Đảm bảo cạnh tranh khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu

22/09/2023 06:26 GMT+7

Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án 2 Nghị quyết về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư ngoài thuế để xem xét và thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 10.2023. VN sớm áp dụng càng có lợi hơn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Lo ảnh hưởng đến thu hút vốn FDI

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho biết có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào VN chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) 15% nếu chính sách này được áp dụng từ năm 2024. Theo đó, nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế TTTC từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ đang đầu tư tại VN sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính trên 14.600 tỉ đồng. 

Trong đó, Hàn Quốc có 18 tập đoàn đầu tư tại VN, ước tính số thuế chênh lệch phải nộp ở Hàn Quốc năm 2024 là hơn 10.700 tỉ đồng. Hay 36 tập đoàn đa quốc gia Nhật Bản đầu tư tại VN thì số thuế chênh lệch phải nộp ở Nhật Bản năm 2024 hơn 250 tỉ đồng… 

Tổng cộng, nếu VN không áp dụng thuế TTTC từ năm 2024 mà các nước khác áp dụng, phần thuế chênh lệch ước trên 14.600 tỉ đồng sẽ được nộp về quốc gia có công ty mẹ. Chính vì vậy, các chuyên gia đều cho rằng VN phải sớm ban hành quy định để thực hiện áp dụng chính sách này như các nước.

Cần có các chính sách hỗ trợ đầu tư sau khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%

BÌNH NGUYÊN

Trong báo cáo xin ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, Bộ KH-ĐT cho rằng việc áp dụng thuế TTTC sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi đó, mục tiêu thu hút vốn FDI của VN sẽ gặp thách thức rất lớn. Bên cạnh đó, việc mở rộng đầu tư của các dự án hiện hữu cũng có nguy cơ giảm sút. Nguyên nhân do rất nhiều dự án quy mô lớn đang thuộc ngành công nghệ cao, ngành ưu đãi đầu tư với mức thuế suất thấp hơn 15%. Nếu áp dụng mức thuế TTTC 15%, thì những lợi ích mang lại từ chính sách ưu đãi thuế mà các công ty được hưởng tại VN sẽ không còn nữa, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của thị trường VN trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, luật Đầu tư nước ngoài của VN luôn nhất quán nguyên tắc bất hồi tố đối với các ưu đãi đầu tư đã được cấp, hoặc đã cam kết với nhà đầu tư khi bắt đầu triển khai dự án tại VN. Do đó nếu không có các giải pháp, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới thì sẽ xung đột với nguyên tắc bất hồi tố nêu trên. Qua đó, ảnh hưởng đến mức độ "thiện chí đồng hành" của VN với cộng đồng nhà đầu tư, dễ bị gắn với hình ảnh "đem con bỏ chợ".

VN đang có một số lợi thế thu hút vốn FDI, áp dụng thuế TTTC sớm cũng là cơ hội tốt, vừa làm vừa học hỏi, bởi đây là một trong yếu tố cạnh tranh giữa các nước trong thu hút vốn FDI. Mặt tích cực của chính sách này có thể giảm thiểu được nạn chuyển giá.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính

TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Rajah & Tann LCT, cho rằng việc áp dụng thuế TTTC có thể mở ra khả năng tăng thu ngân sách trong trường hợp Nhà nước truy thu thuế từ các doanh nghiệp, tập đoàn của VN đầu tư ra nước ngoài, và khả năng tăng thuế đối với các doanh nghiệp trong nước (bao gồm cả doanh nghiệp FDI) để bảo đảm thuế áp dụng không thấp hơn mức tối thiểu 15%. Nhưng ở một khía cạnh khác, rủi ro có thể làm giảm sự hấp dẫn của VN trong hoạt động thu hút vốn FDI, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao. VN hiện là nước chủ yếu tiếp nhận vốn FDI từ các nước phát triển, hơn là việc nhà đầu tư VN đi đầu tư sang các quốc gia khác. Khi VN áp dụng chính sách thuế TTTC, các doanh nghiệp FDI lớn có thể phải cân nhắc lại khi đầu tư vào VN, do họ có khả năng bị truy thu thuế ở nước sở tại của họ hoặc do phía VN phải tăng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Do vậy, để phát triển bền vững và tăng cường thu hút vốn FDI, VN cần phải bắt tay ngay vào việc xây dựng chiến lược thu hút đầu tư ở những lĩnh vực ngoài ưu đãi thuế suất. Ví dụ như thu hút đầu tư nhờ vào chi phí lao động thấp, chi phí sản xuất kinh doanh thấp, xây dựng chuỗi cung ứng ngành nghề phục vụ cho sản xuất, thủ tục hải quan thông thoáng…

Hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp công nghệ cao

Bộ KH-ĐT đề xuất áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư, áp dụng với những doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao quy mô vốn trên 12.000 tỉ đồng hoặc doanh thu trên 20.000 tỉ đồng/năm, doanh nghiệp đầu tư dự án trung tâm nghiên cứu và phát triển có quy mô vốn trên 3.000 tỉ đồng. Theo đó, sẽ thí điểm hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Các khoản hỗ trợ này sẽ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền trích từ ngân sách, như một số quốc gia trong khu vực đang áp dụng.

Từ ngày 1.1.2024, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng có hiệu lực. Đến nay, 142/142 nước thành viên của Diễn đàn hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS), trong đó có VN, đã đồng thuận áp dụng chính sách thuế TTTC. Tại ASEAN, một số nước đã có kế hoạch áp dụng quy định thuế TTTC từ năm 2024. Do đó, việc sớm áp dụng thuế này tại VN là cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của VN. Đồng thời, việc nghiên cứu, bổ sung các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh thực thi thuế TTTC là cần thiết nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại VN trong giai đoạn tới.

Theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, chính sách thuế TTTC mang tính cạnh tranh rất lớn trong thu hút vốn FDI thời gian tới theo hướng ngày càng khốc liệt hơn. VN đang chờ Quốc hội thông qua chính sách và bắt buộc phải làm sớm, vì nếu không sớm sẽ đánh mất cơ hội. Tất nhiên phải vừa làm vừa học hỏi, coi ngó các nước làm thế nào, thay đổi ra sao. Song chính sách cho dù là thí điểm cũng phải cố gắng bảo đảm khả năng cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư tại VN trong thời gian tới. Trong thực tế, các nước tuyên bố sẽ áp dụng từ đầu năm tới cũng đã đưa ra một số chính sách hỗ trợ nhà đầu tư bằng tiền, hỗ trợ trong đầu tư vào công nghệ cao, hỗ trợ đào tạo nhân sự, lao động…

"Đối với chính sách thí điểm ưu đãi bằng tiền như đề xuất của Bộ KH-ĐT trên từng dự án, cần được tính toán, cân nhắc và hợp lý hơn tại mỗi dự án. Khi thuế không còn được ưu đãi nữa thì chuyển sang ưu đãi bằng tiền cũng hợp lý. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nơi khởi xướng thuế TTTC áp dụng cho các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu từ 750 triệu euro/năm trở lên đều phải đóng thuế 15%, cũng không cấm ưu đãi bằng tiền. Tuy nhiên, việc đánh giá các yếu tố rủi ro thế nào cần được nhiều cơ quan quản lý xem xét kỹ. VN đang có một số lợi thế thu hút vốn FDI, áp dụng thuế TTTC sớm cũng là cơ hội tốt, vừa làm vừa học hỏi, bởi đây là một trong yếu tố cạnh tranh giữa các nước trong thu hút vốn FDI. Mặt tích cực của chính sách này có thể giảm thiểu được nạn chuyển giá", TS Nguyễn Đức Độ nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.