Dân số châu Á và những rủi ro trong thế giới 8 tỉ người

04/01/2023 08:00 GMT+7

Châu Á chiếm hơn một nửa trong 8 tỉ người trên thế giới , nhưng bức tranh dân số tại khu vực có sự tương phản rõ rệt với nhiều vấn đề nan giải.

Theo dự báo, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Dân số trẻ và tiếp tục gia tăng của Ấn Độ mang lại cơ hội phát triển, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức, từ xóa đói giảm nghèo đến giáo dục. Tình thế tiến thoái lưỡng nan của Ấn Độ chỉ là một phần của bức tranh dân số phức tạp và đa dạng tại châu Á, nơi cho thấy rõ sự đối lập giữa các quốc gia có dân số trẻ và ngày càng gia tăng với các quốc gia có dân số già và ngày càng suy giảm.

Một khu chợ đông đúc ở Mumbai, Ấn Độ hồi tháng 10.2022

Reuters

Bức tranh đối lập

Vào ngày 15.11.2022, LHQ thông báo có thể đã có công dân thứ 8 tỉ của hành tinh được sinh ra, sau 11 năm thế giới cán mốc 7 tỉ người. Châu Á là nhà của hơn một nửa dân số hiện tại trên toàn cầu. Ngoài Trung Quốc (1,426 tỉ người) và Ấn Độ (1,417 tỉ), 5 quốc gia châu Á khác đã có hơn 100 triệu người vào năm 2022, theo số liệu của LHQ. Đó là: Indonesia (276 triệu), Pakistan (236 triệu), Bangladesh (171 triệu), Nhật Bản (124 triệu) và Philippines (116 triệu). Việt Nam, với 98 triệu dân, dự kiến sẽ sớm gia nhập nhóm này.

Năm 2023 sẽ đánh dấu một bước ngoặt lịch sử đối với nhân khẩu học châu Á: lần đầu tiên trong kỷ nguyên hiện đại, dân số Ấn Độ được dự đoán sẽ vượt qua Trung Quốc. Theo dự báo của LHQ, dân số Ấn Độ sẽ tăng khoảng 11 triệu người từ năm 2022 đến năm 2023, lên mức 1,43 tỉ người.

Tuy nhiên, cũng không có khu vực nào mà sự đối lập về xu hướng nhân khẩu học lại rõ rệt như châu Á. Khu vực này có các quốc gia dân số trẻ với độ tuổi trung bình trong khoảng 20-30, chẳng hạn Ấn Độ (27,9 tuổi), Pakistan (20,4) và Philippines (24,7), cũng như các nền kinh tế già hóa với độ tuổi trung bình của người dân trong khoảng 40-50, bao gồm Nhật Bản (48,7) và Hàn Quốc (43,9). Hai nước láng giềng Nhật - Hàn đã phải đối mặt với tình trạng tỷ lệ sinh giảm nghiêm trọng sau khi Covid-19 bùng phát, khiến nhiều người hoãn cưới hoặc hoãn sinh con. Dữ liệu về mức sinh của LHQ chỉ ra tổng tỷ suất sinh ở Đông Á - bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước khác - đã giảm từ mức 1,46 vào năm 2019 xuống mức 1,17 vào năm 2021.

Dân số đã bắt đầu già đi của Trung Quốc đang đạt đến mức ổn định và dự kiến sẽ bắt đầu giảm trước năm 2025, theo truyền thông nước này. Tương tự, dân số cũng đang già hóa nhanh chóng ở một số nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore và Thái Lan.

Gặp những em bé chào đời khi dân số thế giới chạm mốc 8 tỉ người

Tác động ở cả hai phía

Dù ở phía nào, xu hướng dân số đang cho thấy những tác động ngày càng sâu sắc hơn đến kinh tế và xã hội tại châu Á, theo Nikkei Asia. Trong khi các nhà kinh tế kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ tăng khoảng 7% vào năm 2023 - mức cao nhất trong số các nền kinh tế lớn, Ấn Độ vẫn tiếp tục đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao, khoảng 8%. Điều đó cho thấy quốc gia Nam Á không tạo ra đủ việc làm để hỗ trợ dân số ngày càng tăng.

Nhật tăng trợ cấp cho các gia đình rời Tokyo

Tình trạng dân số già hóa và suy giảm của Nhật Bản đã khiến nhiều khu vực nông thôn nước này không còn người ở. Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chính phủ Nhật Bản dự kiến cung cấp cho các gia đình khoản hỗ trợ 1 triệu yen (khoảng 180 triệu đồng) cho mỗi đứa con nếu họ đồng ý rời Tokyo đến sống ở các khu vực xung quanh, theo Financial Times ngày 2.1.

Số tiền này gấp ba lần mức hỗ trợ trong một chương trình được triển khai từ năm 2019. Ngoài ra, các gia đình chuyển đi cũng sẽ nhận được khoản hỗ trợ một lần trị giá 3 triệu yen (540 triệu đồng) và cũng có thể được hỗ trợ thêm nếu họ kinh doanh. Những người nhận tiền bắt buộc phải sống ở nơi mới ít nhất 5 năm, nếu không sẽ phải trả lại tiền cho chính phủ.

Ngân hàng Thế giới gần đây ước tính Ấn Độ sẽ cần đầu tư 840 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng đô thị trong 15 năm tới để đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nhu cầu lương thực tăng cao vì dân số tăng có thể ảnh hưởng đến thương mại của Ấn Độ với các nước khác, kéo theo những tác động toàn cầu, tương tự câu chuyện Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì vào năm 2022.

Trong khi đó, Nhật Bản, xã hội già hóa nhanh nhất châu Á, lại phải đối mặt những vấn đề hoàn toàn khác, chẳng hạn việc các vùng nông thôn ngày càng hoang vắng và xuống cấp. Theo Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và du lịch Nhật Bản, có khoảng 3,49 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang vào năm 2018, tăng gần gấp đôi trong vòng 20 năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.