Dẫn đoàn đi buôn

14/02/2013 06:25 GMT+7

(TN Xuân) Đất nước vừa vượt qua một năm đầy khó khăn thách thức. Trong những ngày này không thể không nhìn lại sức chịu đựng bền bỉ, sự chủ động vượt khó và khả năng bứt phá vươn lên để tiếp tục đi tới của doanh nghiệp Việt Nam. Không chỉ là những điểm sáng trong nền kinh tế đất nước mà trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vẫn vươn xa ra thế giới, ghi dấu ấn Việt Nam trên phạm vi toàn cầu.

Dẫn đoàn đi buôn

Khi nói doanh nghiệp “đón xuân chiến trường”, tôi hiểu Chủ tịch C.T Group Trần Kim Chung vẫn đau đáu việc chung. Cũng như chuyện ông bỏ công “dẫn đoàn đi buôn” mấy năm qua nhưng rất ít người biết.

Buổi chiều ngồi chờ ông ở chiếc bàn hột xoài trên lầu 7 tòa nhà 60A Trường Sơn, nhìn bức tường phủ đầy kỷ niệm chương và những thành tích trong sự nghiệp 20 năm của Tập đoàn C.T Group, tôi không thể nào bứt ra được một ý nghĩ vẩn vơ. Hình ảnh từng đàn kiến chăm chỉ tha mồi đi trong trật tự, mặc cho mưa gió - những ký ức tuổi thơ xa lắc cứ chầm chậm trôi về như một thước phim...

Doanh nhân Việt vượt khó: Dẫn đoàn đi buôn 

Ông bà xưa dạy: “Cho cục vàng không bằng dẫn đàn đi buôn”. Với tôi, nếu trong khó khăn mà được ai cho cục vàng thì suốt đời không thể quên ơn. Trên thực tế, nhìn ở góc độ nào ông Chung cũng không phải là người không có “cục vàng” để cho. Năm 2011, lợi nhuận vẻ vang đến mức những “tướng” cầm quân giỏi, như đầu tư xây dựng và bán lẻ cao cấp, đều được thưởng căn nhà trị giá 8 tỉ kèm theo 200 triệu đồng ăn tết, một mức thưởng “khủng nhất thế giới”.

Năm 2012, nền kinh tế đất nước chứng kiến bầu không khí ảm đạm khi con số được công bố chính thức cho biết có 4 vạn doanh nghiệp đã sụp đổ, làn sóng mua bán, sáp nhập diễn ra khắp nơi. Trong bối cảnh như vậy C.T Group đã chi hàng chục triệu USD mua lại 95% cổ phần một công ty thuộc tập đoàn lớn của Hàn Quốc. Đây được coi là “một bước ngoặt hiên ngang”, phá tan lo ngại doanh nghiệp Việt Nam rơi hết vào tay nước ngoài...

 

Những chuyến đi dài từ đông sang tây, trên dặm trường bôn ba thế giới tìm kiếm cơ hội làm ăn, gặp gỡ nhiều bạn bè, học hỏi nhiều bài học quý báu..., tôi thấu hiểu và luôn chia sẻ cùng doanh nghiệp trong khốn khó

Trần Kim Chung
Chủ tịch C.T Group

Nhưng ông Chung không chọn cách “cho cục vàng”, không có những phát ngôn gây sốc, mà lặng lẽ “dẫn đàn đi buôn”, liên kết hỗ tương kiểu như ông bà xưa từng nói “buôn có bạn bán có phường”. Giáp Tết 2012, ông chỉ đạo C.T Land mở hội chợ “Ba miền hội tụ - mua nhà đón tết”, đặt tiêu chí “chi phí thấp, triển khai nhanh” để cùng với mấy mươi doanh nghiệp bất động sản hâm nóng thị trường. Đến tháng 6.2012, C.T Group mở hội nghị tìm lối thoát cho ngành vật liệu xây dựng, đích thân ông chủ trì. “Hội nghị đã nêu bật hai nội dung là hợp tác cung cấp khối lượng lớn vật liệu xây dựng cho 24 dự án Tập đoàn C.T Group đang đầu tư xây dựng và thâm nhập thị trường xây dựng tại Myanmar”, báo cáo của tập đoàn sau đó cho biết.

Đặc biệt, đối với thị trường Myanmar, khi các tập đoàn danh tiếng trên thế giới kịp nhận ra đây là “mảnh đất vàng cuối cùng của châu Á” và đổ xô đến thì C.T Group đã nhanh chân hơn một bước. Thậm chí đến lúc này, như ông phân tích thì vai trò của C.T Group tại đây đã vượt ra khỏi phạm vi những dự án đầu tư. “Một lượng lớn hàng hóa, cũng như tài chính được đổ vào một cách ồ ạt nên dễ dẫn đến sự bất cập của thị trường. Vì vậy, Myanmar cần phải có một hệ thống phân phối tốt, giống như những mạch máu trong cơ thể để hàng hóa có thể lưu thông một cách tốt nhất”, ông nói. Trong khi dốc sức đầu tư vào hệ thống phân phối, đẩy mạnh cả 2 kênh truyền thống và hiện đại, C.T Group cũng đồng thời mở đường cho doanh nghiệp Việt Nam theo sau. “Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế như hiện nay thì việc mở rộng thị trường phân phối cũng như đầu tư vào những thị trường mới sẽ giúp giảm bớt áp lực và thúc đẩy sự phát triển cho các doanh nghiệp. Chúng tôi đánh giá cao vai trò và những hành động thiết thực của C.T Group trong việc đưa hàng Việt thâm nhập và tiếp cận với người dân Myanmar”, bà Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, đã phát biểu tại lễ ký kết hợp tác.

Những chuyện như vậy thật ra rất ít người biết và ông Chung cũng không muốn nói ra. Tiếp xúc với chúng tôi, ông thường tránh những câu hỏi về mình. Là chủ tịch một tập đoàn hoạt động trên 6 lĩnh vực trọng yếu của đời sống, quan hệ hợp tác với hàng chục quốc gia và cũng được đề cử làm lãnh sự danh dự của nhiều nước nên đối với cộng đồng doanh nghiệp, ông có nhiều cơ hội hơn. Ông cũng xác nhận: “Những chuyến đi dài từ đông sang tây, trên dặm trường bôn ba thế giới tìm kiếm cơ hội làm ăn, gặp gỡ nhiều bạn bè, học hỏi nhiều bài học quý báu..., tôi thấu hiểu và luôn chia sẻ cùng doanh nghiệp trong khốn khó”. Ông bảo mình có nhiều bạn bè ở khắp nơi, từ Việt Nam đến các nước ở đâu cũng có những người bạn thân thiết. “Họ có thể là những người lao động bình thường hay là những người giữ trọng trách khác nhau. Đa phần đều đã gắn bó với nhau suốt mấy chục năm rồi thành mối ân tình sâu nặng chẳng gì có thể đánh đổi”.

Là người đặc biệt coi trọng tình bạn nên trong khó khăn, ông cho rằng điều may mắn lớn là vẫn còn có những người bạn thắm thiết, luôn trung thành với Việt Nam. Ông kể, nhiều doanh nhân Nhật Bản khi gặp khó khăn trong làm ăn ở nước khác đã tiếp xúc với ông để tìm hướng đầu tư an toàn. Một trong những minh chứng của tình bạn mà ông gầy dựng, là việc Tập đoàn Sumitomo đã quyết định hợp tác với C.T Group xây dựng văn phòng tại TP.HCM để đưa doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam, mở rộng đầu tư xây dựng khu công nghiệp tại Vân Phong (Khánh Hòa) và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông bảo, điểm yếu của doanh nghiệp nước ngoài là khi gặp khó khăn họ thường chỉ biết “buông súng”, chọn kết thúc tiêu cực. Còn doanh nghiệp Việt Nam, thế mạnh xưa nay là trước những bất cập của chính sách, biến động của lãi suất ngân hàng... phải đổ mồ hôi, xương máu để tồn tại nhưng quyết không đầu hàng. Thậm chí bị đẩy đến bước đường cùng vẫn bật ra những ý tưởng táo bạo. Và họ chiến đấu tới cùng trên mọi mặt trận: bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư xây dựng... và “chiến đấu mãnh liệt hơn”.

Bởi vậy dù là “xuân chiến trường”, đã có doanh nghiệp chỉ mơ ước quay lại “cái máng lợn”; có những doanh nghiệp ngại nói ra chuyện thưởng tết; và có doanh nghiệp chỉ có thể tặng nhân viên đòn bánh tét đón xuân, nhưng ông khẳng định trong khó khăn vẫn còn niềm tin, có những cơ sở để vượt qua.

Võ Khối

>> Singapore phạt doanh nhân Việt mang số tiền lớn không khai báo
>> Hội nghị doanh nhân Việt Nam thế kỷ XXI
>>
Thưởng tết là ngôi nhà trị giá 8 tỉ đồng
>> C.T Group hợp tác với DN Myanmar
>> C.T Group nhận Huân chương lao động hạng ba

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.