Dân Thái biểu tình tuyệt thực để ủng hộ cần sa

11/07/2024 12:13 GMT+7

Sau hai năm hợp pháp hóa cần sa để làm 'mồi nhử' du khách, Thái Lan sẽ đưa cần sa trở lại danh sách cấm. Tuy nhiên, nhiều người Thái đã biểu tình trong tuần này, thậm chí tuyệt thực, để phản đối chính sách mới.

Hôm qua, 10.7, các nhà hoạt động ủng hộ cần sa đã bắt đầu tuyệt thực để yêu cầu chính phủ lắng nghe quan điểm của họ, khi Văn phòng Ban Kiểm soát Ma túy (ONCB) khẳng định các bộ phận của cần sa sẽ được đưa vào danh sách ma túy vào ngày 1.1 năm sau. Trước đó, hôm thứ hai, hàng trăm người đã tụ tập biểu tình ở Bangkok để phản đối tái hình sự hóa cần sa tại Tòa nhà Chính phủ.

Cơ quan này cho biết, họ có thể sẽ xem xét việc tái hình sự hóa cần sa vào cuối tháng này. Nếu đề xuất được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Y tế Công cộng sẽ đề nghị công bố trên Công báo Hoàng gia và có hiệu lực vào ngày 1.1.2025.

Ông cho hay, ngày này được ấn định là thời gian ân hạn vài tháng để các nhà khai thác chuẩn bị tình trạng pháp lý thích ứng và xin giấy phép mới. Luật sẽ cấm sở hữu, nhập khẩu và bán hoa và nhựa cần sa trừ khi có giấy phép của Bộ Y tế Công cộng.

Dân Thái biểu tình tuyệt thực để ủng hộ cần sa- Ảnh 1.

Người biểu tình ủng hộ cần sa đối mặt cảnh sát

The Canadian Press

Sau khi cần sa được liệt kê lại như một chất gây nghiện, nó chỉ có thể được sử dụng cho mục đích y tế và việc sử dụng phải được chấp thuận. ONCB sẽ bắt giữ những người sử dụng nó để giải trí.

Người phát ngôn của Đảng Bhumjathai cho biết, cần sa mới được hợp pháp hóa chỉ hai năm trước và người dân đã đầu tư hàng chục tỉ baht vào hoạt động kinh doanh liên quan.

Nhóm hoạt động Viết về tương lai cần sa của Thái Lan hôm thứ tư cho rằng, họ sẽ tuyệt thực cho đến khi chính phủ đồng ý tổ chức các phiên điều trần để xem xét lợi ích của cần sa.

Thái Lan trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa cần sa cho mục đích y tế vào năm 2022, nhưng trên thực tế, thị trường này hầu như không được kiểm soát, dẫn đến phản ứng dữ dội của công chúng và lo ngại về việc lạm dụng và tội phạm.

Các bảng hiệu đèn neon đã trở nên phổ biến ở các khu du lịch sầm uất ở Bangkok, với các cửa hàng cần sa mọc lên ở mọi ngóc ngách. Hàng trăm nhà cung cấp thực phẩm và đồ uống quảng cáo thực đơn có chứa cần sa.

Tuy nhiên, sau cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5 năm ngoái, Thái Lan đã có lãnh đạo mới kể từ tháng 9. Chính phủ liên minh bảo thủ do Đảng Pheu Thai đứng đầu đứng đằng sau những lời kêu gọi trấn áp cần sa, vốn được quản lý lỏng lẻo kể từ khi được hợp pháp hóa.

Dân Thái biểu tình tuyệt thực để ủng hộ cần sa- Ảnh 2.

Người dân biểu tình ở Bangkok trong tuần này

BK

Pheu Thai vận động cấm sử dụng cần sa để giải trí, nói rằng nó gây nguy hiểm cho sức khỏe và có thể gây ra vấn đề lạm dụng chất kích thích trong giới trẻ. 

Trong khi Thái Lan chờ đợi kết quả của những thay đổi, các cửa hàng bán cần sa vẫn mở trên khắp Bangkok và hơn thế nữa. Du khách vẫn tấp nập ra vào.

Tuy nhiên, một số quy tắc đã được áp dụng để hạn chế việc sử dụng cần sa. Chẳng hạn, không được phép hút ở những nơi công cộng. Gây ra "phiền toái công cộng" - bao gồm cả mùi cần sa - có thể bị phạt 25.000 baht.

Các chi tiết cấu thành nên "phiền toái" không rõ ràng và có thể bị cảnh sát khai thác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.