Đàn ông có nên sử dụng biểu tượng cảm xúc?

Tạ Ban
Tạ Ban
28/04/2019 15:23 GMT+7

Chỉ là chuyện dùng biểu tượng cảm xúc (emojis) khi nhắn tin thôi mà cũng “phân biệt giới tính”, đàn ông hay phụ nữ ư?

Nghiên cứu mới được công bố trên Frontiers in Psychology, việc giải thích biểu tượng cảm xúc có thể thay đổi mạnh mẽ tùy thuộc vào giới tính của người gửi. Để kiểm tra sự khác biệt về giới trong giải thích biểu tượng cảm xúc, các nhà tâm lý học tại Đại học Tây Nam, Texas (Mỹ) đã tuyển dụng 80 sinh viên đại học tham gia một thí nghiệm ngắn.
Những người này được phân ngẫu nhiên vào một trong bốn nhóm thử nghiệm. Họ được yêu cầu đọc và đánh giá nội dung tin nhắn văn bản. Từ ngữ trong tin nhắn không khác nhau giữa các nhóm nhưng các nhà nghiên cứu đã thay đổi một cách có hệ thống cảm nhận giới tính của người gửi tin nhắn văn bản (Rebecca so với Steven) cũng như biểu tượng cảm xúc được hiển thị ở cuối tin nhắn (biểu tượng cảm xúc khuôn mặt tươi cười so với khuôn mặt hôn và trái tim), theo PT
Sau đó, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia đánh giá sự phù hợp của tin nhắn văn bản bằng cách chỉ ra mức độ đồng ý của họ với các tuyên bố sau:
- Tôi sẽ gửi một tin nhắn như thế này cho đồng nghiệp
- Tôi thấy tin nhắn văn bản này chấp nhận được
- Rebecca/Steven hành động chuyên nghiệp trong trường hợp này
- Văn bản cho thấy một giọng điệu thích hợp giữa các nhân viên
- Tin nhắn này có vẻ không phù hợp
Các nhà nghiên cứu cũng đánh giá khả năng của người gửi bằng cách yêu cầu người tham gia chỉ ra sự đồng ý với bốn tuyên bố sau:
- Tôi muốn làm việc với ai đó như Rebecca/Steven
- Tôi cảm thấy như thể mình sẽ hòa hợp với Rebecca/Steven
- Rebecca/Steven có vẻ như là kiểu người hòa hợp với người khác
- Rebecca/Steven có lẽ là người dễ gần.
Kết quả rất thú vị! Các văn bản có biểu tượng cảm xúc mến thương được đánh giá là phù hợp hơn khi chúng được cho là đến từ một người phụ nữ. Tin nhắn với biểu tượng cảm xúc thân thiện (mặt tươi cười) được đánh giá là phù hợp như nhau, nhưng có thể thích hợp hơn khi chúng được gửi bởi một người đàn ông.
Các tác giả viết trên Frontiers in Psychology: "Phát hiện của chúng tôi xác nhận rằng nhận thức của mọi người về tin nhắn và người gửi của nó có thể bị ảnh hưởng không chỉ bởi giới tính của người gửi mà còn bởi cách sử dụng biểu tượng cảm xúc của người đó. Những phát hiện này phù hợp với định kiến giới trong giao tiếp, cho thấy mọi người thường nhìn nhận phụ nữ thể hiện tình cảm mến thương, trìu mến thì thích hợp hơn là đàn ông”.
Nhóm tác giả nói rằng kết quả này có thể áp dụng vào giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Nếu bạn là nữ, thoải mái dùng cả hai biểu tượng cảm xúc thân thiện và mến thương, ngay cả trong môi trường làm việc.
Tuy nhiên, đàn ông có thể muốn thận trọng hơn khi dùng biểu tượng cảm xúc mến thương. Nhưng đàn ông không nên ngại sử dụng biểu tượng cảm xúc thân thiện thường xuyên bởi nó có thể giúp họ ghi điểm được yêu thích, hoặc ít nhất, nó sẽ giúp phá vỡ định kiến giới trong phong cách giao tiếp tin nhắn văn bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.