Coi lực lượng bảo vệ rừng như “vô hình”
Từ giữa tháng 3 đến nay, người dân địa phương ồ ạt kéo đến lâm phần của Công ty CP Tập đoàn Tân Mai chi nhánh Đắk Lắk (gọi tắt Công ty Tân Mai Đắk Lắk) tại xã Đắk Phơi, H.Lắk, để chặt phá cây rừng, chiếm đất sản xuất.
Một khoảnh rừng ở tiểu khu 1392 bị phá trụi |
hoàng bình |
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên vào ngày 15.4, nhiều quả đồi, khoảnh rừng ở tiểu khu 1392 thuộc lâm phần của Công ty Tân Mai Đắk Lắk tại xã Đắk Phơi bị “cạo trọc” nham nhở. Từng nhóm người địa phương ngang nhiên chặt cây, châm lửa đốt trụi những vạt rừng mà họ vừa phá. Nhiều đụn khói cay nồng bốc lên trên các khu đất rừng trơ gốc cây, khô cằn.
Tại hiện trường, chúng tôi gặp một tổ 5 nhân viên quản lý bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai Đắk Lắk đến kiểm tra, ngăn chặn phá rừng. Thế nhưng, nhóm người xâm phạm rừng vẫn tiếp tục công việc chặt, thu dọn cây rào rào như không có mặt những nhân viên bảo vệ rừng này.
Cây rừng bị người dân chặt phá, đốt bỏ để lấy đất |
hoàng bình |
Nhóm bảo vệ rừng của Công ty Tân Mai Đắk Lắk cho biết họ chủ yếu đi tuyên truyền, nhắc nhở bà con không được phá rừng, xâm chiếm đất của công ty. “Nhiều lần anh em trong đội bị người dân đuổi đánh vì ngăn cản phá rừng. Thậm chí, khi chúng tôi thực hiện trồng rừng trên đất của công ty cũng bị vây đánh. Giờ nói nặng bà con không nghe, lại dễ xảy ra xung đột nên anh em chúng tôi chỉ tuyên truyền, kiểm tra hiện trạng rừng để báo cáo cấp trên và nhờ chính quyền địa phương hỗ trợ xử lý”, một thành viên nhóm bảo vệ rừng nói.
Một người phụ nữ khoảng 40 tuổi đang chặt cây rừng trên lâm phần của Công ty Tân Mai Đắk Lắk, phân bua: “Biết là đất rừng nhưng không làm thì không có ăn. Giờ tôi phát dọn để mai mốt có mưa thì tỉa lúa, tỉa bắp. Đất của ông bà để lại cho thì tôi làm”. Người này cũng ngăn PV chụp ảnh cảnh phá rừng.
Nhân viên bảo vệ rừng của doanh nghiệp bất lực nhìn quả đồi bị phá trụi |
hoàng bình |
10 năm chỉ giữ được vài chục ha rừng trồng
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Tân Mai Đắk Lắk, cho biết từ năm 2009, công ty được giao hơn 1.300 ha đất lâm nghiệp tại xã Đắk Phơi để thực hiện dự án trồng rừng. Năm 2012, công ty trồng gần 200 ha keo nhưng phần lớn đã bị người dân chặt phá, hiện chỉ còn hơn 21 ha. Từ tháng 3.2022 đến nay, người dân đã chặt hạ cây, lấn chiếm gần 64 ha đất rừng tại 2 tiểu khu 1391 và 1392. Tính đến nay, người dân địa phương đã lấn chiếm khoảng 360 ha đất lâm nghiệp được giao công ty quản lý.
“Từ năm 2019 - 2021, công ty nhiều lần triển khai trồng rừng nhưng bị người dân ngăn cản, chống đối. Thậm chí, lán trại của công ty cũng bị người dân kéo đến tháo dỡ, hàng chục ngàn cây giống vừa tập kết đã bị ném, phá hư hỏng, gây khó khăn cho công ty”, ông Tuấn thông tin.
Bên cạnh khoảnh rừng vừa đốt phá là rẫy cà phê trồng trên đất rừng từ năm trước |
hoàng bình |
Theo ông Tuấn, người dân phá rừng nhằm mục đích chiếm đất để canh tác. Họ thường đi theo từng nhóm từ 15 - 20 người nên lực lượng bảo vệ rừng ít người của công ty không thể ngăn cản. “Chúng tôi đã nhờ lực lượng công an hỗ trợ, xử lý nhưng khi thấy công an, những người phá rừng bỏ đi khỏi hiện trường”, ông Tuấn nói.
Lãnh đạo Công ty Tân Mai Đắk Lắk cho biết giữa tháng 3, đơn vị đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan về tình hình phá rừng và đề nghị lực lượng chức năng phối hợp, hỗ trợ công ty thu hồi diện tích bị xâm chiếm nhằm thực hiện dự án.
Doanh nghiệp gặp khó trong việc bảo vệ diện tích rừng được giao ở xã Đắk Phơi, H.Lắk |
hoàng bình |
Theo ghi nhận, ngoài việc phá rừng trên lâm phần của Công ty Tân Mai Đắk Lắk, nhiều người dân cũng đốn hạ, đốt trụi nhiều khoảnh rừng tại tiểu khu 1400 do UBND xã Đắk Phơi quản lý. Bà H’Binh Liêng, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Phơi, cho biết từ đầu tháng 3 đến nay, người dân trên địa bàn xã đã đốt phá, lấn chiếm hơn 10 ha rừng tại tiểu khu 1400 để làm rẫy.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nay Y Phú, Chủ tịch UBND H.Lắk (Đắk Lắk), cho biết lực lượng chức năng của huyện đang tập trung làm rõ để xử lý các vụ phá rừng xảy ra tại lâm phần của Công ty Tân Mai Đắk Lắk trên địa bàn xã Đắk Phơi. Đối với thông tin người dân thiếu đất sản xuất nên phải phá rừng để canh tác, ông Phú cho biết huyện đang xác minh lại để có đánh giá đầy đủ, đưa ra hướng giải quyết phù hợp, đúng quy định. "Hiện chúng tôi đang kiểm tra, xác minh tình hình thực tế liên quan đến phá rừng tại xã Đắk Phơi, khi nào có thông tin chính xác, huyện sẽ trao đổi lại", ông Phú nói.
Bình luận (0)