Mặc dù chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở di dời nhưng một số gia đình vẫn cố thủ. Thậm chí có hộ còn mở cửa hàng, tiệm tạp hóa ngay trên sông để buôn bán, bất chấp nguy cơ nhà cửa bị cuốn trôi.
Một điểm sạt lở trên sông Đồng Nai (đoạn qua P.Uyên Hưng) làm người dân bị mất nhà
|
Sông Đồng Nai (đoạn chảy qua địa bàn tỉnh Bình Dương) hiện có 17 điểm sạt lở (gồm 6 điểm sạt lở cũ và 11 điểm sạt lở mới) với 174 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, trong đó có 73 hộ dân thuộc diện phải di dời.
Ông Đoàn Văn Thế (ngụ KP.2, P.Uyên Hưng, TX.Tân Uyên), cho biết vào ngày 19.6, căn nhà cấp 4 có diện tích 32,5 m2 và 1 chuồng heo có diện tích 175 m2 của gia đình ông đã bị sạt lở và trôi xuống sông. Cùng cảnh ngộ, đất của gia đình bà Nguyễn Nên Việt (ngụ KP.2) cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng. Do khu đất chưa được xây dựng bờ bao nên tình trạng sạt lở ngày càng mạnh và nguy trôi mất đất chỉ là vấn đề thời gian. “Cứ đà sạt lở mạnh như hiện nay thì nhà tôi chẳng mấy chốc mà đổ ào xuống sông”, bà Việt than thở.
Ghi nhận của Thanh Niên tại địa bàn xã Thạnh Hội (TX.Tân Uyên) có 5 điểm sạt lở nặng với chiều dài từ 50 - 70 m, sâu từ 2 - 3 m. Tại H.Bắc Tân Uyên cũng có tới 11 điểm sạt lở với chiều dài mỗi điểm từ 40 - 100 m, chiều rộng sạt lở vào phía bờ từ 3 - 15 m. Nhiều hộ dân các xã Lạc An, Thường Tân và Tân Mỹ đã bị mất đất sản xuất vì sạt lở bờ sông.
Khẩn trương di dời dân ra khỏi vùng sạt lở
Ông Đoàn Hồng Tươi, Phó chủ tịch UBND TX.Tân Uyên cho biết địa phương đã có kế hoạch xây dựng bờ bao sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn thị xã. Theo đó, những hộ sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao sẽ phải di dời đến định cư tại KP.3, P.Uyên Hưng. Ông Phạm Hiệp Hùng, Chủ tịch UBND P.Uyên Hưng, cho hay địa phương đã tuyên truyền, vận động những hộ sống trong khu vực sạt lở khẩn trương di dời. Hiện đã có 50/74 hộ dân trong vùng nguy cơ sạt lở đã thực hiện việc di dời, 4 hộ đã xây bờ kè chống sạt lở, còn lại 19 hộ chưa di dời. “Đến thời điểm này đa phần các hộ đã nhận hỗ trợ và nhận suất tái định cư. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số hộ mặc dù đã nhận hỗ trợ nhưng vẫn chưa tháo dỡ để bàn giao mặt bằng, một số hộ còn chây ì dựng nhà tạm để làm nơi mua bán, kinh doanh”, ông Hùng nói.
Trong chuyến khảo sát công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và hệ thống bến thủy nội địa trên sông Đồng Nai cuối tháng 8 vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị cần chuẩn bị mọi phương án sẵn sàng ứng phó tình huống xả lũ trên sông Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tập trung di dời các hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao; Tăng cường kiểm tra không để phát sinh việc xây dựng trái phép trong phạm vi hành lang sông Đồng Nai. Gấp rút triển khai thi công dự án bờ kè chống sạt lở trên sông Đồng Nai đoạn qua TX.Tân Uyên đã được UBND tỉnh phê duyệt, đồng thời công bố bản đồ cảnh báo mức xả lũ cho người dân nắm để chủ động ứng phó với tình huống ngập lụt xảy ra trong mùa mưa lũ.
Bình luận (0)