Đại tướng Lê Đức Anh là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một vị tướng tài ba, người đã được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế, giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng.
[VIDEO] Tiểu sử Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh
|
tin liên quan
'Khí chất Lê Đức Anh': Những điều tôi biếtLà một vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước xuất sắc, đồng chí luôn đổi mới, quyết đoán, nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, dám chịu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và cũng rất giản dị, sâu sắc, nhân văn trong cuộc sống, được đồng chí, đồng đội và nhân dân yêu mến, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Sớm giác ngộ cách mạng (*)
Trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống yêu nước và hiếu học, thấu hiểu sự nghèo đói, lam lũ của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, người thiếu niên Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1937, khi mới 17 tuổi, đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang, Thừa Thiên - Huế; tháng 5.1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong thời kỳ 1939 - 1944, đồng chí hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi, Xa Can, Xa Cát.
|
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ về lập lại hòa bình ở Đông Dương năm 1954, đồng chí tập kết ra Bắc; từ năm 1955 - 1963 là Phó cục trưởng Cục Tác chiến, rồi Cục phó, Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng tham mưu và trở thành Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đầu năm 1964, đại tá Lê Đức Anh trở lại chiến trường miền Nam, đảm nhiệm các chức vụ Tham mưu trưởng, rồi Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền; Tư lệnh Khu 9, Phó bí thư Khu ủy; Phó tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Đồng chí là một trong hai sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được phong hàm vượt cấp từ đại tá lên trung tướng vào tháng 4.1974.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đồng chí được giao trọng trách Phó tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam, đóng góp quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thực hiện nhiệm vụ được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao, từ năm 1976 - 1986, đồng chí là Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân khu ủy, rồi Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, đồng chí là một trong những tướng lĩnh trực tiếp chỉ huy chiến trường và giành nhiều thắng lợi quan trọng, bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Năm 1981, đồng chí được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia.
Năm 1986, Đại tướng Lê Đức Anh là Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ năm 1987 là Bộ trưởng Quốc phòng, Phó bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương. Đồng chí là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 1992 - 1997. Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4.2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX.
Vị tướng trận lẫy lừng
|
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đảm trách chỉ huy và lãnh đạo trực tiếp cánh quân tiến công trên hướng tây - tây nam Sài Gòn (Đoàn 232), một trong năm cánh quân của trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Đây là nơi có địa hình khó tiến công vì là đồng bằng, sông ngòi, sình lầy chằng chịt nhưng là một hướng tiến công rất quan trọng để nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4, không để chúng co cụm về cố thủ ở Cần Thơ. Đoàn 232 do đồng chí chỉ huy đã thực hiện thành công các nhiệm vụ chính là: chia cắt các lực lượng Sài Gòn và miền Đông với lực lượng vùng đồng bằng sông Cửu Long; tấn công biệt khu thủ đô và tổng nha cảnh sát, sau đó hợp điểm cùng các cánh quân khác tại Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30.4 lịch sử.
Đại tướng Lê Đức Anh là người luôn coi trọng nhân, nghĩa, ngay cả đối với kẻ thù; và là người lãnh đạo chỉ huy luôn thương yêu, tìm mọi cách giảm thiểu hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ và khó khăn, mất mát của người dân.
Trong hồi ký, Đại tướng Lê Đức Anh viết: Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân to lớn nhất, cơ bản nhất, gốc rễ nhất là tư tưởng “nhân ái”. Tư tưởng “nhân nghĩa” của thời đại Hồ Chí Minh là bắt nguồn từ truyền thống chí nhân, chí nghĩa của dân tộc, như Nguyễn Trãi từng viết trong Đại Cáo Bình Ngô: “Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Khi xe tăng, thiết giáp của ta vượt qua sông Vàm Cỏ thì trời đổ mưa, đoạn thuộc H.Đức Huệ (Long An) sình lầy xe không đi được; nhân dân vác những bó cây và dỡ nhà mình ra lót đường cho xe tăng và pháo ta vượt qua. Đồng chí đã chỉ đạo anh em chiến sĩ giúp dân làm lại nhà, dù người dân không hề đòi hỏi.
Sau này, trên cương vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng - An ninh, thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân, với tình cảm sâu nặng và ý thức trách nhiệm lớn lao, Đại tướng Lê Đức Anh thường xuyên đến thăm, kiểm tra công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị quân đội, công an. Đồng chí chỉ đạo quyết liệt vấn đề kết hợp kinh tế với quốc phòng và là một trong những người đưa ra ý tưởng xây dựng khu vực phòng thủ, các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn chiến lược mà chúng ta đã và đang triển khai thực hiện.
Đồng thời, Đại tướng cũng hết sức chú trọng đến tình hình bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị của quân đội và đời sống của cán bộ, chiến sĩ. Trước thực trạng các doanh trại quân đội dột nát, đồng chí đã yêu cầu tăng kinh phí xây dựng, sửa chữa doanh trại và có các biện pháp cụ thể, thiết thực bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.
Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh cũng rất quan tâm công tác chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng về chính sách sau chiến tranh. Ngày 10.9.1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” để tặng hoặc truy tặng những mẹ đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; đồng thời cũng là để giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho các thế hệ mai sau.
Là Chủ tịch nước, Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và kể cả khi đã nghỉ công tác, đồng chí Lê Đức Anh vẫn thường xuyên quan tâm đến lực lượng vũ trang, nghiên cứu và đề xuất nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, có tầm chiến lược sâu rộng về công tác quân sự, quốc phòng cho Đảng và Nhà nước ta.
Giản dị, gần gũi và chân tình
Đối với đồng chí, đồng đội, đồng chí Lê Đức Anh không phân biệt cấp bậc, chức vụ, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi, luôn quan tâm, chăm lo đến cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ và cuộc sống hằng ngày. Là Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khi đến thăm đơn vị quân đội, đồng chí vẫn nói chuyện như không có khoảng cách với các chiến sĩ trẻ; động viên các cựu chiến binh khắc phục khó khăn; quan tâm chỉ đạo giải quyết chế độ chính sách.
Đại tướng Lê Đức Anh sống giản dị, gần gũi, chân tình, sâu sắc và nặng tình nghĩa với quê hương. Tham gia hoạt động cách mạng từ thời niên thiếu, nhưng đồng chí luôn nhớ về quê hương với một tình cảm rất sâu đậm. Mỗi lần về quê, đồng chí thường đi thăm bà con lối xóm, ân cần thăm hỏi cuộc sống, tình hình lao động sản xuất; động viên bà con, họ hàng, con cháu quê nhà luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trong gia đình, đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ và giàu lòng nhân ái. Đồng chí luôn chú trọng giáo dục, nhắc nhở con cháu, người thân nỗ lực học tập, rèn luyện, tự mình phấn đấu, trưởng thành, là người tốt, sống có lý tưởng và có ích cho xã hội.
Với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Có thể nói, cuộc đời hoạt động cách mạng hơn 80 năm của Đại tướng Lê Đức Anh là dành cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, vì sự trưởng thành lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, vì hạnh phúc của người dân. Khi ốm nặng và trong quá trình điều trị, mỗi lần đồng chí, đồng đội, đồng bào đến thăm, Đại tướng Lê Đức Anh kính mến đều hỏi về tình hình đất nước, về cuộc sống của người dân với tình cảm ân cần, cảm động. Mới đây, trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tôi cùng một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh nhìn chúng tôi với ánh mắt trìu mến, tin tưởng và gửi gắm tình cảm tốt đẹp.
Cuộc đời của Đại tướng Lê Đức Anh gắn liền với những chiến thắng, những bước thăng trầm của lịch sử nước nhà. Đồng chí đã có đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh. Chúng ta mãi mãi nhớ về Đại tướng Lê Đức Anh - anh Sáu Nam kính mến, người đồng chí thân thiết, chí tình, một vị tướng tài ba, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhân cách đức độ, giản dị, gần gũi. Noi gương đồng chí, chúng ta nguyện nỗ lực phấn đấu, ra sức hành động, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình ổn định cho phát triển, xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Lễ viếng và truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đồng thời tại Hà Nội, TP.HCM và Thừa Thiên - HuếTheo thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ VN, lễ tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hôm nay (3.5) và ngày mai (4.5). Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm trưởng ban.
Linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Lễ viếng bắt đầu từ 7 - 11 giờ hôm nay (3.5), lễ truy điệu từ 11 giờ cùng ngày. Sau đó, linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh sẽ được di chuyển vào TP.HCM để làm lễ an táng lúc 17 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang TP.HCM. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM), tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế (quê hương Đại tướng) cũng tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh.
Chiều 2.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp đoàn đại biểu cấp cao Campuchia do Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen dẫn đầu và đoàn đại biểu cấp cao Lào do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch T.Ư Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu sang dự Quốc tang nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Lãnh đạo các nước Nicaragua, Mông Cổ, Campuchia, Thái Lan, Nhật Bản đã gửi Thư chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gia quyến nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.
Lê Hiệp - TTXVN - Chinhphu.vn |
Bình luận (0)