Dân đảo Bé làm du lịch

07/05/2017 07:10 GMT+7

Vài năm gần đây, lượng du khách đến với đảo Bé (xã An Bình, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) tăng nhanh, chính là “cơ hội vàng” để cư dân địa phương phát triển dịch vụ du lịch, tăng nguồn thu nhập.

Đảo Bé đúng như tên gọi, có diện tích tự nhiên rất... bé, chỉ khoảng 67 ha. Từ bao đời nay, nguồn thu nhập chính của 131 hộ với 510 khẩu ở đảo Bé chủ yếu dựa vào trồng hành, tỏi và đánh bắt thủy sản. Điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp dựa vào nước trời, năng suất đạt thấp, trong khi đó tàu cá công suất nhỏ, chỉ quẩn quanh ven bờ nên đời sống của người dân quanh năm vẫn nghèo khó. Năm 2015, kể từ khi vẻ đẹp hoang sơ, quyến rũ của đảo Bé được đánh thức, cư dân ở đây từ cụ già đến người tàn tật bắt đầu khởi nghiệp làm du lịch, dịch vụ.
81 tuổi làm “cây cầu du lịch”
Bây giờ, mỗi khi ra đảo Bé khám phá, nhiều du khách không thể bỏ qua thắng cảnh nằm phía trước nhà cụ Bùi Hoàng (81 tuổi). Nơi đây, một ghềnh đá trầm tích khá lớn nhô lên trên mặt biển nhưng do nằm cách mép bờ chừng 15 m, nước khá sâu nên nhiều du khách tìm đến đều xuýt xoa vì không thể lội ra để chiêm ngưỡng những con sóng xô vào vách đá, tung bọt trắng xóa.
Đầu năm 2017, cụ Hoàng dốc hết số tiền dành dụm được hơn 20 triệu đồng mua vật liệu, thuê nhân công làm cây cầu gỗ dài hơn 20 m bắc qua ghềnh đá phục vụ du khách, thu phí mỗi người chỉ 5.000 đồng. “Ngày nào vợ chồng tui cũng ra cây cầu kiểm tra các mối dây có bị lỏng hay không để cột lại cho an toàn. Tuy vất vả một chút nhưng cũng kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, đủ hai vợ chồng già trang trải cuộc sống hằng ngày. Như vậy là vui lắm rồi”, cụ Hoàng thổ lộ. Theo UBND xã An Bình, nhờ “cây cầu du lịch” của cụ Hoàng, đảo có thêm một điểm tham quan lý thú.
Vợ chồng cụ Hoàng bên “cây cầu du lịch” Ảnh: Hiển Cừ
Ngư dân tàn tật chở du khách
Hình ảnh một thanh niên bị liệt hai chân ngồi trên xe tuk tuk chờ đón khách trước bến cập tàu đảo Bé giờ đây đã quá quen thuộc đối với du khách khi đặt chân đến hòn đảo xinh đẹp này. Đó là anh Bùi Huệ (41 tuổi), một ngư dân đầy nghị lực, đã vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống. Cách đây 16 năm, ngư dân Bùi Huệ là một thợ lặn can trường. Nhưng rồi trong một lần lặn bắt hải sản ở Trường Sa, anh gặp nạn dẫn đến bị tai biến, đôi chân bị liệt hoàn toàn.
Số phận nghiệt ngã đã biến thợ lặn Bùi Huệ thành người tàn phế nhưng anh đã “đứng lên”. Năm 2011, sau khi nhận số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng từ chương trình Đồng hành với ngư dân trẻ ra khơi của Báo Thanh Niên, anh thuê người làm chuồng trại để nuôi cua đá (một loại cua sống dưới vách đá trầm tích núi lửa ở đảo Bé - PV). Nhờ thu nhập từ nuôi cua đá, cuộc sống của gia đình Bùi Huệ đỡ hơn. Tuy nhiên, nguồn giống tự nhiên ngày càng khan hiếm, việc nuôi cua không thuận lợi như trước. Đầu năm 2016, Huệ được một doanh nghiệp ở TP.HCM tặng chiếc xe tuk tuk dành cho người khuyết tật. Thời điểm này, du khách ra đảo Bé khá đông nên nhiều cư dân trên đảo hùn tiền mua xe điện đưa đón du khách đến các điểm tham quan hoặc chạy vòng quanh đảo ngắm thắng cảnh. Thấy vậy, Bùi Huệ sử dụng chiếc xe tuk tuk ngày ngày ra cầu cảng đón khách, mỗi lần chỉ chở được 1 - 2 người ngồi phía sau. “Đôi chân bị liệt nên tui chỉ ngồi trên xe chứ không thể đon đả chào mời khách như anh em khác được. Dẫu vậy, nhờ du khách thương cảm nên mỗi ngày cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Với tui, số tiền này là nguồn thu nhập lớn”, anh Bùi Huệ thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Chủ tịch UBND xã An Bình, khi thế mạnh tự nhiên của đảo Bé được khơi dậy, nhà nhà, người người trên đảo chuyển nghề làm dịch vụ phục vụ du khách như: xây dựng nhà nghỉ, tu sửa phòng ốc để đón du khách về ở tại nhà (homestay), dịch vụ ăn uống và xe điện đưa đón khách đến các điểm tham quan, chở du khách ra biển ngắm san hô bằng thuyền thúng… “Từ chỗ mỗi năm đảo Bé chỉ đón vài ngàn du khách thì nay tăng lên 30.000 - 35.000 người. Lượng du khách tăng nhanh góp phần đưa lĩnh vực thương mại, dịch vụ ở đảo Bé phát triển mạnh, cuộc sống của cư dân địa phương ngày một nâng cao nhờ hưởng lợi từ du lịch”, ông Lê nói và đặt vấn đề: “Chỉ với lòng hiếu khách không thôi chưa đủ mà người dân đảo Bé cần phải học hỏi, hiểu biết giá trị văn hóa, lịch sử đất đảo, phải được đào tạo những kiến thức cơ bản về nghiệp vụ du lịch cũng như cách làm du lịch cộng đồng”, ông Lê nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.