Đàn bà đi biển

01/11/2015 00:00 GMT+7

Đàn ông trai tráng đi biển đã cực, đàn bà đi biển lại càng cực hơn khi vật lộn với sóng gió mưu sinh. Thế nhưng, ngày ngày ở H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vẫn có hàng trăm phụ nữ cùng chồng đạp sóng trên những chiếc bè mảng mỏng manh lênh đênh giữa biển.

Đàn ông trai tráng đi biển đã cực, đàn bà đi biển lại càng cực hơn khi vật lộn với sóng gió mưu sinh. Thế nhưng, ngày ngày ở H.Hoằng Hóa (Thanh Hóa) vẫn có hàng trăm phụ nữ cùng chồng đạp sóng trên những chiếc bè mảng mỏng manh lênh đênh giữa biển.

Khi ánh mặt trời ló dạng cũng là lúc các chị cùng chồng thu mẻ lưới đầu tiênKhi ánh mặt trời ló dạng cũng là lúc các chị cùng chồng thu mẻ lưới đầu tiên
Sau vài lần lỡ hẹn do thời tiết xấu, cuối cùng chúng tôi cũng thu xếp được chuyến đi biển với chị em ngư dân Hoằng Hóa. Đúng hơn, các nữ ngư dân không để chúng tôi lên thuyền là vì “sợ mấy anh phóng viên không chịu được sóng gió”, chứ những hôm sóng to gió lớn, mưa gió kèm sương mù dày đặc các chị vẫn cùng chồng con vượt sóng ra khơi. Kể ra cái nghề đi biển cũng thật oái oăm, những hôm biển động, ngư dân thường trúng những mẻ lưới nặng trĩu hơn là những hôm trời yên, biển lặng. Được nhiều cá, tất nhiên cũng tỷ lệ thuận với những hiểm nguy thường trực mà chị em phải đối mặt trên biển…
Ra khơi trong đêm
Mới 2 giờ sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (35 tuổi, ngụ thôn Thanh Hải, xã Hoằng Thanh, H.Hoằng Hóa) và anh Nguyễn Đình Hùng (37 tuổi) đã thức giấc, lục đục chuẩn bị đồ nghề đi biển gồm: 3 vàng lưới, 1 can dầu chạy máy, 1 can nước uống và dăm củ khoai lang luộc từ tối hôm trước. Khi vợ chồng chị Hương ra đến bờ biển khoảng 3 giờ sáng, cũng là lúc dọc bãi biển thuộc các xã Hoằng Thanh và Hoằng Trường hàng trăm ngư dân đã tập trung chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ánh đèn pin loang loáng quét trên những con sóng bạc trắng ào ào đổ vào bờ cùng tiếng người gọi nhau, tiếng bước chân, tiếng máy nổ xua tan màn đêm đen.
Ở vùng ven biển Hoằng Hóa có hàng chục phụ nữ trên dưới 60 tuổi ngày ngày cùng chồng đạp sóng ra khơi đánh cá
Ở vùng ven biển Hoằng Hóa có hàng chục phụ nữ trên dưới 60 tuổi ngày ngày cùng chồng đạp sóng ra khơi đánh cá - Ảnh: Ngọc Minh
Sau khoảng 2 giờ cưỡi sóng, chiếc bè mảng dài chừng 6 m, rộng 1,5 m của vợ chồng chị Hương và hàng trăm chiếc bè mảng của ngư dân Hoằng Hóa đã có mặt ở khu vực phao số 0, cách đất liền khoảng 12 hải lý (1 hải lý tương đương 1,8 km) để thả lưới. Những chiếc bè mỏng manh được ghép từ thân luồng như những chiếc lá ẩn hiện theo từng đợt sóng nhấp nhô trên biển. Khi mặt trời như quả cầu lửa khổng lồ xé màn sương mù nhô lên từ phía đông cũng là lúc vợ chồng chị Hương và các ngư dân Hoằng Hóa thả xong lưới, cho bè quay lại phao tiêu đầu tiên để thu lưới. Đang là mùa đánh bắt cá khoai (một loại đặc sản dùng để nấu canh của người dân xứ Thanh) nên những hôm mù trời thế này, bà con ngư dân hy vọng sẽ trúng luồng cá lớn ngay mẻ lưới đầu tiên.
Ở Hoằng Hóa hiện có hàng chục cặp vợ chồng già trên dưới 60 tuổi vẫn ngày ngày ra biển đánh cá. Vất vả và nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác, cuộc sống của họ tự bao đời đã lệ thuộc hoàn toàn vào chiếc bè mảng với vài 3 vàng lưới.
Vừa khéo léo điều khiển chiếc bè chạy chầm chậm cho chồng kéo lưới, gỡ cá, chị Hương vừa kể về những nỗi vất vả phải trải qua của nghề đi biển. Theo chị, việc phụ nữ ở Hoằng Hóa đi biển mới xuất hiện dăm năm trở lại đây. Ban đầu cũng chỉ những chị em góa bụa đi biển vì trong nhà không có đàn ông, giờ thì ở các xã ven biển Hoằng Hóa có rất đông chị em cùng chồng con ra khơi. “Anh tính, đàn ông đi biển đã vất vả rồi, huống chi là cánh phụ nữ chúng em. Đàn bà con gái đa phần đều sợ sóng gió, đặc biệt những khi biển động. Có hôm, hàng loạt chị em bị say sóng, vật vã trên bè, khiến cánh đàn ông phải bỏ việc quay về đất liền, tránh những bất trắc có thể xảy đến. Nhưng nếu vì sợ sóng gió, để một mình chồng xoay xở vừa đánh lưới, vừa điều khiển bè thì cực lắm. Một mình một bè thì làm sao gỡ cá ngoài biển được nên phải thu lưới mang vào bờ gỡ cá, vừa vất vả, vừa tốn tiền dầu mỡ, tiền lời lãi nhặt nhạnh được vì vậy cũng chẳng được là bao nhiêu”, chị Hương nói.
Mẻ lưới đầu tiên vợ chồng chị Hương bắt được 100 con cá khoai, khoảng 3 kg cá tạp và khoảng 5 kg tôm tít, không nhiều như dự tính nhưng cũng “chẳng đến nỗi nào”. Cứ theo chị Hương nhẩm tính, hơn 100 con cá khoai bán ngay tại biển được khoảng 350.000 đồng, cộng với tiền bán cá tạp, tôm tít khoảng 150.000, mẻ lưới đầu tiên vợ chồng chị kiếm được nửa triệu bạc, đủ chi tiền dầu mỡ chạy máy, tiền công vá lưới và còn “ăn ra” được 200.000.
“Nghề đi biển phập phù lắm anh ạ. Có buổi kiếm được cả triệu bạc, nhưng cũng có khi 3 - 4 buổi liên tiếp chẳng kiếm được là bao, thậm chí còn không đủ tiền dầu. Đận này gia đình phải chi tiêu nhiều quá, tiền đóng góp đầu năm học cho 4 đứa con vừa rồi mất toi 14 - 15 triệu bạc, phải vay mượn bà con chòm xóm mới đủ. Giờ hai vợ chồng phải nai lưng đi biển vừa kiếm tiền đong gạo, vừa tích cóp để trả nợ, nên từ đầu tháng đến giờ vợ chồng em chỉ mới dám nghỉ một buổi đi biển vì sóng to, gió lớn...”, chị Hương kể.

Cũng là cực chẳng đã chị em mới phải ra khơi. Không đi biển lấy tiền đâu để đong gạo, nuôi con ăn học. Ngày trước cứ hôm nào biển động là em lại bị say sóng, nôn ra mật xanh mật vàng nhưng giờ thì quen rồi, chỉ sợ bè mảng bị lật, đồ nghề bị cuốn trôi, chứ sóng cấp mấy em cũng chịu được

Chị Nguyễn Thị Hồng

Tranh thủ lúc cái nắng còn chưa gay gắt, chị Hương lại dong bè ra xa hơn để chồng thả lưới, rồi trở lại phao tiêu tắt máy, thả neo chờ cá. Lúc này, vợ chồng chị mới lấy đùm khoai lang luộc nguội ngắt mang theo ăn lót dạ. Giờ này ở nhà, những đứa con chị cũng đã tự lo bữa sáng bằng khoai luộc, cơm nguội để đến trường. Chị bảo, ngày nào vợ chồng chị cũng đi 2 chuyến biển, đến tối mịt mới về. Ở nhà, mọi việc từ cơm nước, trông nom các em đều do đứa con trai lớn cáng đáng. Mới mười lăm tuổi, nhưng thằng con đầu của vợ chồng chị mấy lần định bỏ học để thay mẹ ra biển cùng bố nhưng chị nhất quyết không cho vì “chỉ có được học hành đến nơi đến chốn, các con mới mong thoát được cảnh lênh đênh cực nhọc trên biển mỗi ngày như bố mẹ”.
Đánh cược với sóng gió
Chị Nguyễn Thị Hồng (30 tuổi, ngụ tại xã Hoằng Thanh) vốn sinh ra ở vùng chiêm trũng, chỉ biết làm ruộng, nhưng rồi chị phải vượt qua nỗi sợ hãi sóng gió để cùng chồng ra biển mưu sinh. Trước khi về làm dâu vùng biển, có nằm mơ chị cũng không thể hình dung ra cảnh một ngày mình trở thành nữ ngư dân, bởi ngay chồng chị là anh Lê Danh Thông (35 tuổi) cũng chưa một lần đi biển.
Lấy nhau được 8 năm, sinh liên tiếp 3 đứa con khiến cuộc sống của vợ chồng chị Hồng gặp nhiều khó khăn. Nhìn qua ngó lại, chẳng có nghề nghiệp gì ngoài vài sào ruộng nên hai vợ chồng bàn nhau sắm đồ nghề ra khơi đánh cá. Vốn liếng không có, chị phải chạy vạy vay mượn hơn 30 triệu đồng, đóng một chiếc bè mảng, sắm 3 vàng lưới rồi theo bà con trong thôn ra biển mưu sinh.
Theo chị Hồng, những hôm trời yên biển lặng, việc đi biển của chị em khá yên ả nhưng những hôm biển động, thời tiết mưa gió thì cực kỳ vất vả và nguy hiểm. Lúc ấy, các chị phải gồng hết sức cùng chồng chống chọi những con sóng lớn và gió mạnh. Nhiều chị em không chịu đựng được, bị say sóng, mất thăng bằng, rồi bị hất văng ra khỏi bè mảng khiến chồng nhiều phen thót tim.
Những bè mảng đầu tiên trở về đất liền với thành quả là những sâu cá khoai tươi rói
Những bè mảng đầu tiên trở về đất liền với thành quả là những sâu cá khoai tươi rói
Theo thống kê của chính quyền địa phương, ở các xã ven biển H.Hoằng Hóa có gần 1.000 bè mảng, thuyền thúng chuyên khai thác hải sản cách đất liền khoảng 10 - 12 hải lý (từ phao số 0 trở vào). Việc đi biển diễn ra trong ngày, mỗi chuyến biển thường kéo dài từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa và từ 13 giờ chiều đến 19 giờ tối. Ở các xã Hoằng Thanh, Hoằng Trường hiện có khoảng 200 phụ nữ cùng chồng con ra khơi khai thác hải sản mỗi ngày, đa phần chị em có độ tuổi từ 25 - 45 nhưng cũng có không ít những bà, những mẹ trên dưới 60 tuổi. Phụ nữ chân yếu tay mềm phải ra khơi là do những năm gần đây, rất đông thanh niên ở địa phương rời quê đi làm ăn xa, nhiều gia đình chỉ còn lại người già với trẻ nhỏ ở nhà. Thiếu lao động nên chị em phụ nữ đành phải làm cái việc từ xưa vốn chỉ dành cho cánh đàn ông khỏe mạnh. “Cũng là cực chẳng đã chị em mới phải ra khơi. Không đi biển lấy tiền đâu để đong gạo, nuôi con ăn học. Với lại khó khăn, khổ cực mãi rồi cũng quen đi anh ạ. Ngày trước cứ hôm nào biển động là em lại bị say sóng, nôn ra mật xanh mật vàng nhưng giờ thì quen rồi, chỉ sợ bè mảng bị lật, đồ nghề bị cuốn trôi, chứ sóng cấp mấy em cũng chịu được”, chị Hồng “đúc kết”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.