Đàn ông

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
04/03/2018 11:12 GMT+7

Tôi thường nghe và được nghe lời khuyên của nhiều người rằng, cuộc đời phải biết quên đi mà sống. Nhưng tôi cũng thường thấy những người có lời khuyên đó chưa từng và chưa bao giờ quên điều gì cả. Ở một nghĩa nào đó, càng nói quên thì họ lại càng nhớ.

Tôi có chơi như bạn với một người nhỏ hơn tôi. Người ta gọi nó là đại gia, tôi thực sự không biết nó giàu đến cỡ nào, chỉ khi thấy buồn buồn, nó mua một chiếc xe hơi, vui vui nó mua một chiếc xe hơi kiểu khác, không buồn không vui, nó cũng mua chiếc xe hơi kiểu khác nữa… Đại để, nó mua xe hơi như thể tôi mua một bó rau muống.
Chơi mãi đến 10 năm, tôi mới phát hiện ra, khi nào làm ăn lên hương thì nó lặn mất tăm, khi nào gặp khó thì nó tổ chức tiệc tùng đình đám, gọi điện mời đi nhậu nhẹt búa xua. Những lúc như thế, sau này chỉ có tôi đi với nó, nghe nó trút bầu tâm sự, kể khổ và nghe nó hát nhạc Trịnh, đầy tâm trạng.
Tôi cũng chơi với một người lớn tuổi hơn tôi, như bạn. Anh ấy luôn luôn khoe chuyện bồ bịch, luôn luôn nói chuyện tình dục, rằng thế nọ nọ kia… Chơi với nhau suốt 15 năm tôi mới biết, anh chưa bao giờ có bồ bịch, càng chưa bao giờ có đời sống tình dục như người bình thường khác.
Tôi cũng có chơi với một vài đồng nghiệp và thường nghe họ cao đàm khoát luận, dường như không có chuyện gì là họ không biết, không có chuyện gì người khác biết bằng họ. Chơi với nhau 10 năm, một ngày đẹp giời, tôi tự đố mình, xem có nhớ bài báo nào họ viết? Thú thực không thể kể được một cái tên.
Tôi cũng có chơi với một người mà người khác mới gặp anh, tưởng anh đắc đạo, không màng chuyện thế sự, không màng công danh… Cuối cùng, tôi cũng nhận ra, đó là một con người có thể màng công danh đến chết, lá mặt lá trái sự đời như trở bàn tay. Người đó khiến tôi kinh hãi vô cùng.
Từ đó, tôi rút ra một điều, thường thì ai thiếu thứ gì hay nói về thứ đó.
*
Người đàn ông sống quá nửa thế kỷ không thể gọi là lớn nhưng cũng không thể gọi là nhỏ, đủ để biết phải trái thiệt hơn nhưng dường như tạo hóa trớ trêu, biết là chỉ biết thế thôi…
Có những điều người đàn ông chỉ làm khi đã 50 tuổi, trước đó không thể nào làm được. Ví như tôi, trước đây chưa từng biết sợ ai, thấy không đúng là nói, ngứa mắt thì chửi, thấy vô liêm sỉ thì nhổ nước bọt… Lúc đó, người ta nói tôi ngạo mạn, không coi ai ra gì.
Khi 50 tuổi, có nhiều điều thấy sai không nói, ngứa mắt không chửi, vô liêm sỉ không nhổ nước bọt… Lúc đó, người ta coi tôi là thằng ngu, chẳng biết cái gì. Nhẫn nhịn lâu đâm ra hèn. Cái gì cũng sợ. Có người làm tôi sợ đến lạnh xương sống. Nhìn thấy họ cũng sợ, nhắc đến họ cũng sợ, nghe họ nói qua điện thoại cũng sợ… Ở miền Bắc gọi là sợ vãi. Thế mà có người bảo tôi... đắc đạo. Tôi thì ghét người già, như tôi.
*
Cách đây dễ đến 15 năm, có lần vui chuyện, vợ tôi nói, anh cứ như cái sọt rác của người thất sủng. Ai thất sủng cũng tìm đến anh tâm sự, chưa thấy ai thành công mà nhớ đến anh. Lời nói khiến tôi giật mình, toát cả mồ hôi.
Hôm qua con tôi hỏi, ba, cuộc đời ba sợ nhất cái gì. Tôi nói ra thứ mà tôi sợ. Con tôi lại hỏi, vì sao ba sợ, họ có gì hơn ba mà ba phải sợ? Câu hỏi làm tôi lạnh sống lưng. Cái lạnh giống như người gặp ma. Và tối nay, khi con tôi ngủ, tôi thức dậy viết những dòng này, viết xong, tự hỏi, vì sao mình như thế?
Chắc là vì để... tồn tại.
*
Tôi nhận điện thoại của một doanh nhân muốn thông qua Thanh Niên làm từ thiện cho người dân bị bão lụt ở miền Trung. Rất vui mừng, tôi hỏi chuyến bay và hứa đón anh. Ai làm từ thiện đều được đón tiếp nồng nhiệt như thế. Riêng anh này, tôi tò mò muốn gặp không chỉ vì anh ta là tỉ phú mà anh ta sở hữu rất nhiều giai thoại, tạo cho tôi một sự chú ý đặc biệt.
Lên sân bay, đã thấy một nhóm người bao gồm các cô chân dài xinh đẹp và các anh thanh niên lịch lãm cầm hoa đứng đợi, tôi nghĩ bụng, họ đón nhân vật nào chắc cũng quan trọng đây. Anh xuống máy bay và gọi điện cho tôi, chúng tôi nhận ra nhau, vừa lúc các cô gái chân dài và các anh thanh niên lịch lãm ôm hoa chạy đến. Hóa ra, nhân vật quan trọng lại là anh.
Anh bắt tay tôi và nhờ anh lái xe của cơ quan tôi xách giùm cái cặp, đoạn bảo: “Thế Thịnh chịu khó đợi tôi chút xíu”. Nói xong, anh quay lại nhóm người cầm hoa và nói với một anh (sau này tôi mới biết anh ta là truởng đại diện chi nhánh ở Đà Nẵng, những người cùng đi là nhân viên trong chi nhánh): “Tôi trả lương cho các anh, chị để làm việc chứ không có khoản nào để đi đón tôi. Mời các anh chị về”. Nói xong, anh quay lại, đi thẳng lên xe tôi.
Hành động của anh khiến tôi bất ngờ và thán phục. Tôi tự ước, nếu ai cũng có suy nghĩ như anh thì đất nước này bớt đi bao nhiêu công việc lễ tân rườm rà. Thán phục! Chuyến đi làm từ thiện với anh cho tôi nhiều bài học lớn. Và người dân khi nhận tiền, không ai biết anh là một đại gia.
*
Lại nói, anh trưởng chi nhánh sau đó gặp tôi, bày tỏ lòng thán phục sếp mình. Anh tâm sự: “Tôi đã nhận được một bài học lớn của những người làm việc chuyên nghiệp. Tôi tự thấy mình chưa chuyên nghiệp, còn phải học hỏi nhiều. Vì thế, tôi cảm thấy xấu hổ nên đã từ nhiệm để xin qua một đơn vị khác. Khi có cơ hội, tôi sẽ quay về”.
Tôi lại vô cùng cảm phục anh chàng trẻ tuổi này. Từ đó, chúng tôi thành anh em bạn bè. Ít lâu sau, anh gặp tôi, mặt méo xẹo: “Tôi đã bị thôi việc”. Hỏi ra mới biết, anh chàng này do rút kinh nghiệm “chưa chuyên nghiệp” của mình ở công ty cũ, hòng để chuyên nghiệp hơn. Vì thế, khi sếp anh từ Hà Nội vào, anh không đi đón. Sếp anh đi taxi về thẳng văn phòng, chỉ mặt bảo: “Tôi trả lương cho anh là để phục vụ tôi, không phải trả lương để anh không biết ai trên, ai dưới. Anh bị thôi việc”.
*
Chuyên nghiệp cũng không được, không chuyên nghiệp cùng không xong, anh bèn nghĩ, chỉ có làm chủ mới tự quyết định được, và thành lập công ty để làm giám đốc.
Công ty làm ăn 3 năm và gặt hái được nhiều thành tựu vượt bậc, anh quyết định mở chi nhánh ở Sài Gòn.
Hôm khai trương chi nhánh, anh cù tôi đi chơi. Ngồi trên máy bay, tôi bất ngờ hỏi: “Nếu vào sân bay mà trưởng chi nhánh và nhân viên lên đón, ông sẽ xử lý sao?”. Anh này hơi bất ngờ về câu hỏi, đoạn cười: “Nan giải nhỉ. Nếu họ lên đón, chẳng lẽ tôi nói: ‘Tôi trả lương cho các anh chị là để làm việc chứ không có khoản nào để đi đón tôi. Mời các anh chị về. Các anh chị đã bị thôi việc’. Nếu họ không lên đón, chẳng lẽ tôi đi taxi về chi nhánh bảo: ‘Tôi trả lương cho các anh chị là để phục vụ tôi, không phải trả lương để anh không biết ai trên, ai dưới. Các anh chị bị thôi việc’. Khó thiệt khó thiệt’...
Máy bay từ từ hạ cánh...
Làm đàn ông đâu dễ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.