Sự tích về bánh dày thì chắc chắn người con Việt Nam nào cũng biết. Thứ bánh tượng trưng cho trời này ra đời từ hàng ngàn năm trước cùng với bánh chưng tượng trưng cho đất.
Cô Nguyễn Thị Út, người làng Thượng Đình, bảo tôi rằng nghề có từ khi phố Quán Gánh được hình thành dọc con đường Thiên lý Nam Bắc (QL1A bây giờ). Bánh dày được mang ra bán cho khách đi đường, nhiều khách mua, khen ngon thế là từ đó thành nghề và bánh thành đặc sản Quán Gánh.
Theo thời gian, bánh dày càng được làm cầu kỳ, quy chuẩn hơn để xứng đáng là đặc sản. Đầu tiên là chọn gạo, thứ gạo nếp quýt không được lẫn hột tẻ hoặc gạo nếp cái hoa vàng đất Hải Hậu (Nam Định). Gạo ngâm vài tiếng đồng hồ, rồi lại đãi thật kỹ cho tới khi sạch bọt trắng, sau đó cho vào đồ giống như đồ xôi trong một tiếng.
Đãi gạo xong mang đi giã. Người thợ phải đảo liên tục dưới máy giã thật đều. Đậu xanh hạt tiêu Thanh Hóa là ưu tiên số một. Đậu được nấu chín bằng nồi gang dày, giữ hơi tốt, đậu chín sẽ ngon, đánh bông lên và không bị khê.
Cô Út bảo, ngày trước chỉ có bánh ngọt còn hiện nay có 3 loại là mặn, ngọt và chay. Bánh mặn có nhân bằng thịt lợn ba chỉ sắt hạt lựu, xào với hành và hạt tiêu. Bánh ngọt nhân có đường, vừng, dừa khô, dừa tươi sợi nhỏ và mứt hạt sen và được đem vê với đậu xanh thành nhân. Còn bánh chay thì chỉ có phần bánh mà không có nhân, người ta thường kẹp chả hoặc giò ăn với bánh chay làm thứ quà sáng ngon lành.
Cô Út trổ tài nặn bánh dày nhanh thoăn thoắt cho tôi xem, cô vặt vặt từng đoạn bánh từ dây bột dài thườn thượt, rồi một người khác cho nhân vào vê như hình chiếc mũ cối rồi ấn lõm hai đầu.
Bánh được thoa mỡ nước để không dính và thêm độ ngậy trước khi được gói bằng lá dong. Mỗi gói gồm 6 chiếc, gói thành hình vuông, buộc lạt như buộc bánh chưng, giá chỉ có 12.000 - 15.000 đồng.
Có lần bạn tôi hỏi, sao giờ tết Nguyên đán không thấy mọi nhà làm bánh dày mà chỉ có bánh chưng. Thì ra, bánh dày không để được lâu như bánh chưng chứ không phải ai ai cũng “quên” sự tích.
Bằng chứng là hồi năm 2002, dân làng Thượng Đình đã làm bánh dày dâng lễ giỗ tổ Hùng vương. Năm 2003, làng Thượng Đình được công nhận là làng nghề chế biến bánh dày truyền thống.
Bánh dày Quán Gánh còn đi vào trong thơ ca, mang đầy tính nhân văn: “Dù ai chồng rẫy, vợ chê/Bánh dày Quán Gánh lại về với nhau/Ăn trước thì bảo người sau/Già ăn trẻ lại, gái mau đắt chồng”.
Ai ơi, qua Thường Tín nhớ mua bánh dày làm quà nhé!
|
Bình luận (0)