Nếu Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến với đào Nhật Tân, quất Quảng Bá, cốm làng Vòng… thì hồng xiêm Xuân Đỉnh cũng là niềm tự hào, là đặc sản quý của vùng đất ven đô.
"Về thăm Xuân Đỉnh quê em
Vào vườn ăn trái hồng xiêm thỏa lòng".
Từ nội thành, đi đường Thụy Khê tới chợ Bưởi, sau đó rẽ trái theo đường Lạc Long Quân khoảng 3km lại rẽ trái tới Xuân La rồi tới xã Xuân Đỉnh.
Quả hồng xiêm Xuân Đỉnh không to lắm, có hình giống quả trám, dáng thon gọn đều, vỏ màu vàng đất rất mỏng. Chính vì vỏ mỏng nhưng bao bọc bên trong những thớ hồng xiêm căng mọng, mịn màng, khi ăn không gây cảm giác rát lưỡi hay lạo xạo như các loại hồng xiêm khác nên hồng xiêm Xuân Đỉnh từ lâu đã trở thành đặc sản quý của người thủ đô.
Không ai thống kê được cả xã Xuân Đỉnh có bao nhiêu cây hồng, nhưng hầu như nhà nào cũng trồng hồng. Một năm hồng có hai vụ: vụ mùa và vụ chiêm. Vụ mùa bắt đầu vào khoảng tháng 10 âm lịch kéo dài đến tháng 4 âm lịch năm sau. Còn vụ chiêm bắt đầu từ tháng 5 âm lịch đến tháng 9. Vào vụ mùa hồng sai trĩu cành, quả to. Vụ chiêm hồng ra ít hơn, quả tuy nhỏ nhưng lại có vị ngọt đậm đà và hương thơm tinh tế hơn so với hồng vụ mùa.
Cùng với truyền thống trồng hồng xiêm, người dân Xuân Đỉnh cũng có cách dấm (dú) hồng xiêm rất khéo. Để có một mẻ hồng chín đều, ngọt, thơm và trông đẹp mắt, người trồng phải mất khá nhiều công sức. Khi trảy hồng phải biết cách chọn những quả già, tròn đều, khỏe mạnh, vỏ nhẵn bóng và có màu hơi đỏ hồng.
Sau khi trảy đem ngâm hồng trong nước khoảng 15 phút cho sạch hết phấn hồng rồi rửa sạch. Lau rửa hồng phải chọn loại vải hoặc miếng mút thật mềm, lau đều tay tránh để vỏ hồng bị xước. Hồng sau khi rửa sạch đem phơi chỗ nắng ráo mới mang vào dấm. Sau khi xếp hồng vào chum hoặc vại người dân nơi đây thường đốt một bó nhang, bẻ gãy cho vào cái bát, đặt trong chum rồi đậy kín lại, tránh mở đi mở lại.
Đó là cách dấm vào mùa hè. Mùa xuân trời lạnh phải dấm hồng trong các thúng, tre lót lá, vải khô xung quanh có đốt hương trầm, phủ kín bằng lớp vải dày cho ấm. Sau ba hôm hồng sẽ chín đều và có mùi thơm rất riêng.
Cũng giống như chợ hoa Nhật Tân, Xuân Đỉnh cũng có chợ hồng xiêm. Chợ nhộn nhịp nhất là từ 4-7g sáng. Cứ vào mùa thu hoạch những gánh hồng theo nhịp trên vai người nông dân quẩy lên những chuyến xe xuôi về các tỉnh thành trong cả nước.
Gắn bó và yêu mến thứ đặc sản của địa phương mình, những người con của Xuân Đỉnh đang tìm cách giúp trái hồng xiêm quê hương mình xuất hiện ở nhiều nơi, và mở rộng giống cây trồng sang các địa phương khác. Họ sẵn sàng bán giống và chia sẻ kinh nghiệm cho bất cứ ai muốn học hỏi cách trồng và chăm sóc giống hồng xiêm Xuân Đỉnh.
Khách thập phương ghé qua đây không ai không chọn hồng xiêm Xuân Đỉnh về làm quà cho người thân, và những người Hà Nội khi đi xa cũng tranh thủ chút thời gian về Xuân Đỉnh kiếm vài ký hồng xiêm làm quà.
Khoác chiếc balô trên vai, bên trong chứa đầy những trái hồng xiêm đang độ chín mang về, tôi tạm biệt Xuân Đỉnh khi chiều đã dần tà mà lòng vẫn vương vấn vị ngọt mát của những trái hồng xiêm căng tròn.
Tương truyền cây hồng xiêm tổ được cụ Đỗ Đình Duyên (người làng Xuân Đỉnh) cất công mang từ Thái Lan về trồng. Sau vài năm, cây bói quả, ăn ngọt và thơm nên cụ Duyên chiết ra trồng khắp vườn nhà. Bà con hàng xóm thấy lạ xin giống mang về trồng. Từ đó, cây hồng xiêm gốc từ vườn nhà cụ Duyên nhân rộng trong toàn xã. Tính đến nay, cây hồng xiêm tổ đã trải qua hơn một thế kỷ.
Những năm gần đây do đô thị hóa, diện tích đất trồng hồng xiêm Xuân Đỉnh bị thu hẹp, cùng sự xuất hiện hàng loạt hoa quả, hồng xiêm không còn giữ vị trí độc tôn như xưa. Tuy nhiên vẫn có những hộ gia đình còn tâm huyết gắn bó với cây hồng xiêm, còn giữ được những vườn hồng nguyên vẹn, vừa để thu quả, vừa lấy bóng mát và dường như ý nghĩa hơn đó là tình cảm gắn bó, gần gũi, thủy chung với trái hồng xiêm quê nhà. Từ thập kỷ 1970 của thế kỷ trước, rất nhiều người dân thành phố và các tỉnh lân cận đã đổ về đây mua cây hồng xiêm giống, vì vậy hồng xiêm Xuân Đỉnh đã được nhân rộng giống ra các địa phương khác, tuy nhiên dù được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nhưng khi trồng tại những nơi khác thì hồng không cho quả thơm và ngon như hồng được trồng trên chính mảnh đất Xuân Đỉnh. Có lẽ trời đất đã có phần ưu ái cho người dân nơi đây? |
Theo P.T.T./Tuổi Trẻ
Bình luận (0)