Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) vừa cập nhật thông tin trên và cho biết, tổng công suất của 6 nhà máy điện tái tạo nói trên chưa vận hành thương mại (COD) là 357,5 MW, chiếm tỷ lệ 7,6%. Đặc biệt, ngày 10.5 vừa qua, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho 2 nhà máy điện gió Nam Bình 1 và Viên An.
Tuy nhiên, mức giá cụ thể bao nhiêu chưa được tiết lộ.
Thống kê của Cục Điều tiết điện lực, số dự án điện gió chuyển tiếp hiện có 77 nhà máy/phần nhà máy điện gió, với tổng công suất 4.185,4 MW; 8 nhà máy/phần nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 506,66 MW.
Đến nay có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã nộp hồ sơ với tổng công suất chưa vận hành thương mại là 1.956,8 MW, chiếm tỷ lệ 37%. Trong đó, có 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý của dự án (tổng mức đầu tư dự án, hồ sơ tài chính, các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiến độ dự án, đất đai, thỏa thuận đấu nối, quy hoạch); và 5 dự án mới gửi hồ sơ, hiện đang được EVN rà soát.
Ngoài ra, theo Cục Điều tiết điện lực, có 16/31 nhà đầu tư đã đề xuất áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán.
Cụ thể, 10 nhà máy điện với tổng công suất chưa COD là 468,75 MW, chiếm tỷ lệ 10%, đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết thực hiện; 2 nhà máy điện tổng công suất chưa COD là 104,2 MW, chiếm tỷ lệ 2,2%, đề nghị mức giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết và thực hiện; 4 nhà máy điện với tổng công suất chưa COD là 410,5 MW, chiếm tỷ lệ 8,7%, đề nghị giá tạm tính theo 02 phương án như sau: Giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và đề nghị thực hiện hồi tố sau khi có giá điện chính thức. Phương án 2, giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.
Căn cứ theo hồ sơ nhà đầu tư gửi, Bộ Công thương (Cục Điều tiết điện lực) đã cấp phép cho 12/77 nhà máy điện gió chuyển tiếp và 01/8 nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp. Đối với 06 nhà máy điện đã thống nhất giá tạm thời, thông tin cho biết, mới có 03 nhà máy điện điện gió Nam Bình 1, Hưng Hải Gia Lai, Habaram là đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Theo quy định của luật Điện lực, dự án điện chỉ được đưa vào khai thác khi đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Tuy nhiên, với các số liệu trên, đến nay, chỉ có 13/85 nhà máy điện tái tạo, chiếm khoảng 15%, đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Bình luận (0)