Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng (3.2.1930 - 3.2.2024)

Đảng không có mục đích nào khác ngoài hạnh phúc của nhân dân

PGS-TS Trần Thị Minh Tuyết
(Học viện Báo chí - Tuyên truyền)
03/02/2024 06:50 GMT+7

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ nhân dân, gia tài lớn nhất của Đảng là niềm tin của nhân dân nên mang lại hạnh phúc cho dân chính là cách thức hữu hiệu nhất để củng cố vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc.

TỔ QUỐC GIÀU MẠNH, ĐỒNG BÀO SUNG SƯỚNG

Đứng trên lập trường của giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: hạnh phúc trước hết là hạnh phúc của nhân dân lao động và Đảng "phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng". Tư tưởng của Người không chỉ thể hiện chủ nghĩa nhân văn sâu sắc mà còn là cơ sở lý luận, kim chỉ nam cho nhận thức và hành động của Đảng để mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Đảng không có mục đích nào khác ngoài hạnh phúc của nhân dân- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Đại hội XIII ngày 1.2.2021

Ảnh: TTXVN

Là sản phẩm tinh thần của nhà tư tưởng thiên tài và nhà cách mạng đầy trải nghiệm, tư tưởng Hồ Chí Minh về hạnh phúc con người vô cùng sâu sắc. Người khẳng định con người chỉ có hạnh phúc khi dân tộc được độc lập, tự do; con đường duy nhất để các dân tộc bị áp bức có được hạnh phúc chính là đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành lại độc lập dân tộc. Tuy nhiên, nước độc lập mà người dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì nền độc lập đó chẳng có nghĩa lý gì.

Từ sự am hiểu đặc tính của các loại hình xã hội đương thời, Hồ Chí Minh khẳng định: "Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa". Theo Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội "trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc". Người còn đưa "Hạnh phúc" vào tiêu ngữ gắn với quốc hiệu để khẳng định mục tiêu, giá trị cao nhất của cách mạng.

Không dừng lại ở tư tưởng, Hồ Chí Minh luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình là "phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân". Người đã hy sinh trọn vẹn cho hạnh phúc của nhân dân.

TRÁCH NHIỆM CỦA Đảng

Lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là một bộ phận nền tảng tư tưởng, Đảng luôn nêu cao việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do vậy, mỗi Đại hội Đảng trong gần 40 năm đổi mới lại là một "nấc thang" trong tiến trình nhận thức của Đảng về hạnh phúc của nhân dân.

Đại hội lần thứ VI của Đảng (1986) đã tái khẳng định quan điểm của Hồ Chí Minh về tôn chỉ, lý tưởng của Đảng: "Đảng ta không có mục đích nào khác là đấu tranh vì hạnh phúc của nhân dân". Đổi mới được tiến hành với tinh thần "Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân". Hạnh phúc của nhân dân cũng là lý do để Đảng kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa. Đề cao giá trị "Hạnh phúc" nên "Hạnh phúc" là một đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Đảng không có mục đích nào khác ngoài hạnh phúc của nhân dân- Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh ở Đại hội Đảng năm 1986, Đại hội Đổi mới.

Ảnh: TTXVN

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (cả cương lĩnh năm 1991 và cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011) đều xác định: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội mà con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện để phát triển toàn diện cá nhân. Đạo đức của đảng viên cũng được soi chiếu qua "lăng kính" đó: "Phẩm chất cao quý của người cộng sản là… suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cách mạng, vì độc lập của Tổ quốc và cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân, trong đó có bản thân và gia đình mình". Đến Đại hội XIII của Đảng, "nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam" được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ đại hội.

Quan điểm của Đảng về hạnh phúc của nhân dân còn thể hiện qua phát biểu của người lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tháng 5.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết được coi như "tuyên ngôn" của Đảng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong đó, Tổng Bí thư khẳng định đặc tính nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng: "Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ xã hội, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, "cá lớn nuốt cá bé", vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường. Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có".

Nói về hạnh phúc của cá nhân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Mong muốn nhân dân được hưởng hạnh phúc thật chứ không chỉ là "định hướng" trong nghị quyết, trong phát biểu bế mạc Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội".

Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ nhân dân, gia tài lớn nhất của Đảng là niềm tin của nhân dân. Do vậy, mang lại hạnh phúc cho dân chính là cách thức hữu hiệu nhất để củng cố vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc. Năm 1969, vào dịp kỷ niệm 39 năm ngày ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng chính là "một cách thiết thực để kỷ niệm ngày thành lập Đảng". Tới nay, thời điểm 94 năm thành lập Đảng, tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi suy thoái trong Đảng vẫn là nhiệm vụ tiên quyết để Đảng có thể toàn tâm, toàn ý hành động vì hạnh phúc của nhân dân như 94 năm qua.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2024), hôm qua, Đoàn đại biểu T.Ư Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Dự lễ viếng có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Trương Thị Mai. Cùng dự lễ viếng còn có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; các nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể T.Ư.

Vòng hoa của đoàn mang dòng chữ: "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, lãnh đạo, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.

Tiếp đó, các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ (đường Bắc Sơn, Q.Ba Đình, TP.Hà Nội).

Sáng cùng ngày, các đoàn Quân ủy T.Ư, Bộ Quốc phòng; Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an; TP.Hà Nội... đã đến đặt vòng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ.

Lê Hiệp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.