Lâu nay cứ tưởng ghen tuông là chuyện của mấy bà. Vậy mà hôm qua, mình nhặt được trên bàn nhậu chuyện ghen khá “sâu sắc” của mấy ông.
Minh họa: DAD
|
Tình yêu, tình yếu và tình yểu
Anh là chủ một ga ra có gần chục thợ. Có người nói ông có ga ra mà thiếu ga lăng coi chừng vợ lăng nhăng rồi mặc sức mà ghen. Lâu lâu nên trút bộ đồ dầu mỡ, đưa vợ đi coi hát, nghe nhạc, ăn kem. Anh cười, nói vợ tui là tô cơm nguội, ai cần tui gả phắt cho khuất mắt. Tưởng anh không ghen hóa ra anh ghen không tưởng.
Chị là hiệu trưởng trường mẫu giáo, xinh đẹp và vui tính, dù hai con nhưng mỗi lần đưa hình lên “phây” thường được nhiều còm “trông như gái còn son”. Thế là anh xét nét, nói trường toàn trẻ con, việc gì em phải tô son điểm phấn? Chị nói cô đẹp mấy cháu mới thích. Anh cười nhạt, nói mấy cháu thích hay mấy chú thích?
Chị liên hoan tổng kết năm học về, mặt hồng hồng vì mấy ly bia, anh chua chát nói chào cô gái còn son. Nhậu nhẹt, ngả ngớn, đú đởn với mấy cha vét tông cà vạt đã đời rồi chứ? Chị choáng váng nhưng cố cười: “Ra đường thiếp hãy còn son/Về nhà thiếp đã hai con cùng chàng”. Anh gằn từng tiếng: “Biết đâu đấy! Quần trơn áo mỏng. Liệu hồn!”.
Vậy là một nhà có hai bầu trời. Vẫn ngủ chung nhưng mỗi người xoay về một hướng. Vẫn ăn chung nhưng ai cũng trệu trạo cho qua bữa. Mấy đứa nhỏ biết “thời tiết” xấu nên đứa nào cũng khép nép thấy tội lắm. Đi chợ, chị được một thợ ga ra âm thầm bám theo. Đi họp, một thợ khác cứ lượn lờ ngoài cổng cơ quan. Đi đám cưới xong, ghé thăm nhà bạn, lại một thợ khác lù lù xuất hiện, nói chú sai con kêu cô về có chuyện. Anh lén kiểm tra điện thoại của chị. Anh cũng hay đá thúng đụng nia mỗi khi chị lên “phây”.
Im lặng hoài cũng ớn. Một bữa chị nói anh trả lương “thám tử” cho mấy người thợ chưa? Bây giờ vầy. Lấy... anh làm tâm, tui phải loanh quanh trong bán kính bao nhiêu mét cho anh hết ghen? Anh tím mặt, nói chẳng qua là vì tình yêu… Chị nói ghen kiểu đó tình yêu thành tình… yếu rồi tình yểu có ngày.
Giấu đầu lòi đuôi
Còn đây là chuyện… siêu ghen. Chồng là trưởng phòng văn hóa huyện. Vợ là giáo viên dạy văn cấp 3 rất uy tín, quen biết hầu hết các nhà thơ nhà văn trong tỉnh. Cô giáo hay nhận quà tặng, khi thì tập thơ, khi thì cuốn truyện. Một lần cô nhận bưu phẩm là một tập thơ của nhà thơ X. với mảnh giấy nhỏ: “Mến tặng nhà giáo... Đang chờ mấy lời cảm nhận về tập thơ”. Cô giáo đọc say mê. Cả tuần liền, cô ghi ghi chép chép cho đến tận khuya. Tập thơ này là giọt nước làm tràn ly... ghen của chồng. Anh ta mặt nặng mày nhẹ, bới tung giá sách của vợ, quăng những tập thơ, tập truyện của những... “tình địch” dưới gầm bàn. Hai vợ chồng ly thân ngay trong nhà của mình.
Một hôm nhà thơ X. nhận được lá thư nặc danh. Nội dung: “Ông là nhà thơ đói rách, viết lách để lừa tình. Đừng dùng những lời trăng hoa mây gió để dụ dỗ, gạ gẫm vợ người khác”.
Linh tính mách bảo, nhà thơ X. điện thoại hẹn cô giáo đến một quán cà phê để nhận diện lá thư. Cô xấu hổ muốn chui xuống lỗ. Lá thư thì đánh máy nhưng tên người nhận trên bì thư là chữ viết của chồng mình. Cô giáo xin lỗi nhà thơ, nói để cháu về trao đổi với ông chồng làm văn hóa về văn hóa viết thư.
Cô gõ cửa phòng riêng của chồng. Chồng nói cô định... quấy rối tình dục tui đó hả? Mặc! Vợ vào đặt lá thư trên bàn, nói viết thư nặc danh mà đánh máy lá thư thôi thì chưa đủ đâu anh. Lần sau, anh làm ơn đánh máy luôn cái bì thư nhé. Không khéo giấu đầu lòi đuôi.
Trước khi quay ra, vợ nhả thêm một câu khiến chồng ớn lạnh: “Anh biết nhà thơ X. chớ? Lớn hơn nội lũ nhỏ năm tuổi. Ông ấy là bác ruột của giám đốc sở văn hóa tỉnh mình đó anh”.
Bình luận (0)