Trong khi khán giả ở các tỉnh “khát” phim thì phim Việt sau khi chiếu xong ở các TP lớn thường cất kho chứ ít đưa về phát hành tại các địa phương còn lại, tạo nên sự mất cân đối trong thụ hưởng điện ảnh giữa đô thị với nông thôn và thu hẹp thị phần khai thác kinh doanh của điện ảnh Việt.
Nhiều năm chưa được xem phim
Trong nhiều chuyến đi cùng các đoàn đến các tỉnh tìm hiểu về đời sống văn hóa của người dân địa phương, chúng tôi được chính quyền nhiều nơi cho biết nhiều năm qua người dân ở đây chưa được xem bộ phim nào của điện ảnh Việt Nam sản xuất.
|
Đại diện Công ty Galaxy, một trong những đơn vị sản xuất và phát hành phim lớn hiện nay, nói rằng trước nay đơn vị này vẫn phát hành phim tại các tỉnh nhưng chỉ những tỉnh có rạp chiếu tương đối tốt, trong trường hợp địa phương không có rạp chiếu thì muốn phủ rộng cũng lực bất tòng tâm. Doanh thu ở tỉnh cũng không thể sánh được với các thị trường được xem là khu vực trung tâm của điện ảnh như TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng. “Một bộ phim nếu gom doanh thu các tỉnh, thành khác lại thì cũng chỉ bằng một nửa so với tổng doanh thu từ các TP lớn”- đại diện đơn vị phát hành phim VinaCinema ước tính.
Cả nước hiện có 93 rạp và cụm rạp với 215 phòng chiếu. Rạp do Nhà nước quản lý gồm 72 rạp với 104 phòng chiếu, chủ yếu là các rạp đơn lẻ, trang thiết bị lạc hậu, xuống cấp trầm trọng hoạt động cầm chừng, chỉ có trung tâm chiếu phim quốc gia là một cụm rạp với 6 phòng chiếu. Thống kê của Cục Điện ảnh cho thấy 73 phòng chiếu được trang bị âm thanh lập thể, 17 phòng mono, 27 phòng kỹ thuật số. Cả nước vẫn còn 14 tỉnh chưa có rạp chiếu bóng.
Nhà sản xuất, đơn vị phát hành nói rằng họ không từ chối đưa phim về các tỉnh, thành, vùng miền xa xôi nhưng vấn đề là địa phương cần phải xây dựng được hệ thống rạp chiếu. Nhiều ý kiến cho rằng hệ thống rạp phim hiện có ở một số tỉnh, thành đã cũ kỹ, kém chất lượng, chưa kể tình trạng rạp chiếu “trùm mền” hay có phim nhưng cũng không biết cách thu hút khán giả đến xem đã khiến cho nhà sản xuất, đơn vị phát hành ngần ngại khi muốn đưa phim ra khỏi các đô thị lớn.
Thị trường lớn đang bị bỏ ngỏ
“Nhu cầu xem phim của khán giả tại các tỉnh, thành rất lớn nhưng lâu nay họ không được xem hoặc cũng chỉ được xem rất trễ so với lịch phát hành ở các đô thị lớn, thậm chí có khi đến nửa năm sau ngày bộ phim được công chiếu mới được xem. Bản phim nhựa rất đắt tiền nên nhà sản xuất cũng không thể in được nhiều để chiếu đồng loạt, chúng tôi phải tính đến chuyện phát hành trên hệ thống phim HD để khán giả tỉnh không bị thiệt thòi. Có thể khởi điểm vẫn phải chấp nhận rủi ro về doanh thu nhưng một khi đã xác định mục tiêu như vậy thì chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, phim Việt cũng đang phát triển với chiều hướng tích cực, phim liên tục ra rạp cho nên có thể kỳ vọng một tín hiệu lạc quan hơn về mạng lưới phát hành”- đại diện VinaCinema nói thêm.
Trong năm qua, VinaCinema đã nỗ lực phát hành phim đồng loạt về các tỉnh, thành cùng thời điểm công chiếu tại TPHCM, Hà Nội bằng hệ thống phim HD. Theo thăm dò thị trường của đơn vị này, khán giả tại nhiều tỉnh, thành không câu nệ chuyện phim có người nổi tiếng hay không nhưng cũng trong tình trạng kén phim nghệ thuật như tại các TP lớn, số đông thích xem những phim giải trí, phù hợp với nhiều đối tượng. Một khi được công chúng địa phương đón nhận, doanh thu của phim cũng có cơ hội vượt ngưỡng mong đợi. Thành công ngoạn mục của bộ phim hài chiếu Tết Hello cô Ba! là một minh chứng. Bộ phim Gia sư nữ quái của đạo diễn Lê Bảo Trung chiếu dịp hè vừa qua cũng thu hút được đông đảo khán giả tại các tỉnh, thành.
Sắp tới, đơn vị cũng sẽ phát hành bộ phim Nàng men, chàng bóng (đạo diễn: Võ Tấn Bình, dự kiến ra mắt vào ngày 31-8) về các tỉnh, thành cùng thời điểm hệ thống rạp Galaxy cho công chiếu bộ phim tại TPHCM và Hà Nội.
Thực trạng đã được nhìn thấy lâu nay nhưng tìm một cánh cửa khả quan hơn cho đầu ra của điện ảnh thì không thể nói suông, cần phải có sự chung tay hỗ trợ phát triển từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương và các nhà sản xuất, phát hành phim.
Khán giả ở tỉnh chuộng phim Việt Trên thực tế, thị trường phát hành phim ở các tỉnh gần như bỏ trống, trong khi nhu cầu được xem phim ở đây lại rất cao. Đại diện của Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Đắk Lắk cho biết nhiều phim được sản xuất với chất lượng tốt, như: Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Để Mai tính, Cánh đồng bất tận… đã được khán giả hưởng ứng và rất thuận lợi cho việc kinh doanh đối với các nhà phát hành phim. Nếu các phim đó được đưa đi chiếu lưu động, chắc chắn lượng khán giả đến xem sẽ lên đến con số hàng ngàn. Thế nhưng, nói như ông Nguyễn Văn Long, Phó Giám đốc Trung tâm Điện ảnh - Sách văn hóa phẩm Cao Bằng, nguồn phim phục vụ đồng bào vùng xa còn nhiều hạn chế, nếu không muốn nói là rất thiếu. Bà Đặng Thị Bình, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Tây Ninh, cũng có chung nhận xét này. Theo bà Bình, khán giả Tây Ninh rất ít người thích xem phim ngoại, đa số chuộng xem phim Việt Nam vì thân thuộc và gần gũi. Tuy nhiên, nguồn phim Việt rất hạn chế, chỉ tập trung vào dịp Tết trong khi chất lượng lại chưa cao, chưa có phim tốt, đa dạng để phục vụ người xem. |
Kỳ tới: Điều tiết bằng cách nào
Theo Hoàng Lan Anh - Tiểu Quyên / Người Lao Động
>> Vào mùa phim Việt
>> Sống chết với nghiệp diễn: Thở dài với phim Việt
>> Hai phía chân trời': Phim Việt, quay ở châu u
>> Phim Việt đầu tiên về bóng rổ học đường
>> VTV9 ra mắt giờ phim Việt mới
>> Khung phim Việt trên K+PC
>> Phim Việt 2012: Đa dạng, nhưng vẫn chông chênh
>> Phim Việt đến LHP Berlin
>> Đột phá công nghệ phim Việt
>> Thời của phim Việt chất lượng cao
>> Né tiếng “phim Việt hóa”
>> Thêm một phim Việt về đồng tính sắp “ra lò”
>> Phim Việt thời... bí mật
>> Giờ phim Việt trên VTV
Bình luận (0)