Đạn pháo thiếu trầm trọng, lính Ukraine tìm cách tái chế đạn hỏng

Đạn pháo thiếu trầm trọng, lính Ukraine tìm cách tái chế đạn hỏng

13/04/2023 14:34 GMT+7

Quân đội Ukraine đang lâm vào tình trạng thiếu hụt đạn dược và phải cố gắng phân bổ đạn đồng thời tìm cách tái chế lại đạn cũ.

Theo một bài báo trên tờ The Washington Post, Lữ đoàn cơ giới số 59 đóng tại miền đông Ukraine đã từng có lúc bắn hơn 20 đến 30 quả đạn pháo mỗi ngày bằng lựu pháo thời Liên Xô. Nhưng giờ đây, lữ đoàn này chỉ có thể duy trì cường độ bắn 1 đến 2 quả mỗi ngày, thậm chí có ngày họ không còn đạn pháo để bắn.

Trong bối cảnh đạn dược dần trở nên thiếu hụt, những người lính trong các xưởng chế tạo nằm dưới lòng đất đang tìm cách tái chế những bom mìn cũ, chưa nổ, và sử dụng máy in 3D để chế tạo các loại đạn nhỏ có thể sử dụng cho máy bay không người lái.

Bên cạnh đó, quân đội Ukraine giờ cũng bắt đầu chọn lọc các mục tiêu quan trọng và tăng độ chính xác vào các mục tiêu nhằm tránh lãng phí đạn dược.

Dù vậy, một quan chức Ukraine giấu tên nói với tờ Washington Post rằng cho đến thời điểm hiện tại, theo ước tính quân đội Ukraine vẫn bắn trung bình 7.700 quả đạn pháo mỗi ngày.

Ở chiều ngược lại, một ước tính cho thấy, Nga bắn gấp 3 lần số lượng đạn pháo mà Ukraine sử dụng mỗi ngày.

Trên mặt trận đẫm máu Bakhmut, cả hai phía Ukraine và Nga đều đang chật vật để đảm bảo đạn được và vũ khí cần thiết vẫn được cung cấp nhằm tiếp tục chiến đấu.

Trước các dự đoán về một cuộc phản công của Ukraine trong thời gian tới, các quốc gia đồng minh phương Tây được cho là đang cố gắng duy trì tốc độ sản xuất đạn dược nhằm cung ứng cho Ukraine.

Hồi tháng 2 năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu rằng "cuộc chiến ở Ukraine đang tiêu tốn một lượng đạn dược khổng lồ và làm cạn kiệt kho dự trữ của các nước đồng minh".

Ông thừa nhận tốc độ tiêu thụ đạn dược hiện tại của Ukraine cao hơn nhiều so với khả năng sản xuất hiện tại của các nước NATO.

Ông Stoltenberg cũng nói rằng các quốc gia phương Tây hiện đang cố gắng đầu tư và mở rộng sản xuất đạn được nhằm cung ứng cho Ukraine.

Trong khi đó, mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hứa sẽ gửi cho Ukraine hơn 200.000 viên đạn pháo, tên lửa và đạn xe tăng, nhưng ngay cả Mỹ cũng đang đối mặt với tình trạng "cung không đủ cầu".

Tương tự, Liên minh châu Âu đã lập kế hoạch gửi thêm 1 triệu viên đạn cho Ukraine nhưng các nước châu Âu hiện đang phải đối mặt với thách thức trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của Kyiv.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.