Dân tố bị chiếm nhà, cơ quan tố tụng hành xử trái ngược nhau: Ngại trách nhiệm, dễ bỏ lọt tội phạm

Phan Thương
Phan Thương
17/06/2020 05:00 GMT+7

Trách nhiệm của Viện KSND không chỉ chống oan sai mà phải chống bỏ lọt tội phạm. Do đó, một khi cách hiểu pháp luật chưa đúng, chưa phù hợp và nếu ngại trách nhiệm thì sẽ rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Loạt bài Dân tố bị chiếm nhà, cơ quan tố tụng hành xử trái ngược nhau đăng trên Báo Thanh Niên (từ ngày 15.6) được nhiều bạn đọc và chuyên gia pháp luật quan tâm. Nhiều ý kiến đóng góp, phân tích đã được nêu ra.

Không phụ thuộc việc chủ sở hữu có ở hay không

Theo nội dung Báo Thanh Niên phản ánh, tháng 5.2018, các đồng sở hữu nhà đất tại một địa chỉ trên đường Bà Hom (Q.6, TP.HCM), do bà N.T.H.L đại diện ủy quyền bán lại căn nhà này cho ông Đ.V.H (ngụ Tiền Giang). Việc mua bán được thực hiện công chứng hợp pháp và cập nhật biến động sang tên tại Văn phòng đăng ký đất đai Q.6. Ngày 12.6.2018, bên bán bàn giao nhà cho ông H. Sau khi nhận nhà, ông Đ.V.H khóa cửa, chưa ở thì gia đình bà N.T.N vào chiếm giữ, ở cho đến nay.
Nhà đất ông Đ.V.H mua là đối tượng tranh chấp trong vụ án “đòi nhà cho ở nhờ” giữa nguyên đơn là vợ chồng cụ D.T.B và bị đơn là bà N.T.T cùng con là N.V.T. Thế nhưng, từ năm 1991 - 2018, qua nhiều cấp xét xử, các cơ quan tố tụng vẫn phán quyết không có căn cứ chấp nhận yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm bản án phúc thẩm theo đơn đề nghị của phía bà N.T.N. Đáng lưu ý, cơ quan chức năng tỏ ra khá lúng túng, khi không thể xử lý hình sự đối với hành vi của bà N.T.N. Trong vụ việc này, cần xác định căn nhà của ông H. là chỗ ở, quyền sở hữu của ông. Theo quy định tại khoản 9 điều 2 luật Xử lý vi phạm hành chính: “Chỗ ở là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật”.
Về trường hợp này, căn nhà ở đường Bà Hom (Q.6, TP.HCM) được ông H. mua và đã cập nhật, biến động sang tên, là chỗ ở của ông H., dù ông H. chưa ở thì vẫn là chỗ ở của ông. Những người có hành vi tự ý phá khóa, mở cửa và chiếm giữ căn nhà, chỗ ở của ông H. đã thỏa mãn dấu hiệu phạm tội “xâm phạm chỗ ở người khác” theo quy định tại điểm d khoản 1 điều 158 bộ luật Hình sự 2015 mà không phụ thuộc vào việc ông H. đã ở hay chưa. Hành vi này chính là hành vi xâm nhập chỗ ở của người khác khi vào nhà người khác mà không được sự đồng ý của chủ nhà. Do vậy, việc cơ quan tố tụng Q.6 cần khởi tố để xử lý hình sự đối với người có hành vi xâm phạm chỗ ở người khác như trên.
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân

Chống bỏ lọt tội phạm

Điều 22 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý”, vì vậy mọi hành vi xâm phạm chỗ ở của người khác theo khoản 1 điều 158 bộ luật Hình sự 2015 cần phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài chức năng giữ quyền công tố, Viện KSND còn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. Vì vậy, trách nhiệm của Viện KSND không chỉ chống oan sai mà phải chống bỏ lọt tội phạm. Do đó, một khi cách hiểu pháp luật chưa đúng, chưa phù hợp và nếu ngại trách nhiệm thì sẽ rất dễ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Ông Võ Văn Thêm (nguyên Phó viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM)

Không để tạo tiền lệ xấu

Khi nhận được tin, báo tố giác tội phạm, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành xác minh vụ việc và thu thập chứng cứ. Việc đầu tiên công an phường phải đi kiểm tra hành chính và lập biên bản sự việc. Trong đó, phải thể hiện người bị tố ở trong nhà với lý do gì, có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc quyền được ở trong căn nhà thông qua hợp đồng thuê, cho ở nhờ…, đã đăng ký tạm trú hay chưa. Nếu không có giấy tờ hợp lệ thì cơ quan chức năng phải lập biên bản thể hiện lý do người bị tố có thể vào ở trong căn nhà để từ đó làm căn cứ xác định hành vi vi phạm. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác là hành vi cản trở hoặc tước bỏ quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của người khác một cách trái luật. Vì vậy, khi có căn cứ xác định đối tượng nào đó có những hành vi theo khoản 1 điều 158 bộ luật Hình sự 2015, thực hiện một cách cố ý, làm cho người khác bị mất chỗ ở, bị ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt thì cần xử lý nghiêm, để không tạo một tiền lệ xấu, gây bức xúc dư luận.
Một kiểm sát viên - Viện KSND TP.HCM

Đề nghị Viện KSND TP.HCM báo cáo một vụ “tố” xâm  phạm chỗ ở người khác

Ngày 11.6, tại buổi đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND TP.HCM giám sát Viện KSND TP.HCM về tình hình công tác kiểm sát và giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực tư pháp 6 tháng đầu năm, đại biểu Lê Minh Đức, Phó trưởng ban Pháp chế HĐND, yêu cầu Viện KSND TP.HCM báo cáo kết quả đơn thư tố giác tội phạm của người dân “tố” Giám đốc Công ty L.T có hành vi hủy hoại tài sản và xâm phạm chỗ ở của người khác tại Q.8 (TP.HCM) nhưng Cơ quan CSĐT Công an Q.8 ra quyết định không khởi tố vụ án khiến người đi tố cáo bức xúc, gửi khiếu nại khắp nơi.
Sau khi ông Lê Minh Đức chất vấn, đại diện Viện KSND TP.HCM cho biết vụ việc đang được Viện KSND Q.8 nghiên cứu hồ sơ và xác minh một số chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội đối với người bị “tố”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.