Đắk Lắk: Kiến nghị điều tra dấu hiệu sai phạm tại Công ty 470

28/07/2022 16:23 GMT+7

Viện KSND tỉnh Đắk Lắk vừa gửi tài liệu và kiến nghị đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát Quân sự T.Ư về xác minh dấu hiệu tội phạm liên quan Công ty 470.

Dùng cùng 1 hóa đơn thế chấp cho 2 - 3 ngân hàng để vay tiền

Ngày 28.7, một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Lắk xác nhận đơn vị đã có văn bản kiến nghị gửi Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư về việc tiếp nhận xác minh, giải quyết vụ việc có dấu hiệu tội phạm liên quan đến Công ty TNHH MTV 470 (Công ty 470) và một số cá nhân.

Theo Viện KSND Đắk Lắk, thông qua công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án kinh doanh thương mại về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần thương mại Đức Dũng (Công ty Đức Dũng, trụ sở Đắk Lắk) và bị đơn là Công ty 470, đơn vị nhận thấy có dấu hiệu của tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Cụ thể, ngày 22.10.2018, Công ty 470 ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Đắk Lắk (MB Đắk Lắk) để vay số tiền 5,8 tỉ đồng, mục đích để thực hiện một gói thầu tại đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn theo hình thức hợp đồng BOT.

Công ty 470 cung cấp cho Ngân hàng MB Đắk Lắk hợp đồng mua bán hàng hóa xi măng, sắt thép giữa Công ty 470 và Công ty Đức Dũng (1.000 tấn thép, 3.500 tấn xi măng) trị giá hơn 20 tỉ đồng. Để được Ngân hàng MB giải ngân tiền vay, Công ty Đức Dũng và Công ty 470 đã lập tổng cộng 4 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng số tiền hơn 4 tỉ đồng.

Tiếp đó, từ tháng 1 - 4.2019, Công ty 470 ký 6 hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam - chi nhánh Đắk Lắk (BIDV Đắk Lắk), vay tổng số tiền hơn 4,6 tỉ đồng và cung cấp cho ngân hàng này 2 hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Đức Dũng có tổng giá trị hơn 5,5 tỉ đồng. Để ngân hàng giải ngân tiền vay, Công ty 470 đã cung cấp cho BIDV Đắk Lắk 17 hóa đơn và biên bản đối chiếu công nợ.

Ngoài ra, ngày 1.3.2019 và ngày 30.5.2019, Công ty 470 ký giấy nhận nợ với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk (Vietinbank Đắk Lắk) với tổng số tiền hơn 2,4 tỉ đồng. Để Vietinbank Đắk Lắk giải ngân tiền vay, Công ty 470 cũng cung cấp cho ngân hàng này các hóa đơn giá trị gia tăng, hợp đồng mua bán hàng hóa với Công ty Đức Dũng.

Trong quá trình kiểm tra, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nhận thấy có 2 hóa đơn được Công ty 470 cung cấp cho cả 2 ngân hàng là MB và BIDV để vay tiền, 1 hóa đơn cung cấp cùng lúc cho 3 ngân hàng là MB, BIDV và Vietinbank để vay tiền.

Căn cứ vào hợp đồng tín dụng đã ký kết và hợp đồng mua bán hàng hóa, cùng các hóa đơn giá trị gia tăng mà Công ty 470 cung cấp, trong thời gian từ tháng 1 - 5.2019, 3 ngân hàng trên đã chuyển tổng số tiền 12,9 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Đức Dũng.

Vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Các hồ sơ cũng thể hiện, từ tháng 12.2018 đến tháng 5.2019, Công ty Đức Dũng 21 lần giao xi măng, thép cho Công ty 470 với tổng giá trị sau thuế gần 3 tỉ đồng. Công ty 470 đã nhiều lần chuyển tiền cho Công ty Đức Dũng với số tiền lớn hơn rất nhiều lần so với giá trị hàng. Tuy nhiên, ngay lập tức, Công ty Đức Dũng không sử dụng số tiền nhận được để trừ vào tiền hàng mà lấy lý do không có hàng hoặc Công ty 470 không nhận hàng để làm thủ tục hủy hóa đơn và trả lại tiền cho Công ty 470 với tổng số tiền hơn 10,4 tỉ đồng.

Viện KSND Đắk Lắk đánh giá, sau khi nhận lại số tiền hơn 10,4 tỉ đồng nói trên, Công ty 470 không sử dụng vào việc mua ximăng, sắt thép để thi công công trình theo hợp đồng tín dụng đã ký kết, không trả cho ngân hàng mà sử dụng vào các mục đích khác, dẫn đến nay không trả được toàn bộ số tiền gốc và lãi cho ngân hàng MB và BIDV dù đã quá hạn trả nợ 3 năm tính từ ngày nợ đến hạn trả.

Bên cạnh đó, theo biên bản làm việc với Công ty 470, công ty này không mua vật tư, vật liệu của Công ty Đức Dũng để thi công công trình cao tốc ở tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn.

Từ những phân tích trên, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk nhận định ông Nguyễn Hữu Tuấn, nguyên Giám đốc Công ty 470 và bà Hoàng Diệu Thu, Giám đốc Công ty Đức Dũng, cùng một số cá nhân liên quan lập hợp đồng, hóa đơn, chứng từ khống về việc mua xi măng, sắt thép để rút số tiền hơn 12,9 tỉ đồng. Số tiền trên chỉ được sử dụng một phần nhỏ vào việc mua ximăng, sắt thép, còn lại đem đi sử dụng vào các mục đích khác, đến nay không trả được cho ngân hàng, gây thiệt hại đặc biệt lớn, đã có dấu hiệu của tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Theo Viện KSND Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Xây dựng 470 là doanh nghiệp thuộc Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Binh đoàn 12 - Bộ Quốc phòng). Vì vậy, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk chuyển tài liệu có liên quan đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát Quân sự T.Ư để xem xét thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.