Dòng người dài như vô tận đã đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng của ông, 30 Hoàng Diệu, Hà Nội chiều qua 6.10.
|
>> Một con người làm nên lịch sử
>> Vị tướng mê piano và dân ca Việt
Cựu chiến binh Nguyễn Trọng Văn mắt ngấn nước, đầu ngón tay tím đỏ vì bấm chặt vào khung kính, bên trong có bài thơ in trên bìa vàng nhạt thường thấy ở các hàng photocopy. Ông đã làm bài thơ rất nhanh, chỉ trong khoảng nửa tiếng sau khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Bài thơ điệp đi điệp lại nhiều lần “con người bình dị đã ra đi”, rồi nghẹn lại: “Dương cầm ơi, hãy tấu lên điệu nhạc/Bản sô nát Nhân Dân, để nhắc nhớ Một Người”. Người ấy, là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
Nhưng không chỉ có dương cầm lên tiếng. Trong hàng người dài vắt từ đường Hoàng Diệu sang Điện Biên Phủ còn có cả tiếng đàn violon réo rắt Hồn tử sĩ của cụ Tạ Trí Hải. Có tiếng nấc không nhịn được. Cũng có tiếng sột soạt của phù hiệu cài áo tự in, trên đó có hình Đại tướng với câu “Đừng bao giờ quên cái gốc của mình là từ nhân dân mà ra...”. Có tiếng của đôi dép sứt quai mà ông Phàng Seo Vàng, một người Mèo, ngực nhiều huy chương, dận dận nhẹ trên hè để chờ tới giờ vào viếng Đại tướng.
Thậm chí, hai cậu bé lớp 1 Nguyễn Thành Long và Nguyễn Quốc Anh cũng chỉ mới được bố mẹ dạy về Đại tướng mới hôm kia, khi tin dữ về Người bay tới. Các em cũng chưa hề được học lịch sử, nên chưa có khái niệm về cả Điện Biên lừng lẫy lẫn chiến dịch Hồ Chí Minh chấn động địa cầu. “Chúng tôi đưa cháu đến đây viếng cụ để sau này lớn lên cháu nhớ và hiểu lịch sử. Cũng để dạy cháu cách xếp hàng”, chị Lý Thu Quyên nói.
Nhưng dường như, cả hàng dài ngàn người kéo dài tới gần Bộ Ngoại giao, nơi có thể nhìn rất rõ Lăng Bác đều không cần phải học điều đó. Những người mới cứ đến gia nhập hàng, cùng chờ, không vội vã, không chen ngang. Lực lượng bảo vệ, hướng dẫn gồm tình nguyện viên của thành đoàn, quận đoàn, quân đội, công an đã không cần phải nói to dù chỉ một câu. Những người lính vẫn quen phát hiệu lệnh quân đội chỉ cần khẽ khàng “lực lượng dịch sang bên phải” là hàng người đã được nắn ngay ngắn. Tất cả đều tự giác gắn kết, chỉ có điều, trong nỗi thương tiếc chung, chốc chốc, lại có người đưa tay quệt mắt.
“Cứ trật tự thế này, không cần phải đăng ký đoàn vào viếng”, một người có nhiệm vụ giữ trật tự trong sân vườn nhà Đại tướng nói rồi bần thần nhìn dãy bàn cứ mỗi lúc một đầy hoa viếng, phần lớn là cúc vàng. Trong suốt buổi viếng tại tư gia Đại tướng chiều 6.10 hầu như chỉ lác đác vài đoàn đăng ký trong sổ. Mấy ngàn người cứ đúng hàng lối đi vào, cúi đầu trước bàn thờ nhỏ nhắn giản dị của Đại tướng. Ở đó, có bức hình đen trắng chụp vị tổng tư lệnh đang khẽ cười.
Họ đều hiểu giờ khắc này là lịch sử. “Chắc là đến hết đời, chúng ta cũng không nhìn thấy một đám tang nào mà người dân tự nguyện đến viếng đông như thế. Thế mới biết lòng dân”, tiếng nhiều người rủ rỉ.
|
“Trái tim anh Văn”
Nếu cả người Pháp, lẫn người Mỹ - những “kẻ thù danh dự” của ông - biết trước được sức mạnh đã duy trì trật tự của lễ viếng hôm nay, hẳn họ đã không ngơ ngác “Tại sao Việt Nam” khi thất trận trở về. Bởi sức mạnh đó đến từ tinh thần, duy trì bằng sức hút đặc biệt của ông với quần chúng, sức hút của người luôn tâm niệm mình “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”. Là nhà cầm quân đại tài, nhưng quan trọng hơn, “trái tim anh Văn” như lời gọi của thượng tướng Hoàng Minh Thảo mới là điều lớn nhất để nhân dân mãi tin, mãi đi theo. Thậm chí, cho đến khi giờ viếng kết thúc (6 giờ chiều), ước tính cả ngàn người vẫn còn đứng đó chưa muốn rời xa ông, dù chỉ trong tâm tưởng. “Như vào viếng Bác vậy. Bác Giáp như là Bác Hồ thứ hai”, một người tới viếng - bà Nguyễn Phước Tịnh Tâm nói.
Và, trong buổi chiều nắng thì vàng mà lòng thì se sắt, tất cả như dừng lại ở những năm rất xưa, khi bỗng nhiên, bên cạnh hàng dài người đứng dưới nắng hanh, bên cạnh những chiếc xe đạp bán nước với giá gấp ba, một bàn nước miễn phí được mang đến. “Ai khát có thể uống thoải mái”, bà Ngô Hải Yến, chủ cửa hàng trên phố Điện Biên Phủ, nói. Trên bình tờ giấy in “nước miễn phí” còn chưa khô hồ.
Rồi vài bữa nữa, hai ngày quốc tang cho Đại tướng của lòng dân sẽ đến. Thời gian ấy có lẽ chỉ đủ để những đoàn khách ngoại giao, nhà nước đi và đến rất nhanh. Nhưng nhân dân đã về đây, ngay khi có thể, để được tự mình dâng lên ông lòng tôn kính không tì vết, lòng tôn kính họ đã trao truyền rất lâu - qua nhiều thế hệ. Còn ông - chưa từng bao giờ phản bội lòng tin của nhân dân ấy - cho đến phút tử biệt.
Gia đình Đại tướng dù đau buồn, vẫn điềm tĩnh đáp lễ nhân dân tới viếng. Hẳn họ hiểu hơn ai hết, hơn cả của gia đình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuộc về nhân dân.
Nhiều người đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại quê nhà Hôm qua 6.10, dòng người đến nhà lưu niệm tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, H.Lệ Thủy (Quảng Bình) để thắp hương viếng Đại tướng tiếp tục đông. Đặc biệt, rất nhiều học sinh phổ thông các trường trên địa bàn đã chủ động đến viếng. Ngoài ra, còn có rất nhiều người dân khắp các nơi trong huyện, tỉnh và các tỉnh thành khác; có nhiều người từng may mắn được gặp cố Đại tướng mấy chục năm về trước. Đến viếng, họ mang theo những hình ảnh, kỷ vật đã lưu giữ như vợ chồng ông bà Dương Công Toán và Bùi Thị Dậu ở xã Tân Thủy (H.Lệ Thủy) hay cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoành (ở P.Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới). Trước đó, ngay từ sáng 5.10, khi nghe tin Đại tướng từ trần, bà con nhân dân gần xa đã đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng tại An Xá, Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình) và thắp hương lên bàn thờ viếng vọng. Tại Lệ Thủy, có 2 bàn thờ được lập, 1 ở nhà lưu niệm và 1 ở trung tâm văn hóa huyện. Trương Quang Nam |
Trinh Nguyễn
>> Vĩnh biệt người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp
>> Tổ chức 2 ngày quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Thế giới với Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Năm tháng và cuộc đời
>> Cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
>> Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần
>> Võ Nguyên Giáp: Vị tướng tài chào đời mùa nước lũ
>> Đại tướng Võ Nguyên Giáp và chiến dịch Điện Biên
Bình luận (0)