Tại chốt chống dịch Covid-19 Big C trên QL1 (thuộc Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ), lúc 17 giờ 30, trời kéo mây đen, gió mạnh rồi mưa trút nước tầm tã. Các thanh niên tình nguyện bất chấp mưa gió bủa vây, mỗi người một tay gia cố mái bạt, đứng giữ chân lều, di chuyển vật dụng trong khu hậu cần lên nơi khô ráo.
Dầm mưa 2 - 3 tiếng là bình thường
|
Chốt kiểm dịch đã duy trì hơn 1 tháng nay. Nhiều ngày qua mưa to bất chợt, đội đã chủ động dự trù kịch bản ứng phó để làm nhiệm vụ. “Trời mưa thì các thành viên phối hợp, người cầm dù che chắn, người ghi nhận thông tin khai báo y tế”, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, đoàn viên xã Nhơn Ái, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ, cho biết.
30 phút sau, mưa trắng xóa nhưng ô tô vẫn nối nhau đổ về. Một số thanh niên tình nguyện vội lấy nón lá che tạm rồi ra ngoài hỗ trợ đồng đội. Mái tóc ướt rượt nhiễu xuống thành giọt, Phạm Thanh Tú (Trường ĐH Nam Cần Thơ) nói: “Hơn 1 tuần nay, việc dầm mưa 2 - 3 tiếng mỗi ca trực là chuyện bình thường. Có đêm mải miết làm việc, cơn lạnh gợn lên mới cảm giác là mình không còn chỗ nào để ướt thêm được nữa. Nhưng công việc thì không thể trì trệ nên cứ để mặc chờ gió hong khô”.
Hơn 20 giờ, mưa chưa tạnh nhưng còn rỉ rả. Ba dãy ô tô nối dài hàng chục mét. Các thanh niên tình nguyện lọt thỏm giữa khoảng cách 2 hàng xe. Sau màn kính chống giọt bắn đọng li ti nước và chiếc khẩu trang ướt đẫm chưa kịp thay, Nguyễn Thị Ngọc Yến (Trường ĐH Tây Đô) chia sẻ: “Khi mưa, tốc độ làm việc chậm hơn bình thường. Mọi người phải cập nhật, ghi âm thông tin vào điện thoại. Khoảng 10 trường hợp thì vào lều chép lại trong mẫu khai báo y tế. Công việc vất vả và tốn thời gian”.
Sợ gì khó khăn, thử thách
Phan Quốc Việt (đoàn viên P.An Cư, Q.Ninh Kiều), cho biết khi TP.Cần Thơ áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16, lưu lượng xe qua lại giảm, nhưng khối lượng công việc nhiều hơn.
“Ngoài việc lấy thông tin khai báo y tế, nhập liệu, hướng dẫn cài đặt ứng dụng Bluezone như trước, thì nay còn đảm nhận những nhiệm vụ mới như kiểm tra bản cam kết, giấy xét nghiệm âm tính Covid-19, theo dõi liên tục thông báo của Bộ Y tế để phân luồng dịch tễ...”, Việt nói và chia sẻ thêm anh đã có mặt từ ngày thành lập chốt hồi đầu tháng 5.
|
Sau cơn mưa, tại căn lều hậu cần, nước ngập đến cổ chân. Mười đầu ngón tay teo hóp còn hơi run vì lạnh, Bùi Thị Cẩm Liên (Trường ĐH Cần Thơ) cố gắng ghi rành mạch từng cột họ tên, địa chỉ, số điện thoại, lịch trình di chuyển... vào mẫu giấy khai báo y tế mới gửi cho lực lượng chức năng. Liên cho biết đây là ngày đầu tiên tham gia hỗ trợ chốt.
Theo Khưu Kim Hoàng (Trường ĐH Cần Thơ), vấn đề trở ngại khác là tâm lý nóng vội của người đi đường. Hoàng kể, đã có nhiều người quát tháo với những lời lẽ khiếm nhã, có tài xế còn trút giận bằng cách cố ý rồ ga khiến một thanh niên tình nguyện bị thương...
Hoàng chia sẻ: “Chúng tôi luôn giữ thái độ lễ phép, hòa nhã khi vấn đáp mọi người. Tuy cảm thông với sự nôn nóng, đôn đốc của các tài xế nhưng phòng, chống dịch Covid-19 là việc cực kỳ quan trọng nên không thể “đốt cháy giai đoạn”. Bất kỳ tình huống nào cũng phải dựa theo quy trình, giấy tờ hẳn hoi để đưa ra quyết định xác đáng. Những trường hợp vượt ngoài khả năng xử lý thì chúng tôi luôn được lực lượng chức năng tận tình, sát cánh hỗ trợ”.
Bình luận (0)