sau bao năm dột thì ổn rồi, còn mái ở giữa, hệ thống máng xối. Xong hết thì mới gọi là hoàn thiện.

Sau đó thì sẽ tiếp tục thay hàng trang trí trên đỉnh mái. Ở trên này nếu dùng xi măng sẽ khô nhanh nhưng nứt mau nên chúng tôi dùng một thứ vữa đặc biệt, pha theo tỷ lệ đặc biệt và dưỡng ẩm 28 ngày. Khi dưỡng ẩm 28 ngày xong nó biến thành đá không có nứt, đó là tính về lâu về dài. Xong thì còn phải thay toàn bộ hệ thống thu lôi ở trên cao để bảo vệ nhà thờ...

Kể từ 1.7.2017 tới nay, công việc cũng được 50% rồi. Cái tốn kém, mất giờ, tốn công là thay gạch cho vách nhà thờ vì hư nhiều viên, không hư hết. Hư thì mình phải đập từng viên ra, cho vữa vào, có những chỗ nhỏ quá phải bơm một thứ vữa đặc biệt vào rồi cho từng viên gạch vào, thay làm sao cho nó tiệp màu với nhau.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sao kéo dài hơn 10 năm? - Ảnh 9.

Thời kỳ đầu, Nhà thờ Đức Bà được gọi là Nhà thờ Nhà Nước bởi vì tất cả kinh phí xây dựng đều do nhà nước Pháp cung cấp với số tiền 2,5 triệu francs Pháp theo thời giá lúc bấy giờ

Tư liệu TGP TP.HCM

Đề xuất làm hàng rào mĩ thuật để ngăn vẽ bậy trên vách tường

PV: Thưa linh mục, việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà thời gian qua đã gặp những khó khăn gì?

Ngày khánh thành 11.4.1880, Nhà thờ Đức Bà này giống như Nhà thờ Đức Bà Paris không có 2 tháp nhỏ. 15 năm sau, nhà thờ mới có thêm 2 tháp nhọn được lắp dựng thêm bên trên gác chuông, làm cho tháp nhà thờ vươn cao lên bầu trời với chiều cao mỗi tháp khoảng 57 m.

Khi lên bằng giàn giáo đến đỉnh thì mới thấy khối đá của 2 đỉnh tháp chuông, chân 2 tháp kẽm đã bị xói mòn theo thời gian, bây giờ phải thay. Sau khi đi khảo sát, chúng tôi đã chọn mẫu đá của Pháp và chuyển từ Pháp qua Bỉ để chế tác sẵn hết theo quy cách mà tập đoàn Monument (đơn vị trùng tu) đã đưa ra, rồi đem đá lên để ráp vào.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sao kéo dài hơn 10 năm? - Ảnh 10.

Nhà thờ đề xuất sẽ làm thêm vách ngăn mĩ thuật để tránh vẽ bậy lên tường

Độc Lập

Tôi nói ngay trong thánh lễ nhà thờ, tôi sống chết với công trình này. Giả sử tôi làm mà giữa chừng tôi có ngã xuống vì công trình này thì cũng rất là vui vì tôi chết trong bổn phận của mình. Tôi rất là tha thiết làm. Bây giờ tôi chỉ mong một điều là tôi có sức khỏe thôi, vì tôi nay 76 tuổi rồi.

Linh mục Ignatio Hồ Văn Xuân

Ngoài ra, gạch trang trí vách nhà thờ, nhiều viên bị các bạn trẻ vẽ này vẽ kia vậy thôi, chứ còn rất là đẹp và chúng tôi đã học hỏi cách làm từ nước ngoài để không dùng hóa chất nhưng vẫn xóa được các vết viết, vẽ ấy đi mà không hư hại gạch.

Tôi thấy ngăn chặn vấn đề viết, vẽ ở trên vách tường là khó lắm, vì mình đâu có ở đó mà canh suốt được, do đó đã xảy ra nhiều vấn đề không hay. Tôi có xin phép làm cái hàng rào không đụng gì dưới lòng đường mà ở phía trên lề, hàng rào mở và mĩ thuật. Nghĩa là chủ yếu người ta vẫn nhìn thấy nhưng không thể tiếp cận để viết vẽ gì ở trên vách hết. Du khách nước ngoài khi đi ngang, đi qua rồi họ lắc đầu, vì thấy không có giữ gìn.

PV: Nhà thờ Đức Bà sẽ có "diện mạo" như thế nào ở ngày mở cửa cho khách tham quan trở lại, thưa linh mục?

Khi sửa tháp chuông, bà con giáo dân nói "Cha ơi nhà thờ mà không có chuông buồn quá, lại là Nhà thờ Đức Bà nữa". Tôi nói đúng rồi, nhưng kéo chuông nó có thể sập rất nguy hiểm. Sau đó tôi cũng suy nghĩ lâu lắm. Tôi đặt dàn carillon 25 chuông từ Đức. Trong đó, có 16 chuông nhỏ và 9 chuông lớn theo thứ tự từ 4 cái lớn nhất tôi cho khắc tên 4 Tổng giám mục của thành phố này từ năm 1960 đến nay.

Sau khi cơ bản hoàn thành trùng tu mái ngói, tháp chuông, Nhà thờ Đức Bà sẽ trùng tu các hạng mục bên trong

Độc Lập

Chỉ có một cái khó là tôi yêu cầu tiếng Việt phải có dấu, tiếng Việt mà không có dấu kỳ lắm, nhiều khi phát âm ra bị rầy chết. Họ làm tới lui rất lâu nhưng họ làm tốt. Ngày 23.12.2022 vừa rồi, chúng tôi khánh thành.

Ở phía trong nhà thờ, chỗ ngồi tối đa là 1.200, có thể nhiều hơn nữa nhưng hệ thống thông gió không có. Bây giờ tôi đã đặt hàng hệ thống thông gió và đèn làm sao để lọc khí để bảo đảm vệ sinh, đủ ánh sáng để bà con dự lễ không bị ngộp.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn dự kiến 2027 mới xong: Không hình dung khó đến mức đó - Ảnh 14.

Đức Tổng giám mục Giuse Nguyễn Năng thực hiện nghi thức làm phép cho dàn giao hưởng 25 chuông nhập từ Đức ở Nhà thờ Đức Bà

Dàn giao hưởng 25 chuông được nhập từ Đức về Nhà thờ Đức Bà vào ngày 23.12.2022

Những kính màu ở phía trên do ảnh hưởng chiến tranh mà bể nát hết, hiện tại lắp tạm mấy tấm mica. Nếu có đủ điều kiện, tôi sẽ lắp một cái đàn đại phong (đàn ống) trên cung thánh trước khi kết thúc quá trình trùng tu, rồi đào tạo người chơi đàn để dạo đàn trước Thánh lễ, đệm đàn trong Thánh lễ.

Tôi cũng mong muốn, Nhà thờ Đức Bà của mình sẽ sáng vào ban đêm, không bằng Nhà thờ Đức Bà Paris đâu nhưng mà sẽ phải sáng vào ban đêm là một trong những điểm thu hút du khách.

Đại trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn vì sao kéo dài hơn 10 năm? - Ảnh 13.

Nhà thờ Đức Bà là điểm đến thu hút nhiều khách trong và ngoài nước

Độc Lập

Khi kết thúc công trình trùng tu, chúng tôi sẽ đào tạo những người hướng dẫn của nhà thờ bên trong nhà thờ. Có nhiều việc tôi muốn làm cho nhà thờ này để nơi đây trở thành dấu ấn cho thành phố của chúng ta, không biết làm được hết không nhưng hướng thì đã có.

Xin cảm ơn linh mục về cuộc trao đổi!

Xem nhanh 20h ngày 16.3: Vỉa hè bị ‘xẻ thịt’ online | Shark Thủy lên tiếng về lùm xùm ở APAX Leaders

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.