Vụ bạo động đã xảy ra suốt đêm qua 12.9 ở thành phố Bengaluru, “thung lũng silicon” của Ấn Độ, khiến ít nhất một người thiệt mạng, sau khi Toà án tối cao của Ấn Độ ra phán quyết yêu cầu chính quyền bang Karnataka phải xả nước ở sông Cauvery cho bang láng giềng Tamil Nadu, nơi đang bị nạn hạn hán hoành hành.
Nông dân ở bang Karnataka không đồng tình với quyết định của toà, cho rằng bang Karnataka không đủ nước cho nông nghiệp nên không thể chia sẻ với bang láng giềng. Chưa rõ vụ đụng độ giữa người dân của 2 bang xuất phát từ bên nào, nhưng hàng ngàn người biểu tình phản đối đã kéo đến Bengaluru, thủ phủ của bang Karnataka. Hàng ngàn cảnh sát được huy động để trấn áp cuộc biểu tình nhưng đã trở thành nạn nhân của những người chống đối.
"Chúng tôi đã áp đặt lệnh giới nghiêm trong ba ngày từ sáng sớm hôm nay 13.9 ở phía tây bắc, tây nam, đông bắc và khu vực trung tâm của thành phố ( Bengaluru) để duy trì hòa bình và ngăn chặn những sự cố bạo động tiếp tục xảy ra trong tuần lễ có lễ hội (của người Hồi giáo)", NS Megharikh, Phó uỷ viên Bangalore Bắc nói với các phóng viên, theo AFP.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm nay cho biết vụ bạo động liên quan đến nguồn nước sông ở trung tâm công nghệ Bengaluru là chuyện “đáng buồn”, trong khi vụ tranh chấp nên được giải quyết bằng con đường hoà bình thay vì đánh nhau.
"Tình hình (bạo động) nổi lên giữa bang Karnataka và Tamil Nadu, nguyên nhân xuất phát từ vấn đề phân phối nước của sông Cauvery, thật đáng buồn. Tranh chấp chỉ có thể được giải quyết trong phạm vi pháp luật. Vi phạm pháp luật không phải là một giải pháp khả thi”, ông Modi nói trên Twitter, theo Reuters.
The Indian Express cho biết kể từ khi lệnh giới nghiêm được ban bố, căng thẳng đã giảm đáng kể so với ngày trước đó đầy cảnh hỗn loạn như đập phá cửa hàng, đốt xe tải, xe buýt và xe cảnh sát xảy ra trên nhiều đường phố của Bengaluru. Ở bang Tamil Nadu, tình hình cũng đáng lo ngại khi những người chống đối kéo đến các cơ sở làm ăn của người ở bang Karnataka để đập phá. Nhiều trường học phải đóng cửa vì bạo động. Cảnh sát bắt 200 người với tội danh gây rối.
Con sông Cauvery bắt nguồn từ bang Karnataka chảy vào bang Tamil Nadu là vấn đề tranh chấp giữa người dân 2 bang này từ nhiều thập niên qua. Chính quyền bang Karnataka cho biết sẽ kháng cáo phán quyết của Toà tối cao, yêu cầu giảm lượng nước xả của con sông.
Bình luận (0)