Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa

Minh Phong
Minh Phong
28/02/2024 09:27 GMT+7

Trải qua bao năm tháng hao mòn của thời gian, chùa Giám đã xuống cấp trầm trọng và đang trong quá trình hạ giải. Nơi đây thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh và lưu giữ bảo vật quốc gia độc đáo, chỉ có ở Việt Nam – tòa Cửu Phẩm Liên Hoa.

Chùa Giám (hay còn gọi là Nghiêm Quang tự, ở xã Định Sơn, H.Cẩm Giàng, Hải Dương) là ngôi chùa cổ, được khởi dựng vào thời Lý, thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh. Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII, chùa được xây dựng lại với quy mô kiến trúc to đẹp. Trong chùa chứa tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, được công nhận là bảo vật quốc gia.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Giàng, cho biết: "Qua nửa thế kỷ sau đợt trùng tu vào năm 1974, chùa Giám đã bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình, không còn đủ an toàn trong quá trình sử dụng trong các hoạt động tôn giáo, nên buộc phải hạ giải, trùng tu". Hiện, toàn bộ ngôi chùa đã được hạ giải, để thuận lợi cho việc bảo quản, trùng tu, tôn tạo di tích, đơn vị thi công đã cho lắp đặt hệ thống mái che.

Ông Nguyễn Văn Công cho biết thêm, tháng 11.2023, chùa Giám được hạ giải. Công trình trùng tu, tôn tạo sử dụng nguồn vốn từ ngân sách là 31,5 tỉ đồng, chưa bao gồm nguồn vốn xã hội hóa và của các phật tử. UBND H.Cẩm Giàng là chủ đầu tư công trình này.

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 1.

Cổng của chùa Giám được thiết kế phổ biến theo kiểu tam quan. Hiện cổng chùa đã được hạ giải

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 2.

Ngôi chùa có kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc” với đầy đủ các công trình như: tam quan, tiền đường, tam bảo, nhà Tổ, hành lang, nhà khách, nhà tăng, vườn cây, pháp sư, nghè Giám. Tháng 12.2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận chùa Giám là Khu di tích quốc gia đặc biệt.

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 3.

Qua nhiều thế kỷ, các hệ thống công trình tại chùa Giám đã xuống cấp trầm trọng; mái ngói rơi vỡ; vì, kèo mục nát

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 4.

Chùa Giám thờ Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 5.

Trên mái chùa, những hàng ngói mũi hài cổ đã bị xô lệch, vỡ, xập xệ, không còn khả năng phục hồi

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 6.

Hàng chữ Nho trên một trụ cột của chùa Giám

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 7.

Các kiến trúc sư, các nghệ nhân đã tạo trên mặt bằng của chùa sự liên hoàn của các hạng mục tôn lên vẻ tráng lệ cổ kính, ẩn chứa nhiều tầng trí tuệ văn hóa.

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 8.

Chùa Giám là nơi gắn với cuộc đời Tuệ Tĩnh từ khi ông còn nhỏ. Theo tư liệu lịch sử, Tuệ Tĩnh sinh vào khoảng năm 1330, mồ côi cha mẹ từ năm 6 tuổi, được sư thầy Hải Triều ở chùa Giám nuôi và cho đi học. Thời niên thiếu và những kiến thức đầu đời về y học của ông đã được nuôi dưỡng, gắn bó với ngôi chùa này.

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 9.

Điểm đặc sắc nhất của chùa Giám là tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được đặt ở sân phía sau tam bảo. Nhà cửu phẩm hình vuông (8 x 8 m), cao 3 tầng, 12 mái, có nhiều mảng kiến trúc còn giữ được dấu ấn của thế kỷ XVII. Trong nhà cửu phẩm là tòa Cửu Phẩm Liên Hoa gồm 9 tầng hoa sen, cao trên 6 m hình lục giác đều, mỗi cạnh 1,24 m. Trên tòa Cửu Phẩm có 145 pho tượng Phật

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 10.

Toàn bộ kết cấu của tòa liên kết với một trụ gỗ lim lớn ở giữa, trụ này đặt trên ngõng đá, tựa một ổ bi. Vào ngày lễ Phật, chỉ cần 2 người đẩy, cửu phẩm có thể quay nhẹ nhàng. Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo chỉ có ở Việt Nam. Hiện nay, trên cả nước chỉ còn 3 tòa Cửu Phẩm Liên Hoa có thể quay được, 2 tòa còn lại ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) và chùa Đồng Ngọ (H.Thanh Hà, Hải Dương). Tháng 12.2015, tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật quốc gia

C.T.V

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 11.

Hệ thống tượng phật được đặt trong hành lang chùa Giám. Hiện tất cả các công trình kể trên đã được hạ giải để phục vụ cho việc trùng tu, tôn tạo ngôi chùa

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 12.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Công, Phó chủ tịch UBND H.Cẩm Giàng cho biết: "Qua nửa thế kỷ sau đợt trùng tu vào năm 1974, chùa Giám đã bị xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ kết cấu công trình, không còn đủ an toàn trong quá trình sử dụng trong các hoạt động tôn giáo, nên buộc phải hạ giải, trùng tu".

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 13.

Những tấm ngói còn lành lặn được xếp gọn một góc để sau này sử dụng để lợp mái chùa

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 14.

Tượng thờ Thiền sư Tuệ Tĩnh bằng chất liệu đồng vẫn được thờ trong hậu cung của chùa Giám

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 15.

Theo Thượng tọa Thích Thanh Lương, trụ trì chùa Giám, do ngôi chùa đang trong quá trình hạ giải nên phần lớn tượng thờ được di chuyển đến thờ tự tạm thời tại khu vực nhà khách của chùa

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 16.

Các tháp thờ các vị sư tổ trụ trì chùa Giám. Khu vực này được giữ nguyên trong quá trình tôn tạo, hạ giải

MINH PHONG

Đang hạ giải ngôi chùa cổ chứa bảo vật quốc gia tòa Cửu Phẩm Liên Hoa- Ảnh 17.

Một số tượng phật ở hành lang chùa Giám do không còn nơi di chuyển trong khi tôn tạo đã được phủ bạt cẩn thận.

MINH PHONG

Dự kiến năm 2025, việc trùng tu, tôn tạo chùa Giám sẽ được hoàn thành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.