Nhiều lần đổi tội danh
Theo hồ sơ vụ án, năm 2000, Chính phủ giao Bộ GTVT mở đường Hồ Chí Minh, Ban Quản lý (BQL) dự án đường Hồ Chí Minh giao Tổng công ty 6 thi công Km 334 đến Km 362 (đoạn qua tỉnh Kon Tum), trong đó Công ty 621 và Công ty Thanh Nam thi công. Quá trình nổ mìn phá đá ảnh hưởng đường dây điện 500 kV nên xây dựng phương án nổ mìn đặc biệt với đơn giá cao hơn và được duyệt, nhưng phương án đặc biệt này vẫn ảnh hưởng đến an toàn đường dây.
Từ thực tế đó, kỹ sư Bùi Hải Nhân (Phó ban Chỉ huy công trường Công ty 621) và Công ty Thanh Nam đã điều chỉnh, cải tiến thành phương pháp “nổ om” (phương pháp mới nhằm giảm chấn động); nhờ vậy đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đường dây, hoàn thành trước tiến độ hơn 1 năm. Do cải tiến nên Bùi Hải Nhân làm lại hồ sơ, duyệt dự toán 17,2 tỉ, tạm thanh toán 14,2 tỉ đồng.
Năm 2003, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho rằng việc thay đổi này gây thiệt hại tài sản nhà nước nên khởi tố vụ án tham ô tài sản; đến năm 2005 đổi tội danh thành lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 5.9.2017, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đổi tội danh sang tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vụ án được xử đi xử lại nhiều lần với các mức án khác nhau.
Tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 1.11 vừa qua, TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên phạt Bùi Hải Nhân 3 năm 6 tháng tù (trừ thời hạn tạm giam còn chấp hành hơn 1 năm tù); Nguyễn Kim Sơn (Giám đốc Công ty 621), Lê Quang Tứ (Phó giám đốc Công ty 621), Trịnh Duy Minh (Giám đốc Công ty Thanh Nam) cùng 3 năm tù treo; Trịnh Duy Thông (em ông Minh, Đội trưởng thi công Công ty Thanh Nam), Nguyễn Thanh Phương (Phó ban dự án Tổng công ty 6) cùng 2 năm 6 tháng tù treo, cùng tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Trong các bị cáo phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Trần Thanh Hải (Đội trưởng BQL Kon Tum) bị phạt 1 năm 6 tháng tù treo; còn lại, Trần Ngọc Thị (kỹ sư giám sát Văn phòng Tư vấn giám sát 8), Phạm Huy Thông (chuyên viên BQL dự án đường Hồ Chí Minh) và Nguyễn Đức Nam (Phó phòng BQL dự án) được miễn hình phạt.
Trước đó, tòa sơ thẩm tuyên phạt các bị cáo từ 1 năm tù treo đến 10 năm tù.
Tiếp tục kêu oan
Sau phiên xét xử phúc thẩm, các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo cho biết có 5 bị cáo tiếp tục kêu oan, gồm: Bùi Hải Nhân, Trịnh Duy Minh, Trịnh Duy Thông, Nguyễn Thanh Phương, Trần Thanh Hải. Trong 5 bị cáo còn lại, bị cáo Lê Quang Tứ bệnh ung thư nặng giai đoạn 3 “nên chưa có kế hoạch tiếp theo”; 4 bị cáo Nguyễn Kim Sơn, Trần Ngọc Thị, Phạm Huy Thông và Nguyễn Đức Nam cho hay “muốn nghỉ ngơi một thời gian trước khi tiếp tục kỳ án”.
Qua 3 ngày xét xử phúc thẩm, phiên tòa chứng kiến nước mắt và sự mệt mỏi tột độ của 10 bị cáo, bởi vụ án đã kéo dài 16 năm với 20 lần ra tòa, lao tâm khổ cực không kể xiết. Ở phiên phúc thẩm, Công ty Thanh Nam cho biết công trình kết thúc từ năm 2003, nhưng do dính vụ án, đến nay đơn vị vẫn chưa được thanh toán hơn 14,7 tỉ đồng, số tiền rất lớn vào thời điểm 16 năm trước mà công ty này phải vay mượn để tạm ứng. Hành trình 16 năm tố tụng cũng đã chôn vùi tuổi thanh xuân của các bị cáo...
Hai đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghịTrước phiên tòa phúc thẩm “kỳ án” này, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum có công văn gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng, đề nghị tòa nghiên cứu toàn diện, khách quan các tình tiết của vụ án, đảm bảo xét xử đúng tính chất, mức độ của hành vi, không bỏ lọt hành vi vi phạm, không làm oan sai người vô tội.
Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cũng có văn bản kiến nghị khắc phục vi phạm thủ tục tố tụng của cơ quan tư pháp, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện, Chánh án TAND tối cao về vụ án trên. Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng cho rằng vụ án đã 16 năm, các bị cáo kêu oan có căn cứ, cần làm rõ nghi vấn việc cơ quan tố tụng vi phạm thủ tục tố tụng. Nguyên do, căn cứ lớn nhất để xác định có tội hay không có tội là mức độ thiệt hại. Trong khi đó, đơn vị được xác định bị hại là BQL dự án đường Hồ Chí Minh khẳng định không có thiệt hại, không có sự cố sau 16 năm khai thác. Các dấu hiệu vi phạm khác như giám định thiếu căn cứ, các cơ quan áp dụng các quan điểm trái ngược...
|
Từ có công thành... có tội ?
Nhiều bị cáo khác dù được tòa cấp phúc thẩm tuyên mức án chỉ là án treo hoặc được miễn hình phạt, nhưng họ khẳng định sẽ tiếp tục kêu oan vì nỗi đau oan sai quá lớn. Họ cho rằng tuổi thanh xuân đã hy sinh mở đường Hồ Chí Minh với nhiều gian khổ, nỗ lực cải tiến đảm bảo an toàn đường dây 500 kV, rút ngắn tiến độ, làm lợi chứ không gây thiệt hại cho nhà nước, nhưng từ có công lại thành có tội.
“Để đẩy nhanh tiến độ, bị cáo đã mày mò nghĩ ra phương pháp mới, thực hiện an toàn tuyệt đối, rút ngắn tiến độ hơn 1 năm. Công trình được phê duyệt ban đầu hơn 28 tỉ đồng, thực tế được duyệt hơn 17 tỉ đồng, nhưng chỉ tạm thanh toán hơn 14 tỉ đồng, phương án của bị cáo đã tiết kiệm nhiều tỉ đồng, thì không thể gọi là thiệt hại”, bị cáo Nhân tự bào chữa. “Bị cáo nghĩ sáng kiến, cải tiến chỉ nhằm đảm bảo an toàn cho đường dây 500 kV chứ không vụ lợi. Rơi vào vòng lao lý, bị cáo mất hết mọi thứ”, bị cáo Nhân nghẹn ngào trình bày thêm trước HĐXX. Trước mức án giảm từ 10 năm còn 3 năm 6 tháng tù (trừ thời hạn tạm giam, còn chấp hành hơn 1 năm tù), bị cáo Bùi Hải Nhân vẫn ngồi thất thần.
Tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện KSND cấp cao tại Đà Nẵng ghi nhận sáng kiến, cải tiến, năng lực của các bị cáo, nhưng vấn đề của vụ án là quy trình, kỷ luật lao động. “Nếu bị cáo cho rằng phương án “nổ om” an toàn, thì phải đề xuất với Bộ GTVT trước khi thực hiện”, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.
Trong phần tuyên án, thẩm phán Nguyễn Văn Tiến, Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng, chủ tọa phiên phúc thẩm, vẫn nhận định: Hậu quả vụ án đã được khắc phục ngay thời điểm xảy ra, điều kiện làm việc mở đường Hồ Chí Minh năm 2000 nhiều khó khăn, nhưng các bị cáo vẫn có nhiều thành tích, vụ án kéo dài 16 năm, các bị cáo cũng chưa hưởng lợi từ hành vi phạm tội nên tòa đã xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Bình luận (0)