(TNO) “Những thói quen xấu” của một số người dân và công ty Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của Trung Quốc tại châu Phi, đại sứ Trung Quốc tại Tanzania cho biết.
Công nhân Senegal và Trung Quốc tại một công trình xây dựng ở Dakar, thủ đô Senegal - Ảnh: AFP
“Hiện có đại sứ từ khoảng 70 nước đang làm việc tại Tanzania, nhưng không có nước nào phải liên tục lo lắng về công tác bảo vệ lãnh sự của mình như chúng tôi”, Đại sứ Trung Quốc Lu Youqing cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Southern Metropolis News (Trung Quốc) hôm 13.7.
Phát biểu của ông Lu được đưa ra để trả lời câu hỏi của phóng viên về cáo buộc cho rằng người Trung Quốc tại châu Phi hay bị cảnh sát quấy rối và là mục tiêu của bọn trộm cướp.
“Người của chúng ta đơn giản là không thể từ bỏ được những thói quen xấu. Khi đến châu Phi, họ không đoàn kết và hay đấu đá nội bộ”, ông Lu nói, ý muốn đề cập đến việc các công ty Trung Quốc tranh giành hợp đồng lẫn nhau và hối lộ quan chức Tanzania để vận động hành lang.
Ngoài ra, đại sứ Trung Quốc cũng nói thêm rằng mỗi khi chính phủ Tanzania thông báo về bất kỳ vụ tịch thu ngà voi nào, đại sứ quán Trung Quốc cũng đều cảm thấy căng thẳng.
“Một số người Trung Quốc ở đây cố ý tham gia vào các hoạt động phi pháp. Dĩ nhiên, họ chỉ là thiểu số”, ông Lu cho hay.
Đại sứ Lu cho biết đã nhận được nhiều đơn khiếu nại từ các quan chức địa phương và cảnh sát về việc công dân Trung Quốc giấu ngà voi trong thùng xe; thậm chí, có trường hợp giấu trong áo ngực của những nữ hành khách đi máy bay.
Ông cũng rất lo ngại về chất lượng của một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia lân cận với Tanzania do các nhà thầu Trung Quốc đảm nhận và bỏ giá thấp đến đáng ngờ.
“Khi tôi nhận nhiệm vụ đại sứ vào năm 2012, chi phí xây mỗi km đường bộ tốn khoản nửa triệu USD. Giá này đã tăng trong vài năm qua do các chính sách điều chỉnh giá”, đại sứ Trung Quốc nói.
Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc bị cấm hoạt động tại Tanzania hiện đang làm đường cho các quốc gia châu Phi lân cận với giá chỉ vỏn vẹn từ 300.000 USD đến 400.000 USD/km, theo ông Lu.
“Điều gì sẽ xảy ra cho những con đường đó trong 3 đến 5 năm tới?”, đại sứ Lu đặt câu hỏi.
Tờ South China Morning Post, có trụ sở đặt tại Hồng Kông, cho biết đã không thể liên lạc được với bộ ngoại giao Trung Quốc để yêu cầu bình luận về thông tin nói trên.
Ông Adams Bodomo, một giáo sư nghiên cứu châu Phi tại Trường Đại học Vienna (Áo), cho biết ông có chung mối quan ngại với đại sứ Trung Quốc.
“Có nhiều vụ làm ăn bất chính khét tiếng của một số người Trung Quốc tại châu Phi, bao gồm việc khai thác mỏ trái phép tại Ghana, săn bắt trộm động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Nam Phi và hối lộ quan chức để cung cấp các công trình xây dựng kém chất lượng trên khắp lục địa”, Giáo sư Bodomo nói.
Hoàng Uy
>> Chuyên gia Anh: Trung Quốc vơ vét châu Phi như những tên thực dân
>> Tạm giữ hơn 13 kg sừng tê giác châu Phi
>> Châu Phi đủ sức 'nuốt chửng' các nước lớn
>> Trung Quốc bị chỉ trích “bóc lột” tài nguyên châu Phi
Bình luận (0)