Bảo hiểm xã hội (BHXH) VN vừa có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH về việc đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động (NLĐ) tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền BHXH.
Theo thông tin mà Báo Thanh Niên đăng tải, sở dĩ có đề xuất trên là vì thời gian vừa qua, tình trạng một số doanh nghiệp (DN) phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh... nhưng chưa đóng đủ tiền BHXH, ảnh hưởng quyền lợi về chế độ BHXH của NLĐ. Trong khi đó, NLĐ tại các đơn vị này vẫn có nhu cầu được hưởng BHXH và tự nguyện đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng các chế độ... Đáng chú ý, theo BHXH VN, tính đến hết năm 2022, nợ BHXH tại các DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn là hơn 4.000 tỉ đồng, ảnh hưởng quyền lợi của gần 206.500 NLĐ.
"BỖNG DƯNG" BỊ MẤT QUYỀN LỢI
Theo ý kiến của nhiều bạn đọc (BĐ), đề xuất trên lẽ ra phải được đưa ra từ lâu bởi thực trạng DN nợ, chây ì, trốn đóng, chậm đóng BHXH... làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ không chỉ mới được nêu ra trong thời gian gần đây, mà đã xuất hiện và được phản ánh từ nhiều năm trước.
"Quyền lợi bị ảnh hưởng dễ thấy nhất do việc DN chậm đóng BHXH cho NLĐ là "tuổi lãnh lương hưu" theo quy định pháp luật. Đây là vấn đề "nóng" đang được rất nhiều NLĐ quan tâm. Bởi có nhiều trường hợp, NLĐ làm việc từ đủ cho đến trên 20 năm (và tưởng rằng, đã được DN đóng BHXH) nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ, trong quá trình làm việc xuyên suốt ấy, có DN sử dụng lao động đã không đóng đủ BHXH cho họ. Do hệ lụy này mà nhiều NLĐ, vốn xem tiền lương là nguồn thu nhập chính; BHXH là nguồn đảm bảo cho đời sống sau khi nghỉ hưu bị thiệt thòi rất nhiều. Do vậy, Bộ LĐ-TB-XH cần sớm có hướng dẫn và trả lời sớm nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ", BĐ Minh Quyền kiến nghị.
BĐ Le Thuy phân tích: "Thực tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên quy mô toàn cầu nói chung, VN nói riêng trong những năm qua, nhiều người sử dụng lao động, DN rơi vào thế khó khăn, thậm chí phá sản, hoặc tệ hơn là "biến mất"… nhưng chưa đóng đủ tiền BHXH cho NLĐ. Điều này là khó khăn chung, nhưng thử đặt mình vào hoàn cảnh của NLĐ cũng phải thấy rằng, họ chính là những đối tượng "yếu thế", dễ tổn thương và ảnh hưởng đến cuộc sống hơn cả. Huống hồ, chậm đóng BHXH không phải là lỗi của họ, mà thuộc về đơn vị sử dụng lao động…".
CẦN XEM XÉT TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
Đồng tình với ý kiến nêu trên, nhiều BĐ cho rằng, trong tình huống hơn 200.000 NLĐ (theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH - PV) bị ảnh hưởng quyền lợi chính đáng do rơi vào tình huống "éo le" vì các DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn… nợ BHXH, thì NLĐ chính là nạn nhân. Từ việc lẽ ra họ phải được hưởng các chính sách về BHXH, giờ đây hàng trăm ngàn lao động phải rơi vào tình trạng "dở khóc, dở cười" mà lỗi không thuộc về họ. "Các đề xuất nêu trên của BHXH VN thực ra là giải quyết tình huống, nhưng cần phải được xem xét một cách thấu đáo nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho NLĐ", BĐ Phạm Thông nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, BĐ cũng cho rằng, vấn đề xử lý đối với những công ty, DN nợ BHXH, đến lúc phải cần được quy định về trách nhiệm hình sự - nhất là đối với những DN cố tình chây ì, không đóng, trốn đóng BHXH đối với NLĐ.
BĐ Xuân Cường cho rằng: "Cơ quan BHXH cũng cần phát huy vai trò giám sát, cảnh báo ngay những trường hợp DN chậm đóng BHXH để quyền lợi của NLĐ được đảm bảo sớm ngày nào, tốt ngày đó. Đừng để xảy ra tình trạng một thời gian quá dài, DN không đóng BHXH cho NLĐ rồi mới lên tiếng. Cơ quan BHXH cảnh báo sớm đồng thời phối hợp các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng chính là tránh phải rơi vào cảnh phải giải quyết hệ lụy lâu dài".
* Vẫn còn rất nhiều DN đang hoạt động không đóng hoặc nợ BHXH. Nếu chỉ NLĐ đứng ra để lên tiếng thôi thì chưa đủ "sức ép" mà cần sự sâu sát, vào cuộc của tổ chức công đoàn, liên đoàn lao động nơi mà DN đăng ký hoạt động.
Nguyen Truc Linh
* "Bỗng dưng" bị ảnh hưởng như hoàn cảnh của hơn 200.000 NLĐ là quá bất hợp lý. Pháp luật liên quan đến lao động cũng như cơ quan quản lý có lẽ cần một thời gian để hoàn thiện các quy định nhằm giảm thiểu tình trạng DN nợ, trốn đóng, chậm đóng BHXH khiến NLĐ bị ảnh hưởng quyền lợi. Trong thời gian đó, cần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, vì đó còn là hành xử nhân văn với NLĐ.
Nguyễn Văn Can
* Phải có "án điểm" rồi dần hình thành "án lệ" đối với DN trốn đóng, chậm đóng BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của NLĐ. Phải chăng chưa có vụ án nào liên quan vấn đề này bị khởi tố hình sự, nên chủ DN chưa thấy sợ?
Nguyen Phuong Van
Bình luận (0)