Sáng 5.10, Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng tổ chức bàn giao cho Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) đàn bò tót lai “gầy trơ xương” sau quá trình chi tiền tỉ từ ngân sách để nghiên cứu...
Theo đó, Trung tâm Ứng dụng KH-CN Lâm Đồng (Trung tâm) bàn giao 10 con bò tót lai F1, 1 con F2 cùng những kết quả nghiên cứu khoa học cho Vườn quốc gia Phước Bình tiếp tục nuôi dưỡng, bảo tồn nguồn gien quý hiếm từ đàn bò này.
|
Ông Nguyễn Công Vân, Giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình, cho biết sau khi tiếp nhận bàn giao, dự kiến sẽ xây dựng đề án di dời đàn bò về vị trí khu vực đất rừng khoảng 5 ha (có rào lưới B40) và bố trí 2 ha đất nông nghiệp để trồng cỏ voi cung cấp thêm nguồn thức ăn, tạo không gian chăn thả tự nhiên để đàn bò cái lai F1 có thể phát dục, sinh sản được.
Hiện ông Vân cũng chưa rõ sẽ phải chi bao nhiêu kinh phí từ ngân sách để thực hiện đề án di dời này.
|
Chi hơn 3 tỉ đồng, "nghiên cứu" được 1 con bò tót lai F2
Như Thanh Niên đã thông tin, dư luận xôn xao khi nhìn thấy hình ảnh đàn bò tót lai “hàng hiếm” gầy trơ xương sau thời gian “được chi” hơn 3 tỉ đồng để Trung tâm kế thừa chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cấp quốc gia: “Khai thác và phát triển nguồn gien bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng - Khánh Hòa".
Trước đó, 2 Sở KH-CN Ninh Thuận và Lâm Đồng đã mua lại 10 con bò tót lai (F1) của người dân để thực hiện đề tài khoa học nghiên cứu giám định di truyền… với kinh phí hơn 1,9 tỉ đồng).
|
Trả lời Thanh Niên về kết quả thực hiện đề tài, ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm cho biết trong 10 con bò lai F1 đã tạo ra 3 con F2.
Nhưng hiện tại chỉ có 1 con F2 (là con của bò đực dự án giao phối với bò nhà của ông Nguyễn Văn Tích, nông dân xã Phước Bình) được mua lại từ hộ ông Tích.
2 con F2 còn lại là của gia đình ông Nguyễn Văn Chẩn, nông dân xã Phước Bình.
|
Ông Chương giải thích, đây là dự án cấp quốc gia, có ký hợp tác với hộ ông Nguyễn Văn Chẩn. Từ con F1 cho tới 2 con F2 của gia đình ông Chẩn điều được giám định kết quả.
Cho nên kết quả này vẫn được đưa vào kết quả nghiên cứu; tức là theo ông Chương, đề tài cấp quốc gia đã tạo ra 3 con F2 (trong đó có 1 đực, 2 cái) đã được giám định nhiễm sắc thể và ADN.
|
“Đề tài này đã bảo tồn 10 con bò F1 và phát triển được 3 con F2; chứng minh nguồn F1 có khả năng sinh sản được, dù trước đây có nhiều nhà khoa học nói các con F1 không sinh sản được!”, ông Chương nói.
Ông Chương cũng cho rằng “không có chuyện tiêu cực khi thực hiện dự án”. Theo ông Chương, đây là đề tài khoa học cấp nhà nước thực hiện kéo dài 3 năm, với các chi phí như thuê đồng cỏ, mua thức ăn tinh, thuê công chăm sóc (2 lao động và 1 cán bộ kỹ thuật) trực 24/24 trong 3 năm liên tục tại Vườn quốc gia Phước Bình với mức lương cao, khoảng 12 triệu/cán bộ kỹ thuật... thì tổng kinh phí gần 3 tỉ đồng cho dự án là không lớn.
Bò tót lai gầy trơ xương là do... cạnh tranh thức ăn ?
Về vấn đề chăm sóc, ông Chương cho biết, trong thời gian thực hiện đề tài đã thuê 3 ha đồng cỏ để thả đàn bò tót lai F1 vào chăm sóc, đi lại. Tuy nhiên, khi đề tài kết thúc (tháng 9.2019), hết kinh phí, người dân thu hồi đất, nên buộc phải tạm thời nuôi nhốt trong khi chờ Vườn quốc gia Phước Bình tiếp nhận. Các thủ tục bị vướng nên gần 1 năm nay mới tổ chức bàn giao được.
Khi được hỏi "Liệu có phải cá nhân, đơn vị tham gia nghiên cứu “đánh trống bỏ dùi” khiến đàn bò tót lai bơ vơ, gầy trơ xương, trong khi bò tót lai mà người dân tự nuôi thì mạnh khỏe, sinh sản tốt ?, ông Chương cho rằng: “Khoảng nửa tháng gần đây, một số bò lớn nhảy từ chuồng này qua chuồng khác dành thức ăn làm các con chuồng bé hơn bị ốm”.
Ông Chương giải thích thêm: “Do đó, hiện nay có khoảng 4 con trong tình trạng ốm thôi, nhưng không đến mức suy kiệt. Qua kiểm tra thì phát hiện nguyên nhân chính là do cạnh tranh thức ăn. Nếu tách chuồng sớm thì những con bò lớn để riêng, bò nhỏ để riêng, rồi bồi bổ cho chúng đầy đủ thức ăn xanh, thức ăn tinh, cũng như khoáng vitamin, trong 1 tháng sau chúng sẽ bình thường trở lại”, ông Chương nói thêm.
Trong khi đó, trả lời PV Thanh Niên, PGS-TS Lê Xuân Thám (nguyên giám đốc Sở KH-CN Lâm Đồng), chủ nhiệm thực hiện đề tài, nói: “Sau khi báo chí thông tin vấn đề này (bò tót lai thuộc dự án nghiên cứu - PV) tôi mới biết, thấy đàn bò bị gầy ốm như vậy tôi rất đau lòng. Nói tôi phủi trách nhiệm thì không đúng, bởi tôi đã nghỉ hưu hơn 4 năm trước, nhưng vì đề tài chưa xong nên tôi vẫn tiếp tục thực hiện. Đến năm ngoái đề tài đã được nghiệm thu, khi ấy mọi vấn đề đều đang tốt, bởi nếu không tốt thì làm sao nghiệm thu. Nghiệm thu xong thì tôi đã bàn giao lại, và từ đó đến nay tôi không được phân công trách nhiệm gì ở đây nữa”.
Nông dân tự gầy được giống bò tót lai, bán 50 triệu đồng/conTừ năm 2008, người dân xã Phước Bình, H.Bác Ái (Ninh Thuận) phát hiện con bò tót đực cường tráng từ đại ngàn về làng, đeo bám theo những con bò cái của người dân thả rông ở khu vực nương rẫy dưới chân núi Tà Nin, thuộc Vườn quốc gia Phước Bình.
Kết quả của những cuộc tình “vụng trộm” giữa bò tót rừng với bò nhà đã cho ra đời hơn 20 con bò tót lai vượt trội về thể trọng và có các đặc điểm về màu lông, sừng... rất giống “bố”.
Ông Nguyễn Văn Chẩn, một hộ có bò tót lai ở xã Phước Bình cho biết, từ lúc bò tót rừng về làng tìm bò cái nhà để giao phối, thì đàn bò của ông sinh sản được 10 con F1.
Đến năm 2015, bò tót đực bị chết, thì trong khu vực Vườn quốc gia Phước Bình không còn thế hệ bò tót lai F1 tiếp theo.
Theo ông Chẩn, năm 2012, gia đình ông bán cho chủ đề tài 4 con F1 (2 đực, 2 cái); một số thương lái từ các tỉnh Đồng Nai, Long An... về mua 4 con. Gia đình ông giữ lại 2 con F1; sau đó mua thêm 1 con F1 của hộ ông Pinăng Hùng (xã Phước Bình) để nhân giống.
Từ 3 con F1 của gia đình ông Chẩn chăn thả cho ăn chung với đàn bò nhà dưới chân núi Tà Nin; đến nay đã sinh sản ra F2 và thế hệ F3, với tổng đàn lên đến 17 con.
Ông Chẩn xác nhận, bên dự án có cho người qua “năn nỉ” lấy mẫu 2 con F2 của gia đình ông đưa đi giám định. Gia đình ông không tốn đồng kinh phí nào cả.
Về cách chăm sóc, ông Chẩn cho biết để đàn bò phát triển, sinh sản thế hệ F2 và F3, thì đừng nhốt trong chuồng mà phải thả cho chúng ăn uống tự nhiên ngoài đồng cỏ.
“Vừa rồi có người ở Long An về mua 1 con bò F3 của gia đình với giá 50 triệu đồng. Mình có làm đề tài gì đâu, bò nhà sinh ra nhìn dáng vóc của nó là biết ngay là bò tót lai F2 hay F3, cần gì phải đem đi xét nghiệm. Mình nuôi vậy ai đến mua thấy được giá thì bán. Vậy thôi!”, ông Chẩn nói.
|
Bình luận (0)