Xe

Dân kêu đường thiếu lề quá nguy hiểm, Sở nói phải làm chủ tốc độ

20/10/2016 20:02 GMT+7

Người dân phản ánh tỉnh lộ 769 đoạn qua H.Thống Nhất (Đồng Nai) bị “bóp” nhỏ, không có lề gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Trong khi Sở GTVT tỉnh này nói đây là làn đường hỗn hợp và phải làm chủ tốc độ.

Đường không có lề ?
Tỉnh lộ 769 trên địa bàn Đồng Nai có chiều dài khoảng 33 km, điểm đầu từ ngã tư Dầu Giây (H.Thống Nhất) nối với giao lộ của tuyến QL51 (H.Long Thành) ra điểm cuối là cảng Gò Dầu. Năm 2013, tỉnh lộ 769 được nâng cấp, sửa chữa với tổng kinh phí hơn 300 tỉ đồng do Bộ GTVT ủy quyền cho UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư. Toàn bộ kinh phí được Tập đoàn Than và Khoáng sản VN chi trả.
Theo đó, nền đường được nâng cấp trở lại hiện trạng ban đầu, với tải trọng 30 tấn. Khoảng 5 cây cầu nhịp ngắn trên tuyến cũng được nâng cấp để đủ tải trọng 25 tấn. Tỉnh lộ 769 được sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh để cho các xe vận chuyển nguyên liệu làm bô-xít từ Lâm Đồng ra cảng Gò Dầu và nhu cầu đi lại của người dân địa phương.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2016 đến nay trên tỉnh lộ 769 chỉ riêng đoạn qua xã Lộ 25, đã xảy ra 21 vụ tai nạn giao thông. Hậu quả làm 6 người chết, 24 người bị thương, hư hỏng 3 ô tô, 26 xe gắn máy và 2 xe đạp.

Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người dân phản ánh về bất cấp trên con đường này. Theo đó, tỉnh lộ 769 đoạn đi qua H.Thống Nhất với chiều dài khoảng 15 km chỉ có 2 làn đường đường. Phần “lề đường” tính từ vạch trắng ra sát mương thoát nước có chỗ chỉ rộng từ 10-50cm, thậm chí có chỗ không có.
Nền đường được nâng cấp lên cao gần 1m mà không có “lề” hay làn dành cho xe máy, trong khi xe ô tô tải lưu thông trên tuyến đường mỗi ngày một tăng khiến mặt đường thêm chật chội. Mỗi lần hai xe ô tô tải chạy ngược chiều nhau thì mặt đường bị chiếm gần hết khiến xe máy và các phương tiện khác phải dạt ra sát mương nước, rãnh sâu để tránh. Ngoài ra còn thiếu hệ thống biển báo, đèn chiếu sáng khiến nhiều đoạn đường tối thui, lưu thông vô cùng nguy hiểm.

tin liên quan

Sài Gòn kẹt xe lan sang... giờ lạ!
Sài Gòn đang ngày một chật cứng khi kẹt xe vẫn tiếp diễn và có xu hướng gia tăng không chỉ trong giờ cao điểm (sáng - chiều) mà còn ở các khung giờ khác trong ngày.
Ông Trần Văn Phi (người dân ấp 6, xã Lộ 25, H.Thống Nhất) nói: “Đường nhỏ quá, nhiều lúc đi lại rất khó khăn. Từ vạch trắng vô lề có tí xíu, khi hai xe tải chạy lên thì xe máy phải né vô mép đường vì không có nơi mà tránh. Xe tải đi càng nhiều thì nguy hiểm ngày càng tăng cao”.
Ông Nguyễn Văn Chín, chủ tịch UBND xã Lộ 25 (H.Thống Nhất) cho hay tỉnh lộ 769 hơi nhỏ, có nhiều đoạn đường xe tải phải chạy lên cả mương thoát nước. “Lúc trước xe tải đi qua ít, bây giờ thì lưu lượng càng nhiều lên. Từ đầu năm 2016 trở lại đây tai nạn giao thông tại khu vực này có chiều hướng tăng cao”, ông Chín nói.
Phải làm chủ tốc độ
Trả lời Thanh Niên, ông Lê Quang Bình, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai, cho biết tỉnh lộ 769 đảm bảo đúng thiết kế, có hai làn hỗn hợp dùng chung cho ô tô và xe máy. Trước đây, Bộ GTVT dùng vốn của QL1A hỗ trợ tỉnh làm đường. Do vốn đầu tư hạn chế nên tỉnh lộ 760 đoạn qua H.Thống Nhất chỉ có hai làn hỗn hợp, còn đoạn qua H.Long Thành thì có thêm hai làn cho xe máy đi hai bên.
Theo ông Bình, từ phía vạch trắng trở ra là giới hạn của đường được sơn phản quang để phương tiện lưu thông nhận biết chứ không phải lề đường như người dân lầm tưởng. Lúc đó lưu lượng ô tô chưa có lớn, vẫn sử dụng hỗn hợp ô tô, xe gắn máy đi được, nếu đầu tư mở rộng thì lãng phí. “Khi xe lưu thông trên đường phải làm chủ tốc độ, quan sát để không dàn hàng ngang song song với nhau. Làn đường hỗn hợp, ở giữa có vạch đứt nên xe ở làn ngược lại nếu quan sát bên kia trống thì có quyền lấn sang làn để đi”, ông Bình giải thích.
Liên quan đến việc thiếu hệ thống biển cảnh báo giữa các điểm giao cắt với đường nông thôn, ông Bình nói: “hệ thống biển báo theo quy định của Bộ GTVT đã được cắm đầy đủ, nếu chỗ nào thiếu thì có thể là do mất trộm, cắt phá. Chúng tôi sẽ cho rà soát để bổ sung”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.