Dân phải gánh thất thoát của điện, nước, than đến bao giờ?

Sản xuất 10 m 3 nước thất thoát hết 3 m 3 nước sạch, khai thác than trong hầm lò 10 kg rơi rụng hết 4 - 6 kg, làm được 5 kW điện thất thoát 1 kW... là thực trạng nhức nhối đang diễn ra tại VN.

Đáng nói là tất cả những thất thoát này đều được tính vào giá và "bổ đầu" trên mỗi người dân.
Triệu USD thất thoát điện, nước
Tại hội thảo quốc tế về giảm tổn thất điện do Hội Điện lực VN tổ chức trong hai ngày 7 và 8.9 vừa qua tại Hà Nội, Tập đoàn điện lực VN (EVN) thông tin trong 5 năm qua, tổn thất điện năng đã giảm được từ 10,15% năm 2010 xuống 7,94% năm 2015.
Cái gốc vấn đề là ở VN cung cấp điện, phân phối điện không theo cơ chế thị trường, không có cạnh tranh nên muốn tính giá như thế nào thì người tiêu dùng phải chịu thế đó, không có sự lựa chọn. Xuất phát từ cơ chế như vậy nên ngành điện có nhiều điều vô lý, trong đó có chuyện thất thoát cao và người tiêu dùng phải chịu khi bị tính vào giá thành
TS Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Bách Phúc, Viện trưởng Viện Điện - điện tử - tin học TP.HCM, EVN công bố tổn thất của ngành điện chỉ gần 8% là không đúng. “Theo tính toán của các chuyên gia độc lập ngành điện chúng tôi thì ở VN đang thất thoát phải tới mức 20%”, TS Phúc nói và cho biết thất thoát 20% là do trình độ kỹ thuật ngành điện kém, trình độ quản lý cũng thấp, đầu tư và vận hành không tốt nên thất thoát cao. “Riêng đường dây 500 kW chúng tôi cho là thất thoát ít nhất 20%, vì dẫn điện từ Hòa Bình vào tới miền Nam với khoảng cách rất xa. EVN cũng chỉ mới công bố con số thất thoát 8% chứ chưa có công trình nghiên cứu nào chứng minh thất thoát đó là đúng”, TS Phúc chỉ rõ.
Tương tự với nước sạch, riêng tại TP.HCM, năm 2008, tỷ lệ thất thoát nước lên đến 42,54%, song chính quyền thành phố chỉ cho phép đưa 28% vào giá nước sạch trong lộ trình tăng giá nước từ 2009 - 2013 và yêu cầu mỗi năm phải giảm thất thoát nước sạch 0,5% vào giá bán. Như vậy, nếu theo đúng lộ trình, đến năm 2016, tỷ lệ thất thoát được cộng vào giá bán nước sạch phải là 24,5% mới đúng. Thế nhưng, trong phương án mới được chọn đề xuất giá nước cho lộ trình 2016 - 2020 của Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), tỷ lệ thất thoát nước tính vào giá bán lại giữ mức 29%, bằng tỷ lệ thất thoát trung bình hiện tại được Sawaco báo cáo.
Tại TP.HCM, trung bình mỗi ngày thất thoát hơn 565.000 m3 nước, tính theo mức giá nước sinh hoạt thấp nhất là 5.830 đồng/m3 thì mỗi ngày đã mất trắng gần 3,3 tỉ đồng. Nếu tính chung trên toàn quốc, con số thất thoát mỗi ngày là gần 10 tỉ đồng.
Đổ đầu người dân
Theo TS Nguyễn Bách Phúc, trong quản lý ngành điện của thế giới, giá thành đều cộng các khoản thất thoát, nhưng thất thoát cao hay thấp mới là vấn đề quan trọng. Thất thoát ở VN là quá lớn, nhất là thất thoát do quản lý, vận hành, kỹ thuật… Tuy nhiên, dù có thất thoát vì bất kỳ lý do nào thì người tiêu dùng cũng phải gánh chịu.
Cần xã hội hóa thì giá điện nước mới bớt nặng trên vai người dân Ảnh: Bạch Dương
Cần xã hội hóa thì giá điện nước mới bớt nặng trên vai người dân Ảnh: Bạch Dương
Còn TS Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, cho rằng tổn thất điện năng lớn nhất ở VN là trên đường dây truyền tải, do thường xuyên bị quá tải. Thứ hai là tổn thất ở khâu thương mại do ăn cắp điện. Thứ ba là tổn thất ở lưới điện nông thôn. “Những tổn thất này là không thể tránh được. Cả nước thống nhất một hệ thống điện trong khi ở các quốc gia khác, mỗi địa phương có hệ thống điện riêng nên tổn thất khác mình. Tổn thất điện ở VN là tổn thất toàn hệ thống chứ không phải tổn thất cục bộ. Do đó, trong hạch toán giá thành bao giờ cũng tính tổn thất vào đấy. Từ giá thành suy ra giá bán nên người dân phải gánh chịu. EVN phấn đấu tới năm 2020 giảm tổn thất xuống còn 6,5%. Muốn làm được điều đó phải củng cố lại hệ thống lưới, đặc biệt là hệ thống lưới truyền tải. Nhà máy tập trung ở miền Bắc nên truyền tải đường dây 500 kW vào miền Nam là xa vô cùng, dẫn tới tổn thất lớn. Trong quy hoạch điều chỉnh đã phân bổ lại và bắt đầu xây dựng nhiều nhà máy sản xuất điện ở trong nam”, ông Ngãi phát biểu.
Tuy nhiên, TS Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM lại cho rằng: “Cái gốc vấn đề là ở VN cung cấp điện, phân phối điện không theo cơ chế thị trường, không có cạnh tranh nên muốn tính giá như thế nào thì người tiêu dùng phải chịu thế đó, không có sự lựa chọn. Xuất phát từ cơ chế như vậy nên ngành điện có nhiều điều vô lý, trong đó có chuyện thất thoát cao và người tiêu dùng phải chịu khi bị tính vào giá thành”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường TP.HCM (thuộc MTTQ VN TP.HCM) thẳng thắn: “Thất thoát trong sản xuất nước, điện với tỷ lệ cao như vậy phải nhìn nhận thực tế là kỹ thuật và cả ý thức nâng cao công nghệ của ta còn quá kém và thiếu trách nhiệm. Việc giá điện tính không theo cơ chế thị trường, việc để nạn xuất lậu than hoạt động rầm rộ bao năm qua, không phải các cơ quan quản lý không biết. Tuy nhiên chính cách vận hành điều tiết giá điện, nước dễ dẫn đến nạn ăn cắp trong những ngành này rất cao. Mà kết cục dân phải chịu là rất vô lý”.
Xã hội hóa "phá" độc quyền
Các chuyên gia cho rằng, cần gấp rút xã hội hóa các lĩnh vực điện, nước để bảo đảm tính cạnh tranh công bằng hơn.
TS Ngô Trí Long cho rằng thất thoát điện ở VN so với các nước là rất cao vì đường tải điện xa, cơ sở hạ tầng yếu, nên chi phí tổn thất điện lớn. Tốt nhất là nơi sản xuất và tiêu thụ phải gần nhau, hai là phải bố trí đường truyền tải lại cho phù hợp để giảm tổn thất điện năng. “Hệ thống điện VN gồm khâu phát điện, truyền trợ dẫn và phân phối. Hiện nay khâu truyền dẫn không xã hội hóa được, chỉ có khâu phát là phát điện cạnh tranh thì đang tiến tới xã hội hóa. Nước thất thoát cũng như vậy, đều đổ vào chi phí, dẫn tới giá thành cao và bất hợp lý về giá. Phải xã hội hóa để giảm tối đa gánh nặng thất thoát cho người dân”, ông Long nói.

Cụ thể với ngành điện, để tư nhân tham gia vào một số khâu, nhằm bổ sung nguồn lực, TS Huỳnh Kim Tước phân tích: Sản xuất điện đã thị trường hóa khi có nhiều bộ phận xã hội tham gia, xu hướng chuyển biến tốt.
Tuy nhiên 95% hệ thống phân phối vẫn tập trung vào EVN, dẫn tới độc quyền. “Có thể có tới hàng trăm nhà sản xuất nhưng hàng trăm ông bán cho một ông, dẫn tới ông phân phối độc quyền, không có cạnh tranh. VN đã xã hội hóa được sản xuất điện nhưng phân phối điện thì lại tập trung vào một chỗ. Khi không xã hội hóa được hệ thống phân phối thì không đủ nguồn lực. Ngoài ra còn có quy hoạch sai.
Cụ thể, miền Nam chiếm hơn 50% lượng điện năng tiêu thụ, trong khi hệ thống sản xuất điện lại tập trung chủ yếu ở phía bắc. Tốn ngân sách rất lớn để kéo nguồn điện từ bắc vào nam, hậu quả là tổn thất của ngành điện rất lớn và khó giảm xuống. Rõ ràng vừa thiếu nguồn lực vừa quy hoạch không đúng. Quy hoạch không đúng thì đầu tư không hợp lý”, ông Tước nhấn mạnh. Theo ông Tước, bất cập càng nhiều thì lãng phí càng lớn. Vì thế, nếu xã hội hóa có 5 - 7 đơn vị tham gia vào vận tải điện, tình hình sẽ khác.
“Việc xã hội hóa vận tải điện là không hề dễ dàng vì đầu tư rất lớn, trong khi lịch sử ngành điện thừa hưởng hạ tầng có sẵn. Tuy nhiên, nếu có chính sách và quy hoạch tốt thì vẫn thu hút được tư nhân đầu tư vào hạ tầng phân phối điện”, ông Tước nhìn nhận.
Một chuyên gia về nước phân tích, đa số thất thoát đến từ hệ thống đường ống quá cũ, hệ thống quản lý quá rộng, cần “chẻ nhỏ” ra để dễ quản và quy trách nhiệm. Trước mắt phải có đường dây nóng hoạt động tốt, cung cấp và vận động người dân phải cấp báo khi có thông tin bể đường ống nước đâu đó. Lắp đặt đồng hồ tổng từng khu vực để nắm bắt tỷ lệ thất thoát cụ thể hơn.
Bể ống nước tại đường Đặng Văn Ngữ (Q.Phú Nhuận). Ảnh: Diệp đức Minh
“Đặc biệt phải lập kế hoạch chi tiết, phân tích đánh giá tình trạng mạng lưới hệ thống đường ống, van khóa và các thiết bị khác. Chạy thủy lực hệ thống hiện trạng, phân vùng, kiểm tra thủy lực theo vùng và khu vực để nắm chi tiết hơn… Qua đó, có thể dễ dàng giao tư nhân thực hiện một số hạng mục rất hiệu quả”, chuyên gia này phân tích và cho biết cách làm này đã thành công tại một số địa phương ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Làm 10 kg than, thất thoát 5 kg
Góp phần “đè” nặng lên vai người dân trong cách tính giá điện, nước là than. Ngành công nghiệp khai thác than của VN được đánh giá tăng trưởng và khai thác ở quy mô lớn. Theo số liệu từ Bộ TN-MT, VN đã khai thác 42,6 triệu tấn than, 3 triệu tấn quặng sắt, và nhiều loại khoáng sản khác với trữ lượng lớn vào năm 2013. VN đứng thứ 7 về khai thác dầu thô ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đóng góp 2,3% vào tổng sản lượng thiếc và 1,8% tổng sản lượng xi măng thế giới vào năm 2012. Tuy nhiên, tại hội thảo về quản lý đầu tư trong khai thác khoáng sản được tổ chức vào đầu tháng 8 vừa qua ở Hà Nội, chuyên gia của Viện Quản trị tài nguyên Mỹ nhận định, mức độ thất thu ngân sách từ khai thác tài nguyên ở VN khá cao, lên tới 1 tỉ USD hằng năm.
Theo các chuyên gia, có 4 bất cập gây thất thoát nghiêm trọng trong ngành khai thác than là do công nghệ lạc hậu. Cụ thể, hiện đối với khai thác than trong hầm lò, tỷ lệ tổn thất lên đến 40 - 60% (tức làm ra 10 kg, mất 4 - 6 kg), 26 - 43% đối với quặng apatit, 15 - 30% đối với quặng kim loại và 15 - 20% đối với vật liệu xây dựng.
Theo PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, việc khai thác bằng công nghệ lạc hậu khiến tỷ lệ thu hồi than của VN hiện rất thấp. Bên cạnh đó than được làm ra lại gặp tình trạng xuất thô, xuất lậu sang Trung Quốc với số lượng lớn trong thời gian dài là bức tranh ảm đạm của ngành khai thác khoáng sản. “Điều đáng nói là trong khi than bị xuất lậu, nhà nước thất thu thuế, nhưng ngành điện lại phải nhập hàng triệu tấn than từ Úc và New Zealand để sản xuất điện. Không hiểu nổi tại sao nghịch lý này vẫn tồn tại và “sống khỏe” từ bao năm qua như vậy”, ông Ninh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.