Ngày 7.10, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Ninh Thuận, cho biết đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Ninh Thuận về kết quả kiểm tra nội dung báo chí phản ảnh về đàn bò tót lai F1 đang nuôi dưỡng tại Vườn quốc gia Phước Bình (VQGPB).
Theo báo cáo, đề tài: “Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng” giai đoạn 2012 - 2014 do VQGPB và Trung tâm Ứng dụng Khoa học và công nghệ Lâm Đồng (LAMDONG-CASTI) thực hiện.
|
Về kinh phí, tỉnh Ninh Thuận cấp 1,128 tỉ đồng, giao cho VQGPB thực hiện việc xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, kỹ thuật chăm sóc, theo dõi các thông số sinh trưởng của đàn bò lai giữa bò nhà và bò tót, tổ chức hội thảo khoa học, thuê đất; tỉnh Lâm Đồng chi hơn 1 tỉ đồng, giao cho LAMDONG-CASTI để mua 10 bò tót lai F1 (5 con đực và 5 con cái), 5 bò cái nền, máy bơm nước và máy băm cỏ.
|
Sau đó, dựa trên kết quả và sản phẩm đề tài này và sự thống nhất đề xuất của UBND 3 tỉnh (Lâm Đồng, Ninh Thuận và Khánh Hòa) ngày 12.1.2015 Bộ KH-CN phê duyệt đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà” giao cho LAMDONG-CASTI làm đơn vị chủ trì, với tổng kinh phí là 6,8 tỉ đồng; trong đó: nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN Trung ương là 4, 8 tỉ đồng; vốn sự nghiệp KH-CN địa phương đối ứng của tỉnh Lâm Đồng: 350 triệu đồng, Ninh Thuận: 350 triệu đồng và Khánh Hòa là 1,3 tỉ đồng (để mua 20 bò cái nhà và 5 bò đực nhà để lai với bò tót lai F1 sinh ra đàn bò tót lai F2). Thời gian thực hiện 36 tháng, từ tháng 11.2015 đến tháng 10.2018.
|
Sản phẩm chính đề tài là có được 40 con bò lai F2, trong đó có 5 con bò lai là đực, với bộ nhiễm sắc thể 2n = 60 (như bò nhà) nhằm mục tiêu sử dụng những con này để lấy tinh trùng gieo cấy cho đàn bò nhà, tạo ra đàn bò có máu lai bò tót với thể trạng to lớn và kháng bệnh tốt.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, tỉnh Khánh Hòa không thực hiện theo đề xuất ban đầu và không cấp kinh phí đối ứng thực hiện đề tài, nên đề tài không có sản phẩm chính đã đề ra.
Đến tháng 9.2018, Bộ KH-CN đồng ý cho gia hạn thời gian đề tài hoàn thành vào tháng 6.2019 và sau đó Bộ KH-CN cũng đã có Quyết định số 1190/QĐ-BKHCN, ngày 8.5.2019 về việc điều chỉnh sản phẩm và kinh phí của đề tài “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hoà”, nguồn kinh phí sự nghiệp KH-CN Trung ương điều chỉnh giảm còn lại là 2,5 tỉ đồng.
Về sản phẩm chính: bò tót lai F2 điều chỉnh giảm từ 40 con xuống còn 3 con, bò tót lai đực F2 (có 2n = 60) điều chỉnh giảm từ 5 con xuống còn 1 con.
|
Tuy nhiên, kết quả đề tài không tạo ra bò lai F2, lý do: Với 4 phương thức lai theo nhiệm vụ đề ra, kết quả: (1) Bò đực lai F1 và bò cái lai F1 đã có giao phối nhưng không sinh ra F2; (2) Thụ tinh nhân tạo cho bò cái lai F1 không thực hiện được do bò cái F1 quá hung dữ, không ai dám lại gần; (3) Bò đực lai F1 của đề tài (con số 3) và của dân (ông Nguyễn Văn Chẩn) khi giao phối với bò cái nhà có sinh F2 và (4) Bò cái lai F1 của dân (ông Chẩn, con này đã bán ra tỉnh ngoài) khi giao phối với bò đực nhà có sinh F2. Hiện nay ở xã Phước Bình có 3 con bò lai F2 (1 con đực và 1 con cái của ông Chẩn; 1 con cái của ông Nguyễn Văn Tích đề tài đã mua lại), cả 3 con này có bộ nhiễm sắc thể 2n = 60 và ADN giống bò tót lai F1 đến 97%.
Đề tài nghiên cứu nguồn gen bò tót lai đã được Bộ KH-CN tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả cấp quốc gia ngày 20.11.2019, xếp loại đạt yêu cầu (theo sản phẩm điều chỉnh).
Bình luận (0)