Quẫn ra rạp đợt mới, Bệnh sĩ đi châu Âu
Khán phòng Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace ở Hà Nội kín ghế trong buổi diễn Quẫn (kịch bản của tác giả Lộng Chương, sáng tác cách đây gần 60 năm) vào tháng 4 vừa qua. Vở diễn có nhiều phân đoạn thú vị, và cứ chục phút lại một tràng pháo tay rộ lên hồi lâu.
Có nhiều lý do để họ tưởng thưởng. Màn đối thoại trào lộng khi các nhân vật cãi cọ. Tạo hình đẹp khi những bóng đen rình rập lại biến ngay thành tượng Phật bà Quan Âm. Những tâm sự ấm ức nhưng lại trên nền nhạc giàu nhịp điệu và thời thượng Despacito của nhân vật chính. Đủ thành ngữ của thế giới mạng... “Tôi muốn dựng Quẫn theo cách hiểu, cách nhìn của ngày hôm nay”, đạo diễn Trần Lực tâm sự.
Cách nhìn ngày hôm nay Trần Lực thể hiện trong Quẫn chính là sự thông cảm cho những nhà tư sản, đang bị giằng xé xem có nên mang tài sản bao đời nộp cho nhà nước hay không. Mỗi khi bài hát Đánh giặc tăng gia của thời kỳ công tư hợp doanh đó vang lên, những nhà tư sản lại lặng đi vì lo sợ. Nhưng vở diễn không bị u ám nhờ những tràng cười rất hề chèo đạo diễn xen vào cân bằng...
Cùng lúc, Hoa cúc xanh trên đầm lầy (Lưu Quang Vũ) cũng đang làm nóng rạp của Nhà hát Tuổi Trẻ. Vở diễn này mới đây cũng đã có đêm diễn khán giả ngồi chật lối đi tại TP.HCM. Bệnh sĩ (Lưu Quang Vũ) cũng giữ lửa tại Nhà hát Kịch VN ròng rã hơn năm trời. Nhà hát thậm chí còn có kế hoạch xa hơn. “Khoảng tháng 9, 10 năm nay chúng tôi sẽ mang vở diễn sang châu Âu. Năm 2017, chúng tôi đã có 10 đêm diễn thành công ở châu Âu rồi. Chưa từng có một đơn vị kịch nói trong nước lưu diễn với lực lượng đông đảo thế”, NSƯT Xuân Bắc, Phó giám đốc Nhà hát Kịch VN, nói. Cả hai kịch bản này đều ra đời cách đây hơn 30 năm.
“Năm ăn năm thua” vì phá cách
Sắp tới, một vở diễn cũ cũng sẽ quay trở lại là Người tốt nhà số 5 (Lưu Quang Vũ). “Anh Vũ quá tài hoa và có nhiều vở hay. Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm, chọn những vở vẫn có hơi thở gần gũi với cuộc sống đương đại. Người tốt nhà số 5 đặt câu hỏi về việc có nên làm người tốt không, làm người tốt thì có tốt hoàn toàn không, hay tốt tùy chỗ”, NSND Anh Tú nói.
Các vở diễn trên thành công khi hút khách đến rạp, những vở cũ khác lại tiếp tục ra. Chúng đặt ra câu hỏi vì sao dựng lại vở cũ lại nóng hơn kịch bản mới. Đó là bởi các vở diễn được lựa chọn vẫn chạm được các vấn đề thời đại. Chẳng hạn, câu chuyện triết học “Tôi muốn được là tôi trọn vẹn” trong Hồn Trương Ba da hàng thịt, câu chuyện về những cường hào mới ở nông thôn trong vở Lời thề thứ chín...
|
Mặc dù vậy, kịch Lưu Quang Vũ vẫn cần cách dựng mới để dễ được chấp nhận hơn. “So với thời kỳ Lưu Quang Vũ viết kịch, bối cảnh xã hội cũng đã có thay đổi rất lớn nên cũng cần có những sự chỉnh sửa để dễ chấp nhận hơn. Như thế, tác phẩm sẽ dễ hiểu hơn với công chúng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng”, TS Cao Ngọc nói. Chẳng hạn, với Hoa cúc xanh trên đầm lầy, theo bà Ngọc, khi đó ở VN chưa từng có hoa cúc xanh, nhưng bây giờ hoa cúc xanh cũng đã có rồi. Vì thế, bản dựng chỉ nói đến hoa cúc xanh và robot như là một thế giới lý tưởng hơn chứ không phải không thực nữa.
Trong Hoa cúc xanh trên đầm lầy, đạo diễn Sĩ Tiến cũng đã đưa vào bài hát mới sáng tác riêng cho vở. Ông cũng cho thiết kế hàng loạt đạo cụ sân khấu với tính biểu tượng để thể hiện tinh thần vở. Chẳng hạn, chiếc máy cắt hàn vừa thể hiện công nghệ, vừa thể hiện sự đối đầu của nhân vật khi có xung đột, hay sự đứt gãy cần có để nhân vật trưởng thành.
NSND Hoàng Dũng, người được chọn mặt gửi vàng vở Người tốt nhà số 5, cho biết ông cũng sẽ trực tiếp chỉnh sửa kịch bản cho phù hợp. Những phân đoạn đã lỗi thời sẽ được lược bỏ. Kịch bản cũng cần phù hợp với thói quen xem kịch hiện nay hơn. “Khán giả sẽ không xem được vở diễn dài hơn 3 tiếng như trước nữa. Vì thế, tôi sẽ phải làm gọn lại”, NSND Hoàng Dũng cho biết.
Nhưng không phải sự làm mới vở diễn cũ nào cũng thành công. Còn nhớ, trong liên hoan vở diễn Lưu Quang Vũ toàn quốc, NSND Lan Hương (Nhà hát Tuổi Trẻ) mang đến bản dựng Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Ở đoạn kết Trương Ba chấp nhận là mình, trả xác cho anh hàng thịt sống lại, nữ đạo diễn lại thêm vào việc từ đó anh hàng thịt trở thành người tốt và hiền lành. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho rằng đây là việc đọc sai thông điệp kịch. “Nó bị sửa thành có hậu trong khi câu chuyện gốc lại rất buồn. Nó mang một triết lý rất cao là đánh đổi khát vọng về đam mê được hạnh phúc một lần với cái bất tử”, ông Quý phân tích.
Quẫn đang là vở diễn bán vé đều đặn. Tới đây, đoàn kịch LucTeam sẽ diễn song song Quẫn và Cơn ghen của Lọ Lem (kịch bản của Moliere) tại 2 địa điểm: Trung tâm văn hoá Pháp L’Espace, 24 Tràng Tiền và Nhà hát Chèo, 6 Giang Văn Minh.
|
Bình luận (0)