Nhà thần kinh học Tatiana Korotkova ở Đại học Cologne (Đức) nói rằng: Cơ thể chỉ có thể thực hiện một hành vi tại một thời điểm, vì vậy bộ não phải tính toán xem đâu là hành vi bổ ích nhất hoặc đâu là nhu cầu cấp thiết nhất.
Các hành vi bẩm sinh - về bản chất, được lập trình sẵn trong một sinh vật - bao gồm ăn, uống, giao tiếp xã hội và giao phối.
Để hiểu sự phân cấp của những hành vi này ở chuột, nhóm nghiên cứu đã quan sát và kích thích các tế bào thần kinh của chuột ở vùng dưới đồi, một trong những "trung tâm nuôi dưỡng" chính của não.
Họ tập trung vào các tế bào thần kinh có thụ thể leptin và tế bào thần kinh sản xuất neurotensin, hai loại hoóc môn liên quan đến cảm giác đói và khát.
Thật ngạc nhiên, họ phát hiện ra rằng những tế bào thần kinh này cũng tham gia vào việc hướng dẫn hành vi xã hội và giúp những con chuột cân bằng nhu cầu dinh dưỡng và xã hội của chúng.
Chuột đói ưu tiên tương tác với bạn khác giới hơn thức ăn
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng kính hiển vi siêu nhỏ để quan sát hoạt động của từng tế bào thần kinh não khi chuột thực hiện các hành vi khác nhau. So sánh hành vi của những con chuột được ăn no với chuột đói vừa phải và những con chuột quá đói (được ăn hạn chế trong 5 ngày), họ đã phát hiện ra rằng tế bào thần kinh thụ thể leptin bị ức chế khi chuột ăn và kích hoạt khi chúng tương tác với chuột khác giới (bạn tình tiềm năng).
Nghiên cứu sâu hơn cũng phát hiện điều thú vị là những con đang bị đói lại dành nhiều thời gian hơn để giao tiếp với bạn tình tiềm năng và trì hoãn việc ăn hơn. Tuy nhiên, ở những con chuột quá đói, thì hiệu ứng này không "thắng" nổi.
Theo bà Korotkova, sự kích thích leptin chỉ có thể điều chỉnh cơn đói vừa phải chứ không phải cơn đói dữ dội.
Trong tương lai, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu hoạt động của các tế bào này thay đổi như thế nào trong quá trình điều trị bệnh béo phì hoặc rối loạn ăn uống, theo Science Daily .
Bình luận (0)